Đêm đầu tiên trên đất núi Mù Cang, còn chưa kịp quen với cái rét ngọt thấu da của ngày cuối đông, chợt nghe vang lên âm thanh dập dìu, réo rắt của khèn, của sáo và những câu hát dân ca của người Mông, khiến cho kẻ làm khách như tôi không thể cầm lòng, tung chăn mà tìm đến.
Hóa ra, âm thanh đó phát ra từ đêm diễn văn nghệ quần chúng của đồng bào Mông - một chương trình nghệ thuật nhằm quảng bá nét đẹp bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc với chủ đề "Lung linh sắc màu văn hóa” được huyện Mù Cang Chải tổ chức vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Hình ảnh những chàng trai, cô gái Mông cùng say trong điệu múa khèn cùng với thứ thanh âm đặc biệt lúc vi vu, dạt dào như tiếng gió, khi lại ngọt ngào, nồng say, ấm áp như mang theo hơi ấm bếp lửa hồng của đêm diễn đã thôi thúc tôi khám phá thêm về thứ thanh âm mê hoặc lòng người này.
Tôi được cán bộ văn hóa xã trẻ người Mông Sùng A Sơ chở lên đỉnh Sáng Nhù, xã Mồ Dề thăm nghệ nhân dân gian ưu tú Thào Cáng Súa ngay trong buổi sáng hôm ấy. Ngồi sau xe máy của A Sơ ngược dốc, tôi ngỡ mình đang ngồi trên lưng con ngựa vía bất kham chỉ chực hất người xuống khỏi yên.
A Sơ đưa tôi qua khu ruộng mâm xôi trên đồi móng ngựa và biết bao thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, đẹp mê hồn mà tôi từng được thưởng lãm qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.
Vậy mà hôm nay, tôi không còn tâm trí nào để chiêm ngưỡng bởi phải dồn toàn bộ sự tập trung vào hành trình trên con đường mòn vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác để lên được Màng Mủ, Sáng Nhù.
Sớm nay, gia đình nghệ nhân Thào Cáng Súa tổ chức lễ cúng mừng cơm mới nên tôi không chỉ may mắn gặp được ông mà còn gặp được cả một "hội múa khèn” ở nhà ông. Với đồng bào Mông, nhất là nam giới, cây khèn như một người bạn tâm giao, tri kỷ, sẻ chia những ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống, gắn bó với họ từ thuở lọt lòng cho đến khi về với tổ tiên.
Mỗi khi có chuyện vui hay buồn, những lúc gia đình, dòng họ có sự kiện quan trọng như cưới hỏi, ma chay hay trong những ngày tết, lễ hội, họ lại đem khèn ra thổi và cùng nhau múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì thế nên hôm nay, khi con cháu, anh em họ hàng tề tựu đông đủ chính là dịp để tổ chức "hội múa khèn”.
Thổi khèn và múa khèn với người đàn ông Mông không chỉ là để giải tỏa tâm tư, tình cảm mà còn là để thể hiện tài nghệ của mình. Người biết dạy cho người chưa biết, người giỏi thổi, múa để người chưa giỏi học theo. Cứ thế, hội khèn càng lúc càng thêm náo nhiệt.
Tôi đã từng xem người Mông múa khèn, thổi khèn qua những chương trình biểu diễn trên sân khấu, truyền hình nhưng đến hôm nay, qua nghệ nhân Súa tôi mới hiểu rõ hơn về cây khèn và những điệu múa khèn độc đáo của họ.
Cây khèn của người Mông được cấu tạo bởi 2 bộ phận chính là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ pơmu, dài khoảng 70 cm, bên trong có lưỡi gà bằng đồng để tạo ra âm thanh. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm 6 ống tre có độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, đồng thời, mỗi ống có một lỗ điều chỉnh âm điệu.
Để làm được cây khèn vừa đẹp về hình thức vừa hay, chuẩn về âm thanh đòi hỏi kỹ thuật chế tác rất cầu kỳ và lựa chọn vật liệu kỹ càng. Bởi vậy, là trai Mông chỉ cần học thì cũng có thể biết thổi và làm khèn nhưng làm khèn giỏi thì không có mấy người.
Theo cha học thổi khèn từ năm lên 8 tuổi, sự đam mê thứ nhạc cụ kỳ diệu ấy đã cuốn hút ông Súa mày mò học cách làm khèn ngay từ nhỏ.
Năm tháng trôi đi, những cây khèn ông làm cho mình và cho bạn bè, dân bản đã không thể đếm xuể. Ngày nay, khi thời đại công nghệ phát triển, cuộc sống của dân bản cũng khấm khá hơn, lớp thanh niên trai trẻ mải hòa mình vào thế giới mới, cuộc sống mới nên đã dần quên đi những kỹ năng truyền thống. Những người biết thổi khèn, chế tác khèn ngày càng trở nên ít ỏi.
Đau đáu nỗi niềm muốn gìn giữ văn hóa dân tộc, ông Súa vẫn miệt mài làm khèn để thổi, rồi dạy cho con cháu trong nhà, trong họ và đem xuống chợ huyện bán. Từ khi huyện, xã triển khai Đề án "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông”, ông Súa mừng lắm.
Ông xung phong nhận trách nhiệm truyền dạy thổi khèn, múa khèn cho phần lớn hậu nhân của xã. Ông động viên con trai Thào A Su và bản thân ông tích cực học và tham gia các hội thi về múa khèn của tỉnh, của huyện. Đã mấy năm nay, hai bố con ông, một già, một trẻ đem tiếng khèn Mông đi khắp các hội thi và liên tục đoạt được những giải thưởng cao nhất.
Chia tay gia đình nghệ nhân Thào Cáng Súa, tiếng khèn da diết cùng những điệu múa quay, vờn, lăn, nhảy nhộn nhịp, rộn ràng trong nắng như níu giữ khiến tôi lưu luyến chẳng muốn rời chân.
Rồi sớm mai đây, cùng với hương vị ngọt ngào, thơm thảo trong những món ăn truyền thống của đồng bào Mông, vị dẻo thơm, nõn nà của bánh dày quyện với vị ngọt đậm của mật ong rừng; những chiếc bánh thịt cuốn mỡ chài béo ngậy trong ngày tết cổ truyền; vị cay nồng, thơm dịu của rượu ngô, rượu thóc La Pán Tẩn, rượu sơn tra… là âm thanh trầm bổng của khèn, véo von của sáo hòa cùng âm thanh từ những chiếc chuông, đồng bạc trên vai áo người thiếu nữ Mông đang say trong vũ điệu và những sắc hoa tớ dảy hồng, hoa mận trắng, hoa cải vàng trải tràn khắp mênh mông núi đồi sẽ làm nên bản hòa tấu độc đáo, đủ cả thanh, sắc lẫn vị cho mùa xuân mới trên quê núi Mù Cang.
Trung Thành