Lưu luyến thị xã miền Tây

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/12/2021 | 7:49:58 AM

YênBái - Tạm gác lại cuộc sống sôi động của thành phố, một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến với cánh đồng Mường Lò đã đi vào câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Trong men rượu ngọt dịu, chan chứa tình người nồng ấm, du khách sẽ cảm nhận được tinh túy của suối ngàn Tây Bắc và những ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một địa danh lịch sử và đầy huyền thoại của Yên Bái.

Thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy tốt việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch.
Thị xã Nghĩa Lộ đã phát huy tốt việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái gắn với phát triển du lịch.

Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh - Điện Biên. Đây không chỉ là cánh đồng cung cấp nguồn lương thực cho đồng bào người Thái, làm nên thương hiệu gạo thơm ngon mà còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc người Thái ở Mường Lò.

Phát triển du lịch "xanh, bản sắc, hấp dẫn”

"Mường Lò gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Tay đan tay, say đắm điệu xòe
Hương còn vương vấn, lòng này nhớ ai?".

Những câu thơ mượt mà sâu lắng đã thôi thúc nhiều người tìm đến với Mường Lò, để chứng kiến tận mắt, bắt tận tay điệu xòe Thái. Cái khoảnh khắc mong chờ được đặt chân lên cánh đồng Mường Lò cứ dào dạt trong lòng. Nhiều người nói vui rằng chưa đặt chân lên cánh đồng Mường Lò thì chưa được coi là đã đến Yên Bái.

Đến thị xã Nghĩa Lộ, có người hình dung ra một cánh đồng Mường Lò đầy sương mù nằm dưới thung lũng. Riêng tôi, đó là một "góc” với những khoảnh khắc thanh bình êm ả. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng Mường Lò được ôm trọn bởi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Những ruộng bậc thang lượn vòng từng tầng, từng bậc. 

Dưới thung lũng, những ngôi nhà sàn tô điểm giữa không gian, giữa màu xanh biếc của lúa, của cây, thoang thoảng những làn khói lam chiều bay lên, bản Sà Rèn, Bản Đêu rồi Chao Hạ hiện lên mộc mạc, dung dị nhưng đẹp bình yên đến nao lòng. Khi lúa chín rộ, toàn bộ lòng chảo này được nhuộm vàng một màu kéo dài tít tắp đến chân các rặng núi cao cùng với những làn khói trắng giăng ngang mờ ảo tựa cảnh thiên đàng trong những câu chuyện cổ tích.

Vào mùa xuân, thung lũng Mường Lò đẹp như một bức họa nhiều màu. Có màu trắng của hoa mận, màu hồng phấn của hoa đào… ẩn hiện giữa những ngôi nhà sàn, trên đỉnh núi, lưng chừng đồi, hay trên vách đá và trên đường đi xuyên qua bản. Chiều về, mây núi bảng lảng trên không trung, vắt ngang những ngọn núi và sà xuống thung lũng khiến cho không gian trở nên huyền ảo, thơ mộng. Mây núi, khói chiều chờn vờn khiến cho cảnh vật ở đây trở nên huyền ảo.

Ngày nay, thị xã Nghĩa Lộ ngày càng được biết đến là một điểm sáng trong bản đồ du lịch của Yên Bái. Đến với Nghĩa Lộ, du khách được khám phá vẻ đẹp nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian, những điệu dân ca, dân vũ độc đáo, nổi bật là những điệu xòe của đồng bào dân tộc Thái làm mê đắm lòng người; được tham quan thực tế các nghề thủ công truyền thống, thưởng thức các lễ hội (lễ hội hoa ban, lấy nước, cầu mùa); các trò chơi dân gian (leo cột mỡ, đi cầu khỉ, ném còn, đẩy gậy, tó mắc lẹ); hòa mình trong các đội văn nghệ thôn, bản và đặc biệt tổ ẩm thực sẵn sàng phục vụ mỗi khi khách đến thăm. 

Trong men rượu ngọt dịu, chan chứa tình người nồng ấm, du khách sẽ cảm nhận được tinh túy của suối ngàn Tây Bắc và những ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một địa danh lịch sử và đầy huyền thoại của Yên Bái.

Du lịch cộng đồng hướng đi đúng của Nghĩa Lộ

Những năm gần đây, du lịch trải nghiệm cộng đồng đang là một trong những xu hướng phát triển tại thị xã Nghĩa Lộ. Đây được mệnh danh là một trong những "địa chỉ vàng” cho du khách trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên rừng núi, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của hơn 20 dân tộc cùng chung sống đan xen, hòa hợp, đoàn kết, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 77,28%, 52% là đồng bào dân tộc Thái… đã tạo nên nét văn hóa rất riêng. Người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát… 

Giờ đây họ còn làm du lịch. Hiện, thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 20 hộ dân đã và đang làm du lịchcộng đồng, tập trung tại thôn Bản Đêu, xã Nghĩa An và thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi. Tiêu biểu là các homestay: Hồng Chung, Bình Yến, Loan Khang của xã Nghĩa Lợi. 

Đơn cử homestay của gia đình ông Chu Văn Luật ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An với 12 phòng, có thể đón tiếp khoảng hơn 20 khách nước ngoài, từ 40 - 50 khách Việt Nam, với giá lưu trú từ 60.000 - 70.000 đồng/người/ngày. 

Ngoài ra, gia đình ông Luật còn tổ chức nhiều hoạt động tham quan, giới thiệu về vùng đất Mường Lò; giới thiệu phong tục tập quán của đồng bào Thái đen khiến du khách rất thích thú. Mô hình du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ những năm gần đây đã có những khởi sắc.

Với nhiều nỗ lực trong việc quảng bá giới thiệu về một vùng đất văn hóa, tạo sức hút mới đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Hơn nữa đó là sự thay đổi cách nghĩ, cách làm du lịch của người dân và các cấp chính quyền hướng tới giá trị bền vững.

Những năm 2018, 2019, mỗi năm thị xã Nghĩa Lộ đón hàng trăm ngàn lượt du khách, trong nước và quốc tế. Năm 2020, do đại dịch Covid-19 lượng du khách giảm chỉ đạt hơn 10.000 lượt, chủ yếu là khách nội địa. Điều quan trọng, các hoạt động du lịch cộng đồng vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa tăng thu nhập cho người dân. Du lịch cộng đồng cũng đang góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. 



Xôi ngũ sắc- món ăn đặc trưng của người Thái Mường Lò

Gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút du khách, Nghĩa Lộ - một vùng đất hồn hậu, dân dã đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá của du khách. 

Đặc biệt, với 2 di sản văn hóa cấp quốc gia là Nghệ thuật xòe Thái và Hội Hạn khuống, hàng năm, vào tháng 9 dương lịch, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức "Tuần lễ Văn hóa du lịch Mường Lò” để phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống và nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, thu hút đông đảo khách du lịch tìm về. 

Những yếu tố này đã tạo cho thị xã Nghĩa Lộ trong những năm gần đây là địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế du lịch của tỉnh. Đúng như định hướng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra: "Phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc".

Yên Bái nói chung, thị xã Nghĩa Lộ nói riêng đã nỗ lực không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực, dệt nên những mùa hoa ban đẹp. Những tuyến đường bê tông, trải nhựa rộng mở về với bản, với làng. Nơi chân núi, triền đồi ngút ngàn cam quýt, chè xanh gọi nắng, lúa đầy bồ, ngô thêm hạt cùng những rừng keo, mỡ, quế; từng công trình, nhà cửa mọc lên, phố núi, bản làng điện sáng thay sao, rộn ràng tỏa sáng; điệu xòe Thái đậm âm hưởng dân gian hòa quyện trong cung bậc núi rừng… 

Vùng đất cách mạng năm xưa giờ là vùng đất xanh vươn mình mạnh mẽ, nổi tiếng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ có lẽ là điều tuyệt vời nhất trong những chuyến du lịch mà tôi đã từng đi. Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã một lần đến đây, được hít thở bầu không khí luôn trong lành trong không gian bình yên ấy, thảnh thơi chiêm nghiệm về nhiều điều mà có lúc mình lãng quên giữa những hối hả, xô bồ của cuộc sống. Không biết tự bao giờ thị xã Nghĩa Lộ đã đọng lại trong tâm trí tôi một vẻ đẹp mê hồn khiến tôi lưu luyến không muốn rời xa. 

Lê Thị Thu Thanh (Đội 2, Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị) 

Tags miền Tây Mường Lò Du lịch cộng đồng nông thôn mới

Các tin khác
Thầy và trò điểm trường Kể Cả trong một tiết học, tỷ lệ học sinh chuyên cần của điểm trường luôn đạt từ 98 đến 100%.

Nằm dưới chân núi cao, giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn là điểm trường Kể Cả - điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của ngành giáo dục Yên Bái. Đây là nơi ăn ở và học tập của 104 học sinh dân tộc Mông ở 3 bản là Kể Cả, Háng Tày, Pú Vá, xã Chế Tạo.

Thác nước Minh Khai.

5 km từ trụ sở UBND xã Quang Minh, huyện Văn Yên vào đến thác nước Minh Khai thuộc thôn Minh Khai là một cung đường xanh. Những sân ngô vàng óng hong thỏa thuê trong nắng.

Hội viên Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã ủng hộ 100 triệu đồng phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Anh Trần Ngọc Hải - Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đã 3 tháng liền không về nhà mà quyết tâm bám trụ tại Chốt kiểm dịch y tế số 1 cùng các lực lượng phòng dịch, trong khi nhà anh neo người, vợ đang trong những tháng cuối thai kỳ. Đó là một trong nhiều sự quyết tâm được nói đến ở đây giúp Yên Bái giữ vững thành trì chống dịch COVID-19.

Giảng viên, nhạc sĩ Bùi Quốc Huy hướng dẫn học trò chơi đàn guitar.

Dù giảng dạy ở các bậc học, chuyên ngành khác nhau nhưng họ đều là những người thầy giỏi, giàu nhiệt huyết, trách nhiệm trong việc truyền ngọn lửa đam mê và khơi dậy tinh thần ham học, sáng tạo cho học trò. Họ luôn khắc ghi, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục