Đồng chí Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng rừng trồng chuyên canh, tập trung, cung cấp nguyên liệu phục vụ cho chế biến, trong đó phải kể đến vùng nguyên liệu gỗ với quy mô trên 90 nghìn ha, chủ yếu là keo, mỡ, bồ đề, bạch đàn... tập trung ở 4 huyện là Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Sản phẩm khai thác chủ yếu cung cấp cho thị trường dăm gỗ, ván bóc, nguyên liệu giấy… với sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm từ 400 - 500 nghìn m3”.
Cùng với vùng rừng trồng chuyên canh, Yên Bái đã hình thành được vùng trồng quế với quy mô trên 80 nghìn ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn; sản lượng khai thác bình quân về một số sản phẩm, trong đó: vỏ quế khô đạt trên 18 nghìn tấn; tận thu cành, lá trên 85 nghìn tấn để chế biến tinh dầu với sản lượng tinh dầu bình quân 600 tấn/năm; gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ khoảng 200 nghìn m3.
Đây là 2 vùng cung cấp nguyên liệu gỗ chủ yếu phục vụ cho chế biến tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù sản lượng khai thác gỗ hàng năm tương đối lớn, khoảng 700 nghìn m3, nhưng chủ yếu là loại gỗ nhỏ, khai thác trước 10 năm tuổi, giá trị thu được không cao, người dân đã chú trọng hơn đến giống cây trồng nhưng do tâm lý tham rẻ, thiếu hiểu biết… nên một bộ phận người trồng rừng vẫn mua giống cây lâm nghiệp trôi nổi, không rõ nguồn gốc, dẫn đến chất lượng rừng không bảo đảm, năng suất, sản lượng, phẩm chất gỗ thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tiêu thụ hiện nay.
Theo số liệu thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 482 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ rừng trồng, trong đó hộ kinh doanh cá thể chiếm tới 85,5% với 412 cơ sở, sản phẩm chủ yếu là ván bóc, gỗ dăm với công suất thấp, bình quân khoảng 300 - 400 m3/tháng.
Qua khảo sát thực tế, một điều dễ nhận thấy là hầu hết các cơ sở chế biến gỗ đều là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản, chủ yếu là các máy xẻ, máy bóc trong sản xuất, chế biến gỗ. Trong những năm qua, nắm bắt được tiềm năng về gỗ rừng trồng, không ít doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy ép ván, ghép thanh… nhưng do nguồn vốn ít nên việc đầu tư cũng mới dừng lại ở những dây chuyền sản xuất chất lượng thấp. Công nghệ chế biến chưa hoàn thiện nên sản phẩm làm ra chủ yếu ở dạng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Hơn nữa, một khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành nghề chế biến gỗ là phụ thuộc rất lớn vào sự điều tiết của thị trường; do ngành nghề chế biến gỗ nhỏ lẻ, mối liên kết thấp, không đủ mạnh, không có sản phẩm chế biến sâu nên chịu nhiều sức ép từ các thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Để khắc phục vấn đề này, về phía ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai xây dựng Đề án xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Yên Bái, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định với mục tiêu là đến năm 2030, đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của tỉnh Yên Bái, xây dựng Yên Bái thành trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở khu vực vùng trung du và miền núi phía Bắc”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: "Đến năm 2025 có trên 40.000 ha rừng cây gỗ lớn; khoảng 100.000 ha rừng trồng trở lên được cấp chứng chỉ FSC...”.
Làm gì để đạt được mục tiêu của Nghị quyết, đặc biệt là làm như thế nào để người trồng rừng có thể sống và làm giàu từ các loại sản phẩm gỗ rừng trồng vẫn đang là điều khiến lãnh đạo không ít địa phương trăn trở.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được quản lý bảo vệ tốt, tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng 63%, diện tích rừng cây gỗ lớn toàn tỉnh đạt trên 24 nghìn ha (đạt 60,7% chỉ tiêu Nghị quyết); diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC, VFCS/PEFC đến hết tháng 5/2022 dự kiến đạt 11.106 ha (đạt 11,1% chỉ tiêu Nghị quyết).
Tuy nhiên đến nay, việc triển khai cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp đã đăng ký kế hoạch thực hiện nhưng thiếu nhân lực triển khai tại các địa phương; nguồn kinh phí không đảm bảo do giảm đơn hàng, giảm doanh thu, bị đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối dòng tiền... Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, các doanh nghiệp tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng gặp nhiều khó khăn trong việc ký kết hợp đồng thuê khoán các tổ chức tư vấn nước ngoài sang Việt Nam thẩm định, đánh giá hồ sơ.
Để giải quyết những khó khăn trên, hơn bao giờ hết, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục đề ra nhiều giải pháp cụ thể, sát với thực tế, mà trước mắt là chỉ đạo cấp huyện, đơn vị chuyên môn phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ ở các địa phương hiện nay là những cơ sở sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ chế biến đơn giản.
Theo đó, đối với các doanh nghiệp, cần tăng cường nhân lực cho các hoạt động cấp chứng chỉ rừng, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các bước công việc của quá trình cấp chứng chỉ rừng; rà soát các thị trường tiêu thụ sản phẩm và loại sản phẩm, nhất là tham mưu mở rộng thị trường, có thể cấp giấy chứng nhận sang diện tích các loài cây trồng lâm nghiệp khác như quế.
Về phía người trồng rừng, cần đánh giá đúng nhu cầu của thị trường, lựa chọn loài cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như quy hoạch, định hướng phát triển tại địa phương; lựa chọn cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để trồng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Xem xét đến việc chuyển đổi từ kinh doanh rừng gỗ nhỏ với chu kỳ dưới 10 năm sang kinh doanh rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị rừng. Tham gia liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn xây dựng các chuỗi giá trị để đảm bảo giá cả và đầu ra ổn định cho sản phẩm gỗ rừng trồng.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cần đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ có chứng chỉ rừng (FSC,VFCS/PEFC…) với các hộ trồng rừng. Về phía tỉnh, tiếp tục có các chính sách để thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển công nghệ hiện đại, xây dựng các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có quy mô lớn, chế biến sâu. Đặc biệt, để đảm bảo vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các doanh nghiệp chế biến gỗ lớn trên địa bàn đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC, PEFC/VFCS để nâng cao giá trị gỗ khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đồng thời triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II, III; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 69; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng... Có như vậy, người trồng rừng và nhà đầu tư mới hoàn toàn yên tâm, tin tưởng gắn bó với rừng để nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng trên chính quê hương.
Văn Tuấn