Gần nửa diện tích cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú chết do bệnh: Nông dân tự mình tìm hướng đi

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/4/2019 | 2:01:38 PM

YênBái - Những đồi cam trọc lốc, những cái thở dài, lắc đầu ngao ngán, đó là những điều tai nghe, mắt thấy khi chúng tôi tới thị trấn Nông trường Trần Phú - nơi có những làng biệt thự của những tỷ phú, triệu phú nông dân trồng cam của huyện Văn Chấn, khi mà 44% diện tích cam đã xóa sổ do bệnh vàng lá, thối rễ…

Những gốc cam chết được người dân thị trấn Nông trường Trần Phú chặt bỏ.
Những gốc cam chết được người dân thị trấn Nông trường Trần Phú chặt bỏ.

Nông dân buồn

Những ngày này đang là thời điểm mà những người trồng cam tất bật, hối hả chăm sóc cho vụ cam mới. Song, ở thị trấn Nông trường Trần Phú (NTTP) - thủ phủ của cam Văn Chấn lại im lặng như tờ. Những đồi cam xanh mướt ngày nào nay đã trọc lốc, trơ màu nâu của đất. Những cây cam ngày nào có giá trị vài triệu đồng thì nay lại được đong đếm bằng những ki-lô-gam… củi, mà theo những người trồng cam ở đây thì "vớt vát được đồng nào hay đồng nấy”. 

Chưa bao giờ, cây cam mắc dịch bệnh và chết với diện tích lớn đến thế - 248,7 ha. Đến nay, 6/8 tổ dân phố ở thị trấn có diện tích cam thì 4/6 tổ có cam mắc bệnh. Căn bệnh vàng lá, thối rễ đã xuất hiện từ năm 2016 nhưng chỉ lác đác trên diện tích trồng cam của thị trấn NTTP.

Dù mắc bệnh, nhưng năm ấy toàn thị trấn vẫn xuất được trên 3.000 tấn cam. Cam vẫn cho thu, bà con cũng không hề chủ quan trong khâu phòng và chữa bệnh. 

Song, đến vụ cam năm 2018, cam vẫn cho trái nhưng đến thời kỳ thu hoạch thì quả không chín, cứ teo tóp, thối dần trên cây, tổng sản lượng giảm còn 2.000 tấn. Và chuyện gì đến sẽ đến, những diện tích cam cằn cỗi, không còn sức sống do bệnh đã bị người dân dần chặt bỏ. Cam chết, hàng trăm hộ dân trồng cam lâm vào cảnh mông lung, không định hướng, phải đi làm ăn xa và nợ nần. 


Trong căn biệt thự vườn hiện đại vẫn thoảng mùi sơn mới, chị Lương Thị Tâm ở Tổ dân phố 19/5 mở thêm một quầy tạp hóa nhỏ để thêm thắt trang trải cuộc sống. Gia đình chị có hơn 1 ha cam khoảng 10 năm tuổi. Mọi năm cho thu về 300 triệu đồng, nhưng năm nay thì chỉ vài chục triệu, không đủ tiền phân bón, thuốc thang. Cam bệnh, chị buộc phải chặt bỏ toàn bộ để tránh lây lan và cải tạo đất. Giờ đây, gia đình chị chưa định liệu được gì bởi bản thân và gia đình vốn là những người nông dân chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". 

Chồng chị Tâm đã theo các thanh niên trong thị trấn xuống Hà Nội làm thuê, trước mắt còn chưa tìm được việc làm. 

Chị Tâm thở dài: "Căn nhà này vợ chồng tôi mới xây dựng cuối năm ngoái, còn nợ ngân hàng và anh em bạn bè, mỗi người một ít. Cứ ngỡ thu một vài vụ cam nữa là trả hết nợ nhưng giờ cam chết, việc làm thì không có, trang trải cuộc sống bây giờ còn khó nói gì đến việc trả nợ". 

May mắn hơn gia đình chị Tâm chút ít, gia đình chị Nguyễn Thị Hiên ở Tổ dân phố số 3 vẫn còn non nửa diện tích cam được thu hoạch. Vụ vừa qua, gia đình thu về gần 100 triệu đồng, song vẫn không đủ trang trải các khoản phí ban đầu. 

Chị bộc bạch: "Nếu cây không mắc bệnh, vụ này gia đình tôi thu không dưới 50 tấn cam các loại nhưng thực thu chỉ được có 10 tấn. Giờ cũng chỉ biết cố gắng chăm sóc, phòng ngừa tốt cho diện tích cam còn lại; khử đất, dọn dẹp diện tích cam chết, cho đất nghỉ một thời gian nữa rồi nghiên cứu trồng cây gì khác để mà trang trải cuộc sống". 

Không chỉ những người trồng cam lao đao mà cả những người kinh doanh dịch vụ kéo theo cũng gặp không ít khó khăn. Anh Đào Văn Khương - chủ đại lý phân bón, vật tư nông nghiệp Khương Xuân bày tỏ: "Mọi năm, tầm này tấp nập người mua lắm nhưng giờ chẳng thấy đến bóng người. Cam chết, không cho thu hoạch, tiền cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp từ đầu năm ngoái lên đến cả tỷ đồng mà không thu hồi được. Bà con cũng là hoàn cảnh khó khăn, bất đắc dĩ nên cũng đành cho họ nợ chứ biết làm gì hơn".



Gia đình chị Phạm Thị Thư, Tổ dân phố 19/5, thị trấn Nông trường Trần Phú tích cực trồng nghệ trên diện tích cam chết để tạo thu nhập.

Tự tìm hướng đi

Những người nông dân phải tự tìm ra cho mình hướng đi mới. Trên diện tích trồng cam cũ, gia đình chị Phạm Thị Thư ở Tổ dân phố 19/5 đã trồng nghệ nếp. Ngay sau tết Nguyên đán năm 2019, chị đã thuê máy đào, xới, loại bỏ toàn bộ gốc rễ cam đã chết, trồng thí điểm hơn 1 ha giống nghệ nếp Hải Dương. 

"Càng chữa càng mất tiền mà cây vẫn bệnh. Bệnh này nó ăn sâu vào đất rồi nên chặt bỏ, cải tạo đất càng sớm thì càng sớm trồng cam trở lại. Lúc cam được mùa, mình được hưởng, nay cam chết thì phải chấp nhận, phải tự mình tìm ra hướng đi cho mình chứ còn chờ đợi ai. Bởi vậy, gia đình tôi trồng nghệ thay thế, cũng không biết kết quả ra sao khi mầm bệnh trong đất vẫn còn nhưng cứ phải thử mới biết được" – chị nói. 

Với 230/234 hộ gia đình trồng cam đều bị nhiễm bệnh, người dân Tổ dân phố 19/5 đang trồng thử các cây giống mới thay thế cho cây cam. Nào là táo, nào là na, mít, ngô, nghệ - đây là những cây trồng ngắn ngày cho thu nhập sau một vài năm trồng với hy vọng tạo thu nhập trong khi chờ đất phục hồi để nhanh chóng đưa cây cam quay trở lại. 

Đó cũng là suy nghĩ chung của những người trồng cam ở thị trấn NTTP. Ở Tổ dân phố số 3, số 7, số 9, người dân cũng đang trong tâm thế chờ đợi sự trở lại của cam. Bởi cam là cây làm giàu đã được khẳng định trong hơn chục năm qua. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 cho biết: "Người dân đang lăn tăn với định hướng trồng chè mà thị trấn đang hướng đến. Nguyên nhân bởi họ đã từng làm chè, từng thấm đẫm những vất vả, những năm tháng làm quần quật mà đến cuối năm vẫn không có tiền. Theo chỉ đạo của thị trấn, họ đã chặt cam cho đất nghỉ, họ đang tìm cách để tự mình thoát khỏi khó khăn, họ không đòi hỏi hỗ trợ song họ mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn định hướng những cây trồng cụ thể để canh tác, có đầu ra và có thu nhập trang trải cuộc sống".

Dù là nông dân hay doanh nhân, đến một lúc nào đó đều xuất hiện những khó khăn, rủi ro không thể lường trước. Chân lý thắng được, thua mất, không ai hiểu rõ hơn họ. Bởi vậy, không trông chờ, ỷ lại, tự tìm cho mình những lối đi riêng và chờ đợi sự hồi sinh của cam trong tương lai không xa là những gì mà người trồng cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú đã và đang thực hiện.

Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú cho hay: "Đối với căn bệnh vàng lá, thối rễ, từ năm 2016 đến nay đã có nhiều đoàn công tác về kiểm tra, phân tích, bàn hướng giải quyết nhưng chưa chữa trị triệt để. Hiện giờ, ngoài phun thuốc kháng nấm phòng bệnh thì những diện tích cam nhiễm bệnh nặng, thị trấn chỉ đạo tuyên truyền, vận động bà con chặt bỏ toàn bộ, đào hết gốc rễ, đốt và tiêu hủy, rắc vôi bột; tạm thời trồng các cây ngắn ngày để cải tạo đất; định hướng cho bà con trồng chè ở các vùng đất đồi dốc; bón phân cân đối, phân chuồng phải khử nấm, xử lý hoai mục trước khi bón vào đất. Sau một vài năm nữa, diện tích ấy mới có thể trồng lại cam". 

Hoài Anh - Thu Giang 

Tags cam Nông trường Trần Phú nông dân

Các tin khác

Toàn huyện Văn Chấn hiện có trên 1.800 ha cam, quýt tập trung ở 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện. Từ năm 2017 trở lại đây, trên cây cam, quýt xuất hiện bệnh nấm gây thối rễ vàng lá với diện tích nhiễm bệnh khoảng trên 350 ha.

Anh Phạm Văn Quyết khoe hai tấm thẻ hiến tạng và hiến xác với phóng viên.

Chỉ là người thợ cắt tóc nhưng người đàn ông 42 tuổi đời ấy đã 7 lần hiến máu cứu người. Hơn thế, anh còn tình nguyện đăng ký hiến tạng, hiến giác mạc, hiến xác cho y học. Tâm sáng của anh đã lan tỏa tinh thần những việc làm vì cộng đồng. 

Đảo xanh trên hồ Thác Bà.

Yên Bái là tỉnh miền núi có nền văn hóa phi vật thể đa dạng, độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, trong đó có một số di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia như: lễ Cấp sắc của người Dao và nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ...

Người dân xã Nậm Khắt chung sức làm đường giao thông.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Mù Cang Chải đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những con đường "ý Đảng - lòng dân" đã và đang khẩn trương hoàn thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục