Đi lên từ làng
- Cập nhật: Thứ tư, 17/2/2016 | 10:27:17 AM
YBĐT - Đến Quyết Tiến hỏi thăm nhà Quân chẳng ai không biết: “Cứ đi vòng qua ao kia, khi nào nhìn thấy vườn chanh trĩu trịt quả là đúng đó. Trẻ thế mà rất giỏi làm ăn kinh doanh. Chẳng mấy thôi là giàu nhất làng đấy...".
Mô hình trồng chanh hàng hóa của anh Đoàn Ngọc Quân (bên trái) ở xã Việt Cường, huyện Trấn Yên cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
|
“Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tại sao phải đi “xứ người” làm thuê? Mình muốn đi lên từ chính đôi bàn tay, khối óc của mình, từ mảnh đất làng quê này để làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương”. Câu nói như “đinh đóng cột” của chàng trai tuổi Kỷ Mùi – Đoàn Ngọc Quân ở thôn Quyết Tiến, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên làm chúng tôi cảm thấy thật khâm phục.
Đến Quyết Tiến hỏi thăm nhà Quân chẳng ai không biết: “Cứ đi vòng qua ao kia, khi nào nhìn thấy vườn chanh trĩu trịt quả là đúng đó. Trẻ thế mà rất giỏi làm ăn kinh doanh. Chẳng mấy thôi là giàu nhất làng đấy. Đúng là ông chủ chanh, ông chủ chăn nuôi”. Chỉ nghĩ đến gặp Quân là chúng tôi đã cảm thấy thật háo hức.
Từ ông chủ chanh...
Gặp Quân trong bộ quần áo bảo hộ lao động, tôi giật mình không nghĩ người đang đứng kia là ông chủ chanh. Quân dáng người không cao, lại gầy, ngoài đôi mắt sáng và nụ cười tươi ra thì không có gì đáng chú ý. Nhưng qua những câu chuyện, những lời chia sẻ, tâm sự của Quân với chúng tôi thì thật sự khác. Trong ngôi nhà xây khang trang đầy đủ tiện nghi thuộc loại đắt tiền, trên tường treo nhiều khung ảnh của vợ chồng, con cái, tôi chắc chắn cuộc sống gia đình Quân rất hạnh phúc.
Câu chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi bác Trưởng thôn Quyết Tiến - Đỗ Văn Chuyên chia sẻ: “Quân là người đầu tiên của thôn mang cây chanh tứ thời về đất này trồng. Cũng nhờ Quân mà cây chanh giờ đã là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của thôn đấy”. Rồi câu chuyện Quân đến với nghề trồng chanh như thế nào cứ cuốn lấy chúng tôi. Vào một ngày cuối năm 2005, khi ngồi trong quán nước thấy mấy người bạn bàn bạc về trồng chanh tứ thời: “Với đất đỏ như ở đây, bảo đảm có thể trồng được chanh “tứ thời”. Tôi nghe nói, mấy người bên đội 8 và đội 3 trồng thử, thấy bảo cây chanh phát triển tốt, cho nhiều quả...”.
Nghe vậy Quân quyết định ngay: “Phải thử, không thử sao biết được! Vốn đầu tư không nhiều, đất ruộng xấu thì phải chuyển đổi...”. Ngay sáng hôm sau, Quân tìm đến các gia đình trồng chanh để học tập kinh nghiệm. Với tính cẩn thận, lại chịu khó và ham học hỏi, chỉ sau ít ngày, Quân đã táo bạo bỏ toàn bộ diện tích ruộng xấu, kém hiệu quả để mua chanh về trồng.
Thu nhập từ cây chanh của gia đình anh Quân (bên phải) lên tới trên 200 triệu đồng/năm.
“Ban đầu, phải đánh đất đỏ từ đồi xuống dưới ruộng để tạo mặt bằng khá vất vả nhưng thấy mục đích, hướng đi mới thì tôi đã không ngại khó”. Với người khác khi trồng chanh, ban đầu, có thể không thành công vì thiếu kinh nghiệm nhưng với Quân lại hoàn toàn khác, gần 200 gốc chanh do anh trồng đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có được thành công đó là vì Quân chịu khó học hỏi, chịu khó tìm tòi trước khi bắt tay vào công việc. Lợi thế của Quân khi trồng chanh chính là đất đỏ sẵn có, sau đó, anh cuốc đất làm ụ, bên dưới phải bảo đảm đủ độ ẩm và có chu vi 1 m trở lên, tuyệt đối không để nông hoặc sâu quá, dùng cuốc đào ụ theo cách thủ công sâu từ 50 cm. Tiếp đó cần tạo đất tơi rồi dùng phân vi sinh bón lót rồi mới trồng chanh xuống. Mỗi tháng phải bảo đảm phun thuốc bảo vệ thực vật để chống rầy nâu, nhện đỏ, bọ cánh tơ...
Thường xuyên phải theo dõi khi chanh ra quả bởi lúc này dễ bị các loại bọ tấn công, làm cho vỏ sần, ít nước. Cứ như vậy, gần 200 gốc chanh của Quân ban đầu cho thu nhập khá cao. Đến nay, gia đình anh đã có trên 600 gốc chanh, mỗi năm cho thu hoạch 8 lượt, tính sơ sơ cũng trên 20 tấn, bán bình quân ra thị trường 12 nghìn đồng/kg, thu nhập lên tới trên 200 triệu đồng. “Tôi trồng chanh đến nay đã gần chục năm, thấy chanh phát triển hiệu quả, cho thu nhập ổn định nên cũng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong thôn cùng phát triển. Đến nay, nhà nhà trong thôn đã đều trồng chanh, thấy người dân bớt nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là mình vui rồi!”.
... Đến ông chủ chăn nuôi
Nếu chỉ nói đến ông chủ chanh thì thật chưa xứng với khả năng kinh doanh và hiểu biết thị trường của Quân. Khi chanh cho thu nhập ổn định, Quân liền “gom vốn” phát triển chăn nuôi. Kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, đó là “nghệ thuật” của Quân để cây cho quả to, mang lại lợi nhuận cao và vật nuôi lớn nhanh, phát triển tốt. Lợi ích song hành ít gia đình nào theo kịp. Để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, Quân đã phân tích, nghiên cứu thị trường đầu ra một cách bài bản. Từ lúc chưa chăn nuôi, Quân đã chủ động liên hệ với các nhà hàng, tư thương để “lấy mối” giao hàng.
Ban đầu, anh chỉ xây dựng 2 đến 3 chuồng và nuôi từ 2 đến 3 lợn nái cộng với mua lợn giống về nuôi rồi bán ra thị trường. Đến nay, hệ thống chuồng trại đã mở rộng với quy mô 10 con lợn nái và hơn 300 con lợn thịt. “Mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng trên 30 tấn thịt thương phẩm và trừ mọi chi phí thu về trên 300 triệu đồng”.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Quân được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi.
Để có được thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, anh đã học tập kinh nghiệm chăn nuôi lợn trên sách, báo và thực tiễn tại các hộ đi trước. Quân biết, để đàn lợn sinh trưởng tốt, lượng thức ăn cần những gì, nước uống ra sao, mùa hè và mùa đông điều chỉnh nhiệt độ như thế nào cho đàn lợn không bị nóng quá, lạnh quá. Anh cũng nắm rất bài bản kích thước chuồng trại, hệ thống làm sạch, hệ thống tưới, tắm...
- Nếu không hiểu những điều này thì khó chăn nuôi thành công lắm vì mức độ rủi ro khá cao - Quân khẳng định.
- Sao anh không phát triển thêm đàn gia cầm?,
- Chắc chắn là có rồi, nhưng phải sang năm, khi đàn lợn sinh sản ổn định và không cần phải mua giống bên ngoài rồi tính tiếp. Nuôi gia cầm cũng có lợi thế là mình chăn thả ngay trong vườn chanh của gia đình... - anh trả lời tự tin.
Những bước đi không chỉ chậm, chắc mà còn mang tính khoa học rất cao trong phát triển kinh doanh của chàng thanh niên này khiến ai nghe qua cũng phải trầm trồ thán phục. “Tuổi trẻ, tài cao” - đó là nhận xét của nhiều người về Quân và chúng tôi cũng vậy. “Từng tuổi ấy mà đã thu về bạc tỷ thì tôi gặp rất ít” - đó là chia sẻ của Trưởng thôn Đỗ Văn Chuyên. Còn với chúng tôi, những người được tiếp xúc trực tiếp, được nghe Quân tâm sự chuyện đời, chuyện nghề lại càng thấy khâm phục hơn.
Chia tay Quân cùng với một số thợ đang giúp nhà anh xây dựng, mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi trong thời gian tới mới cảm nhận ý chí vươn lên mạnh mẽ của người thanh niên quyết đi lên từ làng này. Vẫn trong bộ bảo hộ lao động, vẫn nụ cười tươi, vẫn đôi mắt sáng đầy quyết tâm và một mong muốn rất nhân văn của Quân: “Thôn mình vẫn còn nhiều thanh niên đi làm thuê ở các nơi khác, chỉ mong các bạn ấy hãy về đây để cùng nhau bảo ban, giúp đỡ và phát triển quê hương mình thêm giàu đẹp hơn”.
Ngọc Sơn – Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT- Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã trồng lại cây cam sành - một trong những giống cây ăn quả đặc sản vốn nổi tiếng một thời trên đất Ngọc Lục Yên. Giờ đây cây cam đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân. Trong không khí của những ngày đầu xuân này, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi về thăm những triệu phú cam trên vùng đất Khánh Hòa qua ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái.
YBĐT: Lên đỉnh Tà Chì Nhù, chúng tôi được nghe, được chứng kiến những thành quả do chính bàn tay của anh Thào A Tủa, thôn Suối Giao, xã Xà Hồ làm ra giữa nơi mênh mông đất trời ấy mà tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào thế giới của những câu chuyện cổ tích thần kỳ.
YBĐT - Đỉnh Tà Chì Nhù (đỉnh Cột Cờ), thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu có độ cao 2.979 m. Đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, đỉnh núi cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù, theo cách gọi của người dân tộc Thái là Phu Song Sung hay Chung Chua Nhà theo cách gọi của người Mông. Trên đỉnh Tà Chì Nhù có những câu chuyện đẹp như cổ tích với biển mây trắng ngập trời thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng.
YBĐT - Mấy ngày nay, tôi đã nhìn thấy cờ đỏ thấp thoáng bay dưới những vòm cây xanh và cả trên những cánh rừng của làng bản ở vùng núi xa xăm.