Yên Bái: Những người giữ nguồn sáng cho thành phố

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/6/2021 | 7:43:48 AM

YênBái - Kết thúc khoảng thời gian cao điểm, đến 23 giờ, những công nhân Điện lực thành phố (ĐLTP) Yên Bái mới trở về phòng nghỉ tại đơn vị để ăn tối. Với họ, hôm nay là một ca trực thành công vì đã không xảy ra sự cố nào về điện, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Họ đang nỗ lực cống hiến thầm lặng cho những đêm thành phố không tối đèn.

Công nhân Điện lực thành phố Yên Bái khắc phục sự cố, hậu quả mưa đá, dông lốc ngày 3/3/2020. (Ảnh: Quang Tuấn)
Công nhân Điện lực thành phố Yên Bái khắc phục sự cố, hậu quả mưa đá, dông lốc ngày 3/3/2020. (Ảnh: Quang Tuấn)

Vượt nắng nóng, bão dông

Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, dự báo thời tiết nhiệt độ lên đến 39 - 40 độ C, trời xanh trong không một gợn mây, những người thợ điện phải làm việc tăng ca gấp nhiều lần ngày thường dưới cái nắng bỏng rát của mùa hè. 

Thức dậy từ 5 giờ sáng, anh Dương Văn Cảnh - Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp Nguyễn Thái Học thuộc ĐLTP đã sẵn sàng trong bộ quần áo cam, túi đồ nghề để lên đường kiểm tra các điểm điện, trạm biến áp (TBA). Sau 3 giờ trôi qua, việc kiểm tra các sự cố đã cơ bản được hoàn thành. Lúc này, đội của anh mới được nghỉ ngơi để chuẩn bị tiếp tục ứng trực khi có sự cố xảy ra.

Đưa tay áo lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên gương mặt rám nắng, anh Cảnh tâm sự: "Anh em bọn mình dậy từ 5 giờ sáng đi làm sớm cho mát mẻ, vì thời tiết những ngày này chỉ đến khoảng 9 giờ, nhiệt độ đã lên rất cao. Nắng nóng không chỉ làm cho các sự cố về điện tăng mà các thiết bị trên cột, TBA cũng rất nóng. Mình chuẩn bị từ sớm để kiểm tra các điểm yếu trên lưới điện, kịp thời sửa chữa, thay thế, giảm thiểu sự cố cho người dân vào giờ cao điểm trưa, chiều và cũng để anh em trong Đội đỡ vất vả hơn”. 

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa nắng nóng, những cuộc gọi của người dân tới ngành điện yêu cầu sửa chữa lại tăng đột biến. Không có giờ cụ thể, dù ngày hay đêm, khi có yêu cầu, công nhân ngành điện đều phải khẩn trương lên đường khắc phục sự cố. 

Anh Phạm Trung Thành - Đội Quản lý tổng hợp Nguyễn Thái Học chia sẻ: "Có những ca trực, thời điểm giữa trưa, khi chúng tôi đang ăn trưa nhưng khách hàng bị mất điện hoặc có sự cố điện là đều buông bát ngang chừng để lên đường làm việc. Nghĩ đến cảnh nhiều gia đình có các cháu nhỏ, người già khó có thể chịu đựng được mất điện trong thời tiết nóng bức này, chúng tôi không thể ngồi yên”.



Công nhân Điện lực thành phố kiểm tra, lắp đặt công tơ mới cho khách hàng. 

Khi nắng nóng đi qua, mưa bão, dông lốc đổ về, hệ thống lưới điện phải chịu tác động lớn, nhiều cột điện, đường dây có khi bị quật ngã. Mỗi khi gặp sự cố, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người thợ điện đều phải vác ba lô đồ nghề di chuyển tới hiện trường để khắc phục một cách nhanh nhất, vì các anh đều hiểu, nếu chậm cấp điện trở lại sẽ gây nhiều cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống thường nhật của người dân.

 ĐLTP Yên Bái duy trì 2 Đội Quản lý tổng hợp Nguyễn Thái Học và Đồng Tâm và đơn vị hiện đang quản lý, vận hành 70,61 km đường dây 35kV, 96,45 km đường dây 22kV, 191,5 km đường dây 0,4kV, 291 TBA phân phối, cấp điện cho khoảng 36.000 khách hàng trên địa bàn thành phố. 

Còn nhớ trận dông lốc, mưa đá đầu tháng 3 năm 2020 làm toàn bộ thành phố Yên Bái và một số địa phương lân cận của huyện Yên Bình và Trấn Yên mất điện cả đêm. Thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn thành phố với nhiều điểm cột bị đổ gãy, nhiều tuyến hạ thế bị mái che mái vẩy và cây đổ quật đứt đường dây. 

"Ngay khi mưa ngớt, anh em công nhân và kỹ thuật điện thuộc các đội quản lý điện ứng trực trên địa bàn đã bắt tay ngay vào việc khắc phục sự cố làm xuyên đêm. Mưa đá kèm dông lốc khiến nhiều tuyến đường dây hạ thế và dây sau công tơ của khách hàng bị đứt. Do địa bàn rộng và lực lượng công nhân ở mỗi đội quản lý điện chỉ khoảng 14 người mà mật độ công việc dày đặc, các anh em công nhân phải chia ra từng nhóm để sửa chữa, mãi đến gần 3 giờ sáng mọi việc mới dần hoàn tất. 

Trong những chiếc áo ướt đẫm nước mưa, anh em công nhân ăn vội chiếc bánh, gói mì cho bữa sáng rồi lại lóc cóc chạy xe máy hết điểm này sang điểm khác. Ai cũng mệt nhưng đều động viên nhau cố gắng tập trung khắc phục sự cố nhanh nhất có thể. Cuối cùng, sau 3 ngày làm việc cật lực, mọi thứ đã được khắc phục hoàn toàn” - ông Đỗ Quang Đông - Giám đốc ĐLTP kể lại.

Nhiệt huyết và trách nhiệm

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, anh Dương Văn Cảnh không thể nhớ được lần thứ bao nhiêu đi khắc phục sự cố điện trên các tuyến đường. Anh kể: "Khổ nhất là những lần xử lý sự cố sau mưa bão gây sạt lở, đổ cột khiến giao thông đi lại ùn tắc, có khi anh em công nhân phải cuốc bộ hàng cây số, dầm mình dưới mưa để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... nhằm sớm đưa dòng điện thông suốt đến mọi nhà. Nhiều khi vừa khắc phục xong sự cố nơi này, chưa kịp về nhà thay quần áo lại nghe có tin báo sự cố nơi khác thì anh em lại tiếp tục lên đường”. 

Thế nên, để gắn bó lâu dài với nghề đòi hỏi những người công nhân ngành điện phải có sức khỏe tốt, không ngại vất vả, áp lực bởi công việc này gần như luôn trong tinh thần sẵn sàng sàng trực chiến, cứ có điện thoại hay tin nhắn thông báo sự cố là nhanh chóng lên đường ngay. Không chỉ vất vả, áp lực, nghề thợ điện còn tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn lao động, chỉ cần một sơ suất nhỏ khi thao tác trên cột trụ, người thợ điện phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình. 

Anh Nguyễn Văn Lý - Đội trưởng Đội Quản lý tổng hợp Đồng Tâm giãi bày: "Anh em công nhân ngày ngày làm việc trên trụ điện luôn phải đối diện với những nguy hiểm rình rập như: điện áp cao, té ngã khi leo cao... Vì vậy, những người yêu nghề và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao mới có thể bám trụ lâu dài”. 

Gian nan, hiểm nguy là vậy, nhưng người thợ áo cam luôn có mặt trên từng cây số để bảo trì, xử lý sự cố về điện một cách nhanh nhất. Họ lặng lẽ đánh đu trên các cột trụ, bám sát từng đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng TBA, cẩn trọng với từng ốc vít và chỉ thực sự yên tâm khi tất cả các thông số đều duy trì trong mức an toàn sau khi đo đạc kiểm tra.

Và rồi sự tin tưởng, cảm thông của khách hàng là nguồn động lực lớn để những người thợ điện luôn đương đầu với nắng nóng, mưa bão thêm vững tin gắn bó với nghề. 

Chị Phan Thị Tố Quyên - công nhân quản lý vận hành, Đội Quản lý tổng hợp Đồng Tâm chia sẻ: "Sau nhiều năm gắn bó với nghề, chúng tôi nhận được sự tin tưởng của khách hàng, sự cảm thông từ gia đình nên dù vất vả vẫn giữ lửa nhiệt huyết. Chúng tôi luôn cố gắng mang lại sự tiện nghi cho khách hàng cũng như chính gia đình mình khi sử dụng điện”. 

Như một lời tri ân dành cho những người thợ điện - người giữ nguồn sáng và đem niềm vui tới mỗi gia đình, anh Vũ Xuân Hoàng ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Gia đình tôi khi có sự cố điện là gọi ngay lên tổng đài, chỉ khoảng 15 phút sau đã có thợ điện đến kiểm tra. Không chỉ sửa chữa điện nhanh chóng, mà các anh còn nhiệt tình tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc tiền điện tăng, hướng dẫn sử dụng công cụ ước tính lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng nên gia đình tôi rất yên tâm”.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa và bao mùa nắng nóng, dông bão đi qua, những người thợ điện vẫn âm thầm, lặng lẽ khẩn trương khắc phục từng sự cố, bảo đảm dòng điện thông suốt đến mọi khách hàng, giữ nguồn sáng lan tỏa khắp mọi nhà, thắp sáng niềm tin xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.  
Bùi Minh

Tags Điện lực Yên Bái nguồn sáng truyền tải trạm biến áp xanh hài hòa bản sắc hạnh phúc

Các tin khác

Dẫu biết cuộc chiến chống ma túy còn nhiều cam go nhưng vượt lên tất cả, các chiến sỹ công an, mỗi cán bộ, đảng viên tại Yên Bái đã, đang và sẽ sát cánh cùng nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này để không còn những nỗi đau từ “cái chết trắng”. Một ngày không xa, dưới mái nhà của các bản làng sẽ không còn cảnh ông bố, bà mẹ đi tù vì ma túy, không có nỗi đau và những hệ lụy ma túy đem lại, để Yên Bái nơi núi rừng Tây Bắc, sự bình yên và hạnh phúc đong đầy mỗi ngày mới đến.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cho Đại sứ Nhật Bản.

Sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng được nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều cơ quan Trung ương lựa chọn làm quà tặng. Đặc biệt, mới đây, những nghệ nhân nơi đây đã biểu diễn pha trà Shan tuyết để giao lưu với Hiệp hội Trà đạo Nhật Bản, được người thưởng trà trong, ngoài nước đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Cuộc chiến đấu tranh chống tội phạm ma túy vẫn từng ngày đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Bởi từng ngày, từng giờ ma túy như một loại bệnh dịch vẫn len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trong cuộc chiến không khoan nhượng này, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng công an thì mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực sự là pháo đài để cùng ngăn chặn loại tội phạm này.

Con mất cha, vợ mất chồng, những bản làng xơ xác, đó là tuổi thơ đầy ám ảnh của những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình ma túy. Câu chuyện về cuộc chiến chống ma túy ở vùng cao Yên Bái có lẽ không hề mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự bởi ở mọi ngóc ngách của cuộc sống, ma túy vẫn luôn rình rập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục