Tăng Văn Thủy - “Vua” nỏ ở đất Yên Thắng

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/3/2022 | 7:41:17 AM

YênBái - Hơn 25 năm cầm cung tên thi đấu trên mọi đấu trường từ cấp xã, huyện, tỉnh, khu vực đến cấp các giải quốc gia, đến giờ anh Tăng Văn Thủy - vận động viên không chuyên môn bắn nỏ ở xã Yên Thắng, huyện Lục Yên không nhớ nổi chính xác đã bao nhiêu lần mình được bước lên bục vinh quang, chỉ biết số huy chương Vàng, Bạc, Đồng mà anh giành được qua các giải thi đấu ước chừng gần 5kg - một thành tích mà đến những vận động viên chuyên nghiệp cũng phải “nể”, phải mơ ước.

Anh Tăng Văn Thủy hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ kỹ thuật ngắm bắn nỏ.
Anh Tăng Văn Thủy hướng dẫn các thành viên trong Câu lạc bộ kỹ thuật ngắm bắn nỏ.

Đầu tháng 3, chúng tôi tìm về Yên Thắng. Như đã hẹn trước, anh Thủy thu xếp công việc đồng áng sớm để tiếp chuyện chúng tôi. Anh từ tốn: "Mình có thành tích gì đâu mà nhà báo lặn lội về đây viết bài”.

Đón chén nước chè nóng từ tay anh mời, tôi không khỏi choáng ngợp khi cả bốn bức tường trong căn phòng khách treo kín bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận và các loại huy chương mang tên anh và các thành viên trong gia đình. 

Gợi chuyện về niềm đam mê bộ môn bắn nỏ, anh Thủy vui vẻ lấy cho chúng tôi xem chiếc nỏ mà với anh nó rất quý cùng những bộ huy chương lắp lánh ánh vàng, bạc, đồng của gia đình. 

Anh bộc bạch: "Ngày trước, các cụ dùng nỏ này để đánh giặc giữ làng, săn bắn, xua đuổi thú rừng bảo vệ mùa màng, đến đời bố mình cũng vậy. Chiếc nỏ cũng theo mình từ bé”. 

Hỏi ra mới biết, ông ngoại và bố của xạ thủ Tăng Văn Thủy là những người giỏi chế tác nỏ và có tài bắn nỏ được làng trên xóm dưới biết tiếng và nể phục. Thừa hưởng gen của gia đình, anh Thủy đã sử dụng cung tên thành thạo ngay từ khi còn học ở bậc tiểu học.


Anh Tăng Văn Thủy và những tấm huy chương anh giành được qua các giải đấu lớn.    

Chia sẻ bí quyết để "bách phát, bách trúng”, anh Thủy cho rằng: Người bắn nỏ đòi hỏi nhiều yếu tố nhưng trước hết phải vững vàng về tâm lý, bình tĩnh, tập trung, mắt sáng, tay chắc để giương nỏ ngắm bắn chính xác mục tiêu. Vận động viên phải tập luyện thường xuyên để đôi tay khỏe có thể nâng nỏ cao và vững. Cách kéo dây nỏ cũng rất quan trọng, phải kéo từ từ để cánh cung cân bằng, đặt nỏ phải nhẹ nhàng... Khác với các vận động viên chuyên nghiệp, là lao động nông thôn nên cách tập luyện của "xạ thủ” Tăng Văn Thủy cũng rất đơn giản. 

Anh Thủy bảo: "Chiều chiều, mình dựng 2 tấm bia ở ngoài sân để tập, phải luyện tay, luyện mắt mỗi ngày mới duy trì được phong độ. Cách tập luyện này cũng giúp cho mình có thời gian để hướng dẫn, huấn luyện cho vợ và các thành viên trong gia đình cũng như những người trong thôn, xã yêu thích môn thể thao này cùng tham gia tập luyện. Được cái vợ, con mình và nhiều người trong thôn chăm chỉ rèn luyện, học nhanh nên bây giờ họ cũng trở thành những xạ thủ tham gia được các giải đấu của huyện của tỉnh”. 

Với năng khiếu thiên bẩm, hàng năm khi tham gia các giải bắn nỏ cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực hay cấp quốc gia, anh Tăng Văn Thủy đều đạt thành tích cao vượt trội. Niềm đam mê và nỗ lực tập luyện mỗi ngày đã mang về cho anh những tấm huy chương danh giá như: Huy chương Vàng toàn quốc Khu vực I tổ chức tại Lào Cai năm 2016; Huy chương Bạc Giải Vô địch Bắn nỏ toàn quốc năm 2012 tổ chức tại Điện Biên… 

Không chỉ có tài bắn nỏ, Tăng Văn Thủy còn được ví là "vua chế tác nỏ”. Là người con trai của núi rừng Lục Yên, thuở nhỏ theo ông, theo cha lên núi săn bắn và học cách làm nỏ nên đến tuổi trưởng thành, anh Thủy đã nằm lòng nguyên lý làm nỏ. 

Hỏi về bí quyết làm nỏ, anh Thủy chia sẻ: "Muốn có thân và cánh nỏ tốt thì phải dùng gỗ chắc, rắn, chịu khô, không bị cong vênh nhưng lại phải có lực đàn hồi, độ dẻo dai tốt. Còn tên nỏ bắt buộc phải dùng gốc tre già rắn chắc, thân dọc một gióng…”. 

Những chiếc nỏ mà anh Thủy làm ra không phục vụ nhân dân trong vùng mà ngay cả những người bắn nỏ chuyên nghiệp khó tính ở đất Tây Nguyên - vùng đất giàu truyền thống làm nỏ cũng đặt hàng anh chế tác nỏ và cung tên để thi đấu. Tiếng lành đồn xa, thành tích vượt trội, hàng năm nhiều địa phương đã mời Tăng Văn Thủy và các thành viên trong gia đình về thi đấu và đạt thành tích cao. 

Với bề dày và kinh nghiệm của mình, hiện anh Tăng Văn Thủy là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắn nỏ xã Yên Thắng với 33 thành viên. Anh mong muốn truyền lửa đam mê và truyền dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh trong các trường học trong huyện những kỹ năng mà mình tích lũy được để tập luyện bộ môn thể thao truyền thống này. Bởi đây cũng là cách tốt nhất để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cây nỏ trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Yên”. 

Xin mượn lời ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Yên Bái thay cho lời kết: "Vận động viên không chuyên Tăng Văn Thủy là gương mặt sáng giá trong làng thể thao bắn nỏ của tỉnh và toàn quốc. Đây là vận động viên có tố chất, kỹ thuật bắn nỏ tốt ở nhiều tư thế. Tuy còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích Tăng Văn Thủy cũng như nhiều vận động viên khác duy trì chế độ luyện tập để có thành tích tốt cống hiến cho sự nghiệp thể thao của tỉnh nhà”.

Văn Tuấn

Tags Tăng Văn Thủy xạ thủ huy chương vàng đất Ngọc cá bỗng vịt bầu Lục Yên

Các tin khác
Chiến sĩ trẻ Sư đoàn 355 trong giờ huấn luyện.

"Chăn vuông góc, tóc cắt cao, gặp nhau phải chào, xưng hô đồng chí”. Đó là khẩu hiệu, cũng chính là bài học giáo dục tư cách, nét sinh hoạt chuẩn mực của người lính trong những ngày đầu, tháng đầu bước từ môi trường gia đình vào quân ngũ. Những người lính trẻ ở Sư đoàn 355 - Quân khu 2 chính là một ví dụ rõ nét nhất về hình ảnh đẹp ấy...

Khói đen sì từ lò đốt rác thải y tế (trái) và nhiều lọ thủy tinh vẫn nguyên vẹn sau khi đốt (phải).

Những ngày qua, phóng viên Báo Yên Bái liên tục nhận được phản ánh của người dân thuộc tổ 4, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái về tình trạng ô nhiễm từ lò đốt rác mới được xây dựng tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái.

Thầy giáo Lê Văn Cường đang nghiên cứu, đổi mới phương pháp giáo dục môn Lịch sử.

Thầy Lê Văn Cường, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình đã nổi tiếng khắp cả nước với tài năng viết sử bằng thơ lục bát. Tình yêu, nhiệt huyết, đam mê đã đồng hành cùng thầy trong công việc lao động sáng tạo để trao tặng cuộc đời những tác phẩm hữu ích, xác lập nên những kỷ lục Việt Nam, đặc biệt có thêm thật nhiều niềm vui lấp lánh ánh mắt học trò mỗi giờ học… và đong đầy hạnh phúc làm nghề.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên -

Hà Giang - Mỗi dịp tháng 2 về cũng là lúc nhiều người tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, địa danh minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục