Những gì được "tận mục sở thị” ở những thôn người Mông như: Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến… của xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên đã cho chúng tôi một cái nhìn rất khác về người Mông nơi này. Họ chính là những người đang làm nên một "kỳ tích” ở Hồng Ca.
Chiếc Toyota Altis băng băng thẳng tiến mà không gặp phải trở ngại nào đưa chúng tôi đến trụ sở UBND xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trên con đường có thể đánh giá là "một trong những con đường vào xã đẹp nhất tôi từng thấy”. Hơn chục ki-lô-mét đường rộng 5 mét, rải nhựa phẳng lì, rãnh thoát nước, cột biển báo giao thông đầy đủ… "Xã nông thôn mới phải thế này chứ!” - anh bạn đồng nghiệp tấm tắc.
Những năm 2016 - 2020, Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn. Tổng diện tích tự nhiên của xã trên 9.300 ha với hơn 6.300 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, trong đó trên 30% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 45,34%... Đúng là nếu không quay trở lại thì tôi không thể tưởng tượng ra sự thay đổi đến kỳ diệu này của Hồng Ca hôm nay.
Nhớ lại gần 10 năm trước, khi nhận nhiệm vụ vào Hồng Ca tìm hiểu sự thực về nạn phá rừng đầu nguồn, buôn lậu gỗ, tôi đã phải mất đến nửa ngày trời vừa khiêng, vừa dắt xe máy trên con đường lầy lội bùn đất mới vào được trung tâm xã.
Nhưng giờ khác hẳn rồi! Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy bạt ngàn những đồi quế, nương chè xanh ngắt; từng đàn trâu, bò đông đúc dưới cánh đồng; xa xa là cột ống khói của nhà máy chế biến nông, lâm sản vươn cao, tỏa làn khói trắng huyền ảo…
"Dân Hồng Ca giờ giàu rồi, ngoài này là quế, sâu trong kia nữa là măng tre Bát độ, là khôi nhung trồng dưới tán rừng, thu nhập của người dân từ nông, lâm sản mỗi năm lại tăng lên gấp vài lần” - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca Phạm Xuân Toàn đón chúng tôi tại trụ sở, niềm nở bộc bạch.
Khi biết chúng tôi có ý định đến thăm 4 thôn người Mông của xã, Bí thư Toàn phấn khởi cho biết thêm: "Các nhà báo tìm đến đúng nơi rồi, đây là những thôn người Mông kiểu mẫu của toàn tỉnh. Rất nhiều người Mông từ khắp nơi đã về đây tham quan, học tập rồi đấy!”. Rồi Bí thư Toàn bố trí người đưa chúng tôi đi, không quên dặn: "Trưa cố gắng về kịp ăn cơm văn phòng nhé”!
Đường liên thôn ở Hồng Ca được cứng hóa, giúp người dân thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca Hà Cao Luận trực tiếp là người đưa chúng tôi đi vào những thôn người Mông kiểu mẫu của xã Hồng Ca. Con đường vào thôn mà chẳng khác gì đường trung tâm xã, cũng rộng 5 mét, bê tông hóa 100%. "Đường này đi đến tận hộ gia đình cuối cùng của xã” - Phó Chủ tịch Luận tươi cười "khoe”.
Dọc theo con đường bê tông kiên cố là một con suối lớn, nước chảy róc rách không ngừng, nhìn giống như phong cách sống, làm nhà ở gần suối của đồng bào người Thái hơn là người Mông. Nhưng Phó Chủ tịch Luận bảo: "Thế mới hay, người Mông mà dám bỏ núi cao để xuống thấp làm nhà ở mới là sự thay đổi tư duy đáng nói”.
Quả thật, nếu ngày trước, nhắc đến chuyện đi thăm bản người Mông thì cánh báo chí chúng tôi đều hiểu rằng phải leo núi là cái chắc. Còn nói về phong tục, nhiều cái còn gọi là "hủ tục” thì không thiếu. Giả dụ như riêng việc làm ma cho người đã khuất ngày xưa thôi cũng đã nhiều chuyện để nói. Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là "tùa" hay "ninh tùa".
Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau. Khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu, người nhà sẽ mang súng kíp ra ngoài nhà bắn ba phát để báo hiệu với bà con trong bản biết là gia đình có người qua đời.
Con cháu, bà con thôn, bản nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ trở về gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì cùng giúp đỡ. Trước đây, người Mông thường đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà, hay còn được gọi là đưa lên ngựa - "nỉnh đăng", có khi để đến 5, 6 ngày, thậm chí cả tuần lễ để làm lễ thồ linh hồn người chết về với tổ tiên…
Ấy là chuyện của ngày xưa, còn nay khác rồi, đại đa số đồng bào người Mông đã thay đổi tư duy, một lòng theo Đảng, theo Chính phủ, tích cực hưởng ứng học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tiếp thu những cái hay, cái tiến bộ, mang quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu để xây dựng đời sống mới. Mọi hủ tục giờ đã không còn, đám tang được tổ chức gói gọn trong 2 ngày, mọi nghi lễ đều gọn và an toàn. "Sao lại có chuyện thay đổi một cách kỳ lạ đến vậy?” - tôi buột miệng hỏi.
Phó Chủ tịch Luận chỉ cười, rảo bước đưa chúng tôi đến thăm nhà của cụ Hờ Dúa Di, 81 tuổi ở thôn Hồng Lâu - một trong những già làng có uy tín trong cộng đồng người Mông nơi đây. Trong căn nhà xây cấp bốn đầy đủ ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ rộng, bên những chén trà nghi ngút khói, nhắc lại về câu chuyện "xuống núi” từ những năm 1975, 1976 của thế kỷ 20, cụ Di nhớ lại: "Hồi ấy nghèo đói lắm, người Mông chúng tôi du canh du cư, đi rừng có gì làm nấy, kiếm được gì thì ăn nấy, cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó.
Rồi một hôm, có các ông: Vừ A Vang, Vừ A Ly là người Mông cùng xã Phình Hồ và Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu - PV), làm cán bộ Đoàn trên huyện về rủ đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đầu tiên, chúng tôi mỗi người một ý, bàn bạc căng lắm. Người thì bảo đi xa sợ không có đất mà làm ăn, người thì bảo đến chỗ lạ không biết có quen với cách sống ở vùng thấp không, người lại nói đưa cả gia đình, vợ con nheo nhóc theo thì khó đi lắm… Bàn đi tính lại phải đến nửa tháng trời, cuối cùng tôi và anh Vang, anh Ly là những người đầu tiên đưa gia đình rời vùng núi cao về định cư nơi này”…
Mới nghe đến đây, chúng tôi mừng rơn như bắt được vàng. Chẳng phải đây là nhân chứng sống hiếm hoi còn lại của đợt "di cư thế kỷ” ấy thì còn ai nữa! Được nghe kể, cụ Hờ Dúa Di chính là một trong những người Mông đầu tiên di chuyển từ vùng núi cao xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu về đây, đặt nền móng đầu tiên cho cả vùng 4 thôn người Mông văn hóa bây giờ. Hồi ấy, cụ Di đã là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được kết nạp từ những năm đầu thập kỷ 70 tại huyện Trạm Tấu.
Nhưng rồi qua quá trình di chuyển, thất lạc hồ sơ, nên đến năm 1993, Đảng ủy xã Hồng Ca đã kết nạp Đảng lại cho cụ, ghi nhận công lao to lớn của một "cây đại thụ” vùng này. Phải thấy rằng hồi ấy, một người Mông làm cán bộ, rồi được kết nạp Đảng là cả một thành tích đáng tự hào; rồi họ dám là những người tiên phong đưa đường, chỉ lối cho cả cộng đồng, gia đình, bà con dân bản đến với chân trời mới ấm no, hạnh phúc, tốt đẹp hơn thì lại là cả một "câu chuyện cổ tích” thực sự. Rồi qua câu chuyện, cụ Di kể về những ngày đầu gian khó ấy - cái ngày đưa nhau "bỏ núi, xuống suối” lập nghiệp với vô vàn công việc.
Cụ Hờ Dúa Di chính là một trong những người Mông đầu tiên di chuyển từ vùng núi cao xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu về đây, đặt nền móng đầu tiên cho cả vùng 4 thôn người Mông văn hóa bây giờ và là một trong những người tiên phong đưa bà con đến ấm no là cả một "câu chuyện cổ tích”.
Đầu tiên về đây là một vùng rừng núi hoang vu, họ phải phân công nhau cùng lên rừng kiếm gỗ dựng nhà, làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Hồi đó mà cụ Di và những người đi cùng đã ý thức không phá rừng mà chỉ tận dụng những cây gỗ đổ, không đốt nương làm rẫy mà chuyển sang canh tác lúa nước; làm chuồng trại gia súc, gia cầm cách xa khu nhà ở… thì quả thật quá tiến bộ.
Rồi cuộc sống ổn định dần, con trâu có cỏ gần suối lớn nhanh, béo mập, sức kéo cũng mạnh mẽ hơn; mùa thu hoạch lúa nước năng suất cao hơn lúa nương, có lương thực dự trữ trong nhà; ở vùng thấp, gần suối, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và canh tác cũng thuận lợi hơn… Cụ Di, cụ Vang, cụ Ly quay trở về núi vận động, thuyết phục, bà con dân bản lục tục kéo nhau về theo, hình thành nên một vùng người Mông sinh sống rộng lớn tính đến vài chục hộ…
Câu chuyện những người Mông từ trên núi cao di cư về vùng thấp ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên sẽ chỉ là một câu chuyện bình thường nếu như không có những đột phá mạnh mẽ về tư duy phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ vượt bậc về nhận thức sau này. Họ - những người Mông Hồng Ca thực sự đã trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng học tập, noi theo.
Bài: Tô Hải - Thành Trung
Ảnh: Tô Hải - Thành Trung- Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung
Bài 2: Tư duy mới, con người mới, đời sống mới