Tinh thần vượt khó
Phát biểu tại Đại hội DTTS tỉnh lần thứ III năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Cuộc sống của đồng bào các DTTS tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển mình rõ nét, phương pháp canh tác có nhiều thay đổi, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn; tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã giảm dần; hủ tục lạc hậu cơ bản được xóa bỏ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân toàn tỉnh, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt…; các mô hình sản xuất tỷ phú, triệu phú của đồng bào DTTS hiện ngày càng nhiều…
Không thể phủ nhận, từ các chính sách, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV), cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh, bức tranh kinh tế - xã hội của các vùng được thụ hưởng chính sách đã thay đổi rõ nét, đặc biệt là cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc…; an ninh trật tự được đảm bảo.
Người dân được đáp ứng và tiếp cận ngày càng nhiều hơn với các dịch vụ xã hội thông qua các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước từ Chương trình GNBV. Đời sống của một bộ phận người nghèo được cải thiện rõ nét, nhiều hộ nghèo DTTS đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá.
Tại huyện Văn Chấn, kết quả thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn ĐBKK thực sự phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, đặc biệt dự án đã trực tiếp giúp các hộ DTTS nghèo về khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất, nguồn vốn để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Năm 2018, toàn huyện có trên 2.000 hộ thoát nghèo bền vững thông qua dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình.
Cơ bản các hộ được vay vốn đã phát huy tốt hiệu quả của vốn vay, đầu tư có hiệu quả, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đã có nhiều hộ DTTS thoát nghèo nhờ chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi. Điển hình như hộ bà Lò Thị Hướng, dân tộc Thái, thôn Nà Đường, xã Thạch Lương; hộ ông Vàng A Hành, dân tộc Mông, thôn Khe Cảnh, xã An Lương.
Nhiều hộ gia đình người DTTS có mô hình mới, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo, làm giàu chính đáng, như hộ ông Cầm Văn Mằn thôn Viềng Công, ông Đồng Văn Ngọc thôn Bản Lốm, xã Hạnh Sơn với mô hình nuôi lợn hướng nạc cho thu nhập từ 150 -170 triệu đồng/năm.
Mỗi tấm gương thoát nghèo vươn lên trở thành điển hình lao động sản xuất giỏi; mỗi mô hình kinh tế hiệu quả trong đồng bào DTTS là điểm tựa vững vàng nhân lên những gương sáng trong phát triển kinh tế ở vùng cao Yên Bái, đúng như đánh giá của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy: Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân đã giảm dần...
Minh chứng rõ nhất có thể thấy là ở Cát Thịnh (Văn Chấn). Khi nguồn lực của Đảng và Nhà nước chưa thể đầu tư đưa điện lưới quốc gia về những bản làng người Mông heo hút thì 3/6 thôn, bản người Mông ở địa phương này là Khe Kẹn, Khe Căng và Khe Chất đã huy động được nguồn lực đóng góp tự nguyện lớn trong cộng đồng dân cư kéo điện về bản. Từ đây, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương được khơi dậy, thu hút được sự góp sức đồng thuận của nhân dân.
Tại huyện Mù Cang Chải, nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ các chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia GNBV đã bước đầu làm thay đổi tập quán, tư duy phát triển kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, tạo động lực để các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Hộ anh Giàng A Dình bản Háng Đăng Dê, xã Kim Nọi là một trong số rất nhiều hộ đồng bào Mông tiêu biểu ở Mù Cang Chải có ý chí thoát nghèo.
Đây cũng là hộ đầu tiên của huyện được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với mức 100 triệu đồng. Anh Dình cho biết, trước đây, gia đình đã được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi, mức vay cao nhất là 30 triệu đồng; được tham gia các lớp tập huấn, có kiến thức, có kinh nghiệm nên chăn nuôi hiệu quả, trả lãi nhanh.
Anh Dình chia sẻ: "Gia đình có lao động, có đất trồng cỏ nên nuôi trâu, bò là hợp lý. Đây cũng là vật nuôi chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao. Hiện đàn trâu, bò của gia đình có gần chục con. Số tiền được ngân hàng cho vay, nhà mình đã mua thêm được 2 con trâu, 2 con bò. Chỉ khoảng 2 năm nữa, đàn trâu, bò sinh sản thêm, bán con to đi, tiếp tục nuôi vỗ con nhỏ để sinh sản, duy trì tổng đàn quy mô dưới 10 con là hiệu quả nhất”.
Kết hợp chăn nuôi với trồng rừng kinh tế, trồng thảo quả, hàng năm gia đình anh Giàng A Dình có thu nhập bình quân xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang chải cho biết: "Đây là hộ đầu tiên của huyện được vay phát triển kinh tế mức vốn 100 triệu đồng. Khảo sát của cán bộ Ngân hàng thấy rằng tiềm năng dự án chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế tốt. Hết 9 tháng, dư nợ cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 24.947 triệu đồng, tăng 2.167 triệu đồng, tức là tăng 10% so với đầu năm, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ thu lãi đạt 100%; chất lượng chính sách tại 14/14 xã trên địa bàn huyện đạt loại tốt”.
Được biết, trong 3 năm qua (2016 - 2019), huyện Mù Cang Chải đã có 1.063 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi là người DTTS, chiếm 100% tổng số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi toàn huyện.
Giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện
Cũng như các địa phương vùng đồng bào DTTS, MN trong cả nước, tỉnh Yên Bái không nằm ngoài 5 cái nhất chung về hạn chế đã được đại biểu Quốc hội tổng kết đưa ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đó là: vùng khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận dịch vụ cơ bản thấp nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Song, như khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, "… đây là vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều nhất với nhiều chính sách nhất”.
Đánh giá kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trên địa bàn vùng DTTS, MN của tỉnh thấy rằng, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh tập trung ở một số tiêu chí như: hộ không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Những thiếu hụt các dịch vụ cơ bản này tập trung nhiều hơn, chủ yếu ở 2 huyện vùng cao và vùng đồng bào DTTS là Trạm Tấu và Mù Cang Chải, do phần lớn là người nghèo DTTS sống ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ĐBKK. Bên cạnh đó, còn do tập quán, thói quen chưa thể xóa bỏ của một bộ phận đồng bào DTTS cũng ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ này.
Tính ưu việt, nhân văn của Chương trình GNBV cũng cho thấy những yếu tố hạn chế, đó là chính sách giảm nghèo còn nặng về tính bao cấp dẫn đến chưa khích lệ ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người nghèo.
Nguyên nhân khách quan do nhận thức về ý nghĩa Chương trình GNBV của người dân, nhất là một bộ phận người nghèo, hộ nghèo chưa đầy đủ; tinh thần nỗ lực và sự cố gắng vươn lên để thoát nghèo chưa cao, còn ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Quan điểm của Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, trong đó xác định: đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển… nhằm đạt được mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đây cũng là mục tiêu được Chính phủ đặt ra đối với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện ĐBKK. Một trong những giải pháp về nhận thức được tỉnh Yên Bái quan tâm là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chăm lo đời sống đồng bào DTTS; tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nói riêng; đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tạo sự chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong bài phát biểu tại Đại hội các DTTS tỉnh Yên Bái lần III năm 2019 có nhấn mạnh: Nguyên tắc căn bản của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc là "các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển”…
Nếu không có giải pháp đột phá, với quyết tâm chính trị cao thì đến một thời điểm nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người DTTS. Định hướng chính sách trong giai đoạn tới nên là "giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện”, trong đó, tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một kênh huy động vốn quan trọng nhất; cần ban hành cơ chế cho vay theo dự án vừa và nhỏ, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời, phải khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào DTTS, nỗ lực cùng với Nhà nước và xã hội để thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo bền vững.
"Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với sự chỉ đạo quyết liệt cùng quyết tâm cao trong thực hiện Kế hoạch số 131-KH/TU về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2019, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 4% trở lên; giảm 30% số xã ĐBKK; 50% số thôn ĐBKK.
Cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước, điều cần làm hơn bao giờ hết là tinh thần chủ động, ý chí tự lực vượt khó của đồng bào DTTS, nỗ lực cùng với Nhà nước và xã hội, có vậy công cuộc giảm nghèo bền vững mới thành công.
Minh Thúy