Cứ đẻ "đã có Nhà nước nuôi"!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/8/2013 | 8:41:25 AM

YBĐT - Gia đình ít thì 4 đến 5, còn đông cứ phải trên chục. Trong số 11 trường hợp sinh con thứ 3 của toàn xã từ đầu năm 2013 đến nay, chủ yếu là các thôn đồng bào Mông.

Lũ trẻ nhà anh Lảnh giúp bố mẹ tẽ ngô đổi lấy gạo.
Lũ trẻ nhà anh Lảnh giúp bố mẹ tẽ ngô đổi lấy gạo.

Đứa thứ 8 hay 9 mặc kệ, nếu không phải là con trai thì nhất nhất phải đẻ! Mới nghe tưởng lạ, song lại là chuyện thường ngày ở không ít gia đình đồng bào Mông, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Nhắc đến tên các thôn Khe Tiến, Khe Ron, Hồng Lâu, Khuôn Bổ, ngay cả người địa phương cũng lưỡng lự bởi đường sá đi lại rất khó khăn. Ngày nắng ráo thì đỡ chứ mưa dầm mưa rền như những ngày qua thì cứ gọi là... Sự quả quyết của chúng tôi đã khiến chị Hoàng Thị Vĩnh - cán bộ chuyên trách dân số xã Hồng Ca vui vẻ lên đường. "Để gặp được bà con, phải đến từ sáng sớm tinh mơ, không thì cũng phải lúc nhá nhem tối" - chị Vĩnh khẳng định.

4 giờ chiều, chúng tôi xuất phát từ UBND xã Hồng Ca đến thôn Khe Ron. Sau hơn 1 giờ đánh vật với gần 10 km đường cuối cùng cũng đến được gia đình anh Sùng A Lảnh và chị Hờ Thị Lâu. Ọp ẹp, thấp tè, nằm gọn lỏn bên mé đồi không lối đi lại là ngôi nhà của vợ chồng anh Lảnh và 8 đứa con. Mặc dù đã hơn 5 giờ chiều mà bếp vẫn lạnh ngắt.

Bên cạnh người đàn ông mới hơn 40 tuổi trông già sụ là lũ trẻ, đứa có quần không áo, đứa có áo không quần, đứng, ngồi tẽ ngô. Vợ anh Lảnh - người đàn bà Mông khó đoán tuổi ngồi ôm đứa con chưa đầy 5 tháng tuổi nhìn vô định. Con bé lớn hơn 10 tuổi, thấy người lạ, ngượng ngùng vớ tạm cái áo mốc huếch mặc vào…

- Hôm nay không đi nương à, anh Lảnh?
- Bẻ hết ngô rồi, ở nhà tẽ thôi!
- Anh được mấy cháu?
- Bảy, à tám, một đứa chết.
- Thế anh nhớ hết tên các con mình hiện nay không?
- Có chứ! Sùng Thị Thái, Sùng Thị Mỷ… thứ 3 à... à... Sùng… (anh Lảnh quay sang nhìn vợ, chị Lâu ra hiệu không nhớ), đợi chút - Anh Lảnh chạy vào lục lọi một lúc quay ra, trên tay là quyển sổ hộ khẩu.
- Thế gia đình mình được mấy sào ruộng? Đông con vậy có bị đói ăn không?

Anh Lảnh ngơ ngác vẻ không hiểu chúng tôi hỏi. Hờ Nủ Lâu - Trưởng thôn Khe Ron trao đổi lại với anh Lảnh bằng tiếng Mông rồi cho biết, gia đình anh Lảnh có 3 sào ruộng, một vụ được 19 bao thóc nhưng bị chuột phá nên chẳng được bao nhiêu. Gia đình thường thiếu ăn 6 tháng. Những tháng không có ăn thì đi làm thuê, ai bảo gì làm đó, không thì đi vay mượn, đến đợt trợ cấp của Nhà nước hoặc mùa vụ thì trả. Thằng nhỏ sinh ra được mấy tháng do thiếu ăn nên bị suy dinh dưỡng và chết.

Ngoài mấy tải thóc nằm gọn ghẽ sát tường và đống ngô tụi nhỏ đang tẽ, trong nhà anh Lảnh chẳng còn thứ gì đáng giá. Sùng Thị Sơ sinh năm 2001, con thứ 3 của anh Lảnh nhìn nồi cơm trống rỗng, ôm bụng, nhăn nhó. Hình ảnh của Sơ khiến chúng tôi xúc động, thương cảm bao nhiêu thì lại thấy anh Lảnh đáng trách bấy nhiêu.

Vẫn cái giọng líu nhíu do ảnh hưởng của bữa rượu trưa mừng anh có con trai sau 8 lần sinh đẻ: "Cán bộ cứ lo, nó không chết đâu". Chị Vĩnh nói với anh Lảnh: "Có con trai rồi, chắc không đẻ nữa đâu nhỉ?". "Không đẻ đâu, có rồi, vui rồi!", anh Lảnh cười tít mắt. Tôi thầm nghĩ, nếu đứa này là con gái, chắc chắn anh Lảnh sẽ tiếp tục bắt vợ đẻ thêm.

 

Gia đình anh Lảnh không có gì đáng giá.

Chia tay anh Lảnh chị Lâu, chúng tôi đến gia đình anh Vừ A Hà thôn Khe Tiến. Chặng đường đến với Khe Ron đã rất khó khăn nhưng so với Khe Tiến thì chưa thấm vào đâu. Con đường độc đạo là khe suối, với đá cuội, sỏi rêu bám trơn trượt. Chúng tôi tháo hết giày, tất đeo quanh người, quần xắn lên tận đùi vì theo anh Rùa - công an viên thôn Khe Tiến, phía trước là một con suối lớn và các vũng bùn sâu do đợt mưa vừa qua…

Hơn 6 giờ chiều, chúng tôi mới đến được gia đình anh Hà. Gia đình anh Hà cũng không khác là mấy so với anh Lảnh, có chăng là con đông hơn. Anh Hà có 9 người con gồm 7 trai và 2 gái. Đứa nhỏ nhất sinh năm 2013 và đứa lớn nhất sinh năm 1992. Với  5 sào ruộng, 1 ha măng Bát Độ nên một năm gia đình anh Hà chỉ đói ăn 4 tháng.

- Sao anh chị đẻ nhiều thế?
- Nhỡ à!
- Đẻ vậy có bị phạt không?
- Có chứ, phạt 500 nghìn đồng, xin nhiều giảm xuống 150 nghìn đồng.
- Sao không cho chị nhà đi đặt vòng?

Anh Hà vò đầu, gãi tai. Chị Vĩnh nói thêm: "Thứ 4 hàng tuần, tại trạm y tế xã chúng tôi có làm dịch vụ, song đến tận hộ gia đình vận động, tuyên truyền mà họ không nghe, có người xuống đặt vòng về đến nhà lại tự ý tháo ra. Mà chuyện sinh đẻ ở đây phức tạp lắm! Nếu gia đình không có con trai, hoặc không con gái thì họ lý do con cái không đầy đủ. Mà đủ cả trai, gái thì họ nói nhỡ, do đó, đói nghèo là hiển nhiên". 

Đối với đồng bào người Mông ở Hồng Ca, chuyện sinh con thứ 3 khá phổ biến. Gia đình ít thì 4 đến 5, còn đông cứ phải trên chục. Trong số 11 trường hợp sinh con thứ 3 của toàn xã từ đầu năm 2013 đến nay, chủ yếu là các thôn đồng bào Mông như: Hồng Lâu 2, Khe Tiến 3, Khe Ron 3… Và tình trạng sinh con thứ 3 ở đây năm nào cũng có, riêng năm 2012 là 22 trường hợp.

Trong khi đó, tỷ lệ đói nghèo ở các thôn này luôn cao ngất ngưởng. Đơn cử, thôn Hồng Lâu có 103 hộ thì chỉ có 2 hộ không phải hộ nghèo, thôn Khe Ron có 86 hộ thì chỉ 6 hộ không nghèo, thôn Khe Tiến 60 hộ thì có 3 hộ và tỷ lệ sinh con thứ 3 luôn chiếm trên 90%. Lý do sinh con đông rất đơn giản đối với nhiều gia đình đồng bào Mông nơi đây: đông con vừa thêm người lao động và khi Đảng, Nhà nước hỗ trợ cứu đói thì được nhận thêm phần.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Đảng, Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo nơi đây 80.000 đồng/1 khẩu cộng với tiền điện 30.000 đồng, gạo mỗi khẩu 15 kg, chưa kể tiền hỗ trợ ngày tết. Như vậy, đối với gia đình Sùng A Lảnh có 9 khẩu được 720 nghìn đồng, 135 kg gạo, gia đình Vừ A Hà 11 khẩu cộng thêm vợ và 2 đứa cháu của anh con cả là 14 khẩu nhân lên cứ gọi là "kha khá". Đồng thời, con cái đông đi học không mất tiền học phí, lại còn được ủng hộ sách vở nên họ cứ mặc kệ như thể tôi đẻ ra đã có Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ…

Đã hơn 7 giờ tối mà đám con nhà anh Hà vẫn lê la, trần truồng trước hiên, trong khi bếp lửa tắt ngóm. Cô bạn đi cùng bấm tôi: "Tối nay, chắc tụi nhỏ lại đói thôi". "Có thể, nhưng họ vừa nhận tiền và gạo hỗ trợ cứu đói?". Anh Rùa hiểu ý tôi: "Trả nợ hết rồi, bù cho những tháng đi vay mượn". Kể cũng lạ, họ hiểu cái đói mà sao vẫn chấp nhận nó nhỉ, chẳng nhẽ chỉ đợi tiền trợ cấp hay sao? Tiền trợ cấp của Đảng và Nhà nước là nhằm giúp người dân nghèo vơi bớt khó khăn chứ không phải để bà con trông chờ, ỷ lại.

Chia tay những gia đình người Mông ở Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu, Khuôn Bổ, chúng tôi không khỏi xót xa, thương cảm, họ vừa đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Song dù thương hay trách mà tình trạng sinh con thứ 3 vẫn diễn ra như hôm qua, hôm nay thì đói nghèo sẽ vẫn đeo bám, bủa vây.

Để giúp đồng bào, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ làm công tác dân số phải có sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, thuyết phục để bà con hiểu đông con là khổ, đói ăn và trẻ sẽ không được chăm sóc, giáo dục tốt. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước chỉ một phần nào còn chính họ sẽ phải tự nỗ lực vươn lên.

T.N

Các tin khác
Tảo hôn, đẻ dày, đẻ nhiều đang là vấn nạn ở vùng cao gây khó khăn trong xây dựng gia đình bền vững.
Trong ảnh: Một thanh niên ở bản Lìm Thái, xã Cao Phạ tay bế đứa con 2 tuổi và địu đứa con 1 tuổi sau lưng.

YBĐT - Từ trước đến nay, nhiều người thường cho rằng, nạn tảo hôn chỉ phổ biến ở người Mông nhưng thực tế, đây đang là “căn bệnh truyền nhiễm” của xã hội, là nỗi trăn trở của cấp uỷ, chính quyền những nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là những địa phương phía tây tỉnh Yên Bái có đông đồng bào Thái.

Nghĩa Lộ - Mường Lò tuy đã được đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với thị xã văn hóa và trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội phía Tây của tỉnh.
(Ảnh: nhật Thanh)

YBĐT - Địa lý bị chia cắt dẫn đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống thiếu đồng bộ, đặc biệt cùng với đó là sự chồng chéo về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.

Người dân Giàng Cài thu hoạch quế.

YBĐT - Rừng quế hôm nay dân bản khai thác có rất nhiều cây quế lớn nhưng nổi bật, vượt lên trên khoảng rừng mênh mông là một cây quế cổ thụ sừng sững. Đó chính là cây quế Tổ, biểu tượng linh thiêng của đồng bào Dao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Những ngày mưa rác thải được đẩy xuống dòng suối gây ảnh hưởng đến nguồn nước.

YBĐT - Những ngày trời nắng mùi xú uế từ những đống rác thải bốc lên khiến mọi người khó chịu, còn vào ngày mưa lượng rác thải trôi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước gây ngập lụt, ảnh hưởng đến nguồn nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục