Vì sao phải gội đầu?
Tuyến bã nhờn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người – dù bạn có muốn nó tồn tại hay không. Trên thực tế, tuyến bã nhờn bắt đầu xuất hiện dưới da ngay từ tháng thứ 4 bạn còn nằm trong bụng mẹ. Nó có mặt ở tất cả mọi nơi trên cơ thể bạn (trừ lòng bàn tay và bàn chân) nhưng thường có nhiều nhất ở da đầu và khuân mặt.
Các tuyến bã nhờn này thường gắn với các nang lông trên cơ thể (trừ vùng mắt và vùng môi). Nhiệm vụ của chúng là tiết ra chất nhờn – một loại dầu tự nhiên giữ ẩm cho da và tóc của bạn. Chất nhờn này sẽ kết hợp với tế bào của tuyến bã sẽ tạo thành lớp bài tiết trên da và tóc. Đây chính là nguyên nhân gây ra gàu trên tóc.
Đó cũng là lý do chúng ta phải gội đầu để làm sạch các tế bào chết và chất nhờn này!
Nhưng gội như thế nào và gội bao nhiêu lần thì đủ?
Ai cũng biết nếu không có tuyến bã nhờn, da có thể bị khô và tóc sẽ bị rụng sớm. Nhưng điều đó không có nghĩa là nên để bã nhờn lưu lại trên da và tóc để… dưỡng ẩm!
Dầu gội dầu có thể xử lý được vấn đề này vẹn cả đôi đường, bởi nó không chỉ làm sạch hết các bã nhờn tự nhiên ở trên da mà còn cung cấp, làm cân bằng độ ẩm trên da. Tùy theo tính chất da của từng người mà việc gội đầu có thể thực hiện thường xuyên hàng ngày hoặc cách ngày, hoặc vài ngày. Tuy nhiên, rất nhiều người do thói quen, thường gội đầu hàng ngày. Vậy việc này thực sự có tốt?
Gội đầu bao nhiêu là đủ?
Cho đến giờ, tính hữu ích của dầu gội và tần suất của việc gội đầu hàng ngày hay hàng tuần vẫn là đề tài gây tranh cãi, ngay cả với các chuyên gia về da, tóc hay thậm chí là cả các bác sĩ da liễu.
Gội thường xuyên hay không còn tùy thuộc vào tính chất tóc (Ảnh: leyparejas)
Có người chỉ trích kịch liệt việc gội đầu thường xuyên vì cho rằng nó sẽ lấy hết các chất nhờn cần thiết nuôi dưỡng tóc. Người lại cho rằng, gội đầu là cần thiết vì nó sẽ loại bỏ các chất cặn bã còn lại trên da – nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về mụn.
Thực ra, khái niệm gội dầu hàng ngày bây giờ có thể bình thường nhưng với vài thập niên trước, nó là một khái niệm xa lạ. Phụ nữ ở những năm 1950 thường chỉ gội đầu 1 tuần một lần. Trong khi đó, tính trung bình ở thế kỷ 20, phụ nữ thường chỉ đến tiệm làm tóc khoảng… 1 tháng một lần. Một cột báo trên New York Times năm 1908 thậm chí còn khuyên mỗi người chỉ nên gội đầu 2 tuần một lần.
Lịch sử cũng ghi lại những trường hợp để đầu… bẩn lâu nhất, với những khoảng thời gian không tưởng. Chẳng hạn, năm 2007, một người khách mời trong một chương trình phát thanh ở Úc đã thừa nhận, hàng thập kỷ nay ông không gội đầu! Sau khi câu chuyện của ông lan ra, người ta thậm chí còn tổ chức hẳn một cuộc… thi xem ai để đầu không gội được lâu nhất. Kết quả đáng ngạc nhiên khi có tới 500 người đã tham gia thử thách trong vòng 6 tuần này. Và càng ngạc nhiên hơn khi có tới 86% trong số này thừa nhận: Tóc họ không tốt hơn nhưng cũng chẳng tệ hơn so với khi họ gội đầu đều đặn trong 6 tuần liên tục.
Một chi tiết cũng rất đáng lưu ý, theo khuyến cáo của các chuyên gia chính là việc bạn hoàn toàn có thể giữ cho tóc sạch sẽ dù rằng không gội đầu bằng dầu gội. Đó là sử dụng các sản phẩm tự nhiên như một số loại dầu gội đầu khô có sẵn trên thị trường. Một cách khác cũng được khuyến nghị là dùng trứng sống bôi lên tóc, sau đó dùng chanh tươi rửa sạch lại…
Tựu chung lại, việc gội đầu nhiều hay ít, dùng dầu gội hay không dùng dầu gội không có một công thức cố định nào cả vì nó còn phụ thuộc vào tính chất tóc của từng người, thói quen, sở thích, sinh hoạt… Tuy nhiên, khuyến nghị được phần lớn các chuyên gia đưa ra là khoảng 2 lần một tuần là hợp lý!
(Theo VTV)