Cuộc chiến với “hung thần” tận diệt trên hồ Thác

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/4/2025 | 1:49:25 PM

YênBái - Hồ Thác Bà - “viên ngọc xanh” được mệnh danh "Hạ Long trên núi" đang oằn mình trước sự xâm lấn của những phương thức khai thác thủy sản tận diệt. Ánh đèn cao áp ma quái giăng mắc trong đêm, tiếng máy nổ xé tan sự tĩnh lặng, tiếng kêu cứu thầm lặng của hệ sinh thái đang bị bức tử từng ngày. Một cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt đang diễn ra, nhằm xóa sổ vó đèn và kích điện - những “hung thần” đang tàn phá nguồn lợi thủy sản quý giá của hồ.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình kiểm tra và tháo dỡ các vó đèn tận diệt từ lợi dụng nuôi cá lồng tại thị trấn Yên Bình.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình kiểm tra và tháo dỡ các vó đèn tận diệt từ lợi dụng nuôi cá lồng tại thị trấn Yên Bình.


Trắng đêm theo dấu "hung thần”

Màn đêm đặc quánh bao phủ mặt hồ Thác Bà mênh mông. Chiếc xuồng máy của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình rẽ sóng, lao đi trong cái lạnh se sắt của gió hồ. "Kia rồi! vó đèn đấy!" - anh Phạm Thành Đạt - Phó Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Bình, giọng căng thẳng, chỉ tay về phía những quầng sáng phía xa. 

Anh Đạt giải thích cơ chế hoạt động tàn khốc của hình thức đánh bắt này: "Ban đêm, họ dùng đèn cao áp dụ cá đến, rồi bất ngờ hạ vó, tóm gọn cả đàn. Cá lớn, cá bé, cá đang sinh sản đều không thoát”. 

Khi ca nô áp sát, trước mắt tôi là một vó đèn loại nhỏ được làm từ lưới dày, căng ngang một vùng nước rộng lớn. Phía trên, hệ thống đèn chói lóa chiếu thẳng xuống mặt hồ, tạo thành một vùng sáng thu hút mọi sinh vật dưới nước. Hai người đàn ông đang nhanh tay thu vó. Mẻ cá đêm nay của họ có lẽ lên đến hàng chục kg, đủ loại cá trắm, mè, chép… Tất cả đều còn tươi rói, nhưng cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm, hàng ngàn con cá khác đã không có cơ hội lớn lên, sinh sản. 

Anh Hứa Văn Q., trú tại thôn 1, xã Phúc Ninh trước đây cũng đánh bắt cá bằng phương pháp truyền thống, nhưng sản lượng ngày càng giảm sút. "Thấy người ta dùng vó đèn bắt được nhiều cá, mình cũng làm theo. Biết là sai, nhưng…". 

Câu nói bỏ lửng của anh Q. chất chứa bao nỗi niềm của những người dân nghèo khó, buộc phải mưu sinh bằng những cách thức tận diệt. Theo ghi nhận, chỉ trong 4 ngày cuối tháng 2/2025, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình đã phá dỡ tại chỗ 44 khung vó đèn không rõ chủ sở hữu trên địa bàn các xã Phúc Ninh, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Mông Sơn, Xuân Long, Thịnh Hưng, Hán Đà. 

Tại Lục Yên, tính từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, qua 5 lượt kiểm tra liên ngành đã có 22 cái vó đèn được người dân tự giác tháo dỡ sau vận động và 35 cái khác (chủ yếu không xác định được chủ) bị lực lượng chức năng trực tiếp phá dỡ. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ít nhất 101 khung vó đèn trái phép - những cái bẫy hủy diệt sự sống - đã bị xóa sổ hoặc tự tháo dỡ trên địa bàn hai huyện.

Kích điện - đòn "chí mạng” vào hệ sinh thái

Không chỉ vó đèn, kích điện cũng là một hiểm họa khôn lường đối với hệ sinh thái hồ Thác Bà. Phương pháp này sử dụng dòng điện cao áp làm tê liệt hoặc giết chết cá, khiến chúng nổi lên mặt nước và dễ dàng bị bắt. Tuy nhiên, kích điện không chỉ gây hại cho cá mà còn ảnh hưởng đến các loài thủy sinh khác, phá hủy môi trường sống tự nhiên của chúng. 

Trong một buổi tuần tra khác, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình đã phát hiện Ông Vũ Văn T., tổ 5, thị trấn Yên Bình đang điều khiển chiếc thuyền xi măng cũ kỹ, sử dụng bộ kích điện tự chế gồm 2 ắc quy, 1 kích điện, 1 cây vợt để khai thác thủy sản trái phép tại khu vực Km 1. Theo lời tường trình sau đó, ông T. cho biết, do "chưa có công việc ổn định" nên đã nảy sinh ý định phạm pháp. Toàn bộ tang vật đã bị tạm giữ để xử lý. 

Ông Hoàng Hợp - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình, xác nhận việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: "Ngay sau khi nhận bàn giao từ đoàn kiểm tra của huyện, chúng tôi đã chỉ đạo công an thị trấn xử lý theo quy định. Thị trấn cũng có đoàn kiểm tra riêng, thường xuyên tuần tra và đã thu giữ nhiều bộ kích điện". 

Tuy nhiên, theo ông Hợp, không phải lúc nào việc bắt giữ cũng thuận lợi. Nhiều đối tượng hoạt động tinh vi, sẵn sàng vứt bỏ tang vật xuống hồ để phi tang và tăng tốc bỏ chạy khi bị phát hiện.

Chiến dịch lan tỏa - quyết tâm từ nhiều phía

Trước tình trạng khai thác thủy sản trái phép diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái hồ Thác Bà, chính quyền các huyện có diện tích mặt nước hồ đã không thể ngồi yên. Hàng loạt văn bản chỉ đạo, kế hoạch hành động, quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đã được ban hành, thể hiện sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Một động thái cứng rắn là việc huyện Lục Yên yêu cầu các hộ dân phải chấm dứt ngay việc sử dụng các loại ngư cụ cấm như: chất nổ, kích điện, lưới vét, vó đèn và đặc biệt phải tự giác tháo dỡ các bè vó lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn.

Từ cuối năm 2024 đến nay, các huyện Yên Bình và Lục Yên đã triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên hồ Thác Bà, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. 

Tại huyện Yên Bình, đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp sử dụng kích điện, thu giữ 5 bình ắc quy, 3 kích điện và 3 vợt bắt cá. Đồng thời tháo dỡ và tiêu hủy 72 khung vó đèn tại các xã vùng hồ. 

Đối với huyện Lục Yên, qua 5 lượt kiểm tra, đã có 22 vó đèn được người dân tự tháo dỡ và 35 vó đèn bị đoàn kiểm tra phá dỡ. Trong số 27 hộ được kiểm tra, không có hộ nào bị xử lý vi phạm hành chính do không xác định được chủ sở hữu của các vó đèn. Công việc phá dỡ những khung vó đèn kiên cố giữa mênh mông sóng nước vô cùng vất vả. 

Anh Đinh Quang Tuấn, một thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Bình, mồ hôi nhễ nhại chia sẻ: "Phá đi thì tiếc của cho người dân, nhưng không phá thì nguồn lợi thủy sản sẽ cạn kiệt?" Sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của chính quyền hai huyện trọng điểm quản lý mặt nước hồ Thác Bà đã tạo nên một chiến dịch quy mô, với hy vọng lập lại trật tự và cứu vãn nguồn lợi thủy sản đang ngày một suy kiệt. 


Lực lượng chức năng Thị trấn Yên Bình kiểm kê các bộ dụng cụ kích điện thu giữ được trong quá trình kiểm tra. 

Nỗi niềm ven hồ

Sự quyết liệt của chính quyền nhận được sự đồng tình của những người dân làm ăn chân chính. Ông Nguyễn Ngọc Ba, một ngư dân lâu năm ở huyện Yên Bình, bức xúc: "Những đối tượng dùng kích, dùng đèn nó vợt sạch từ cá lớn đến cá bé. Chúng tôi thả lưới cả đêm có khi chẳng đủ ăn. Phải dẹp hết bọn chúng đi, trả lại sự sống cho hồ Thác Bà". Hiểu được nỗi niềm đó và những khó khăn trong "cuộc chiến” dai dẳng, chính quyền cơ sở đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hiệu quả hơn. 

Chủ tịch UBND thị trấn Yên Bình Hoàng Hợp chia sẻ: "Bên cạnh việc tuần tra, xử lý, chúng tôi đang rà soát đối tượng, phối hợp với Công ty Việt Bus để tuyên truyền, vận động bà con không tham gia khai thác trái phép. Đồng thời, xúc tiến thành lập các tổ, nhóm tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại cộng đồng, giao công an lập kế hoạch tuần tra thường xuyên hơn". 

Tuy nhiên, thách thức vẫn chồng chất. Địa bàn rộng lớn, lực lượng chức năng thì mỏng, trong khi phương tiện tuần tra thiếu thốn (như đề xuất của Đoàn kiểm tra Yên Bình về việc cấp kinh phí mua tàu cho các xã). Khó khăn lớn nhất, theo ông Hoàng Hợp, là "các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, dùng thuyền máy tốc độ cao nên rất khó bắt giữ". 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Yên chỉ ra một trở ngại khác: "Việc xác định chủ sở hữu các vó đèn vi phạm rất khó khăn. Phần lớn không có ai đứng ra nhận, có thể vì sợ bị xử phạt. Điều này khiến việc xử lý vi phạm hành chính gặp trở ngại, dù chúng tôi vẫn kiên quyết phá dỡ". 

Từng giờ bảo vệ  "viên ngọc xanh" 

Chiến dịch tổng lực truy quét nạn khai thác thủy sản hủy diệt trên hồ Thác Bà đã tạo ra những chuyển biến bước đầu quan trọng, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm của chính quyền các cấp tại hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Hàng trăm ngư cụ cấm bị phá hủy, nhiều đối tượng bị phát hiện, xử lý là những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng cuộc chiến này vẫn còn rất dài và gian nan. Việc duy trì áp lực kiểm tra, kiểm soát liên tục, xử lý nghiêm minh các vi phạm, kết hợp với công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân là yêu cầu bắt buộc. Các đề xuất về tăng cường phương tiện, lực lượng, hoàn thiện cơ chế phối hợp cần được quan tâm giải quyết.

Bình minh đang lên trên mặt hồ Thác Bà, nhuộm hồng cả một khoảng trời nước mênh mông. Cuộc chiến trên sóng nước có thể tạm lắng sau những đêm dài tuần tra, nhưng cuộc chiến bảo vệ "viên ngọc xanh" của núi rừng Tây Bắc thì vẫn còn tiếp diễn từng ngày, từng giờ. Nó đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng và trên hết là sự thay đổi trong ý thức và hành động của mỗi người dân. 

Hùng Cường

Tags Yên Bái hồ Thác Bà thủy sản

Các tin khác
Ngày càng có nhiều ngôi nhà được khởi công, hoàn thành, bàn giao cho người dân đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc cải thiện điều kiện sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, với phương châm “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”; mặc dù là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, song Yên Bái luôn đặc biệt quan tâm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Cán bộ chiến sỹ cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh Yên Bái giải cứu nạn nhân bị ảnh hưởng do hoàn lưu cơ bão số 3 năm 2024.

Hoàn lưu cơn bão số 3 năm 2024 đã qua đi vài tháng. Với hậu quả kinh hoàng, nó vẫn khiến nhiều người Yên Bái ám ảnh. Trong thời điểm tưởng chừng đất trời như vỡ vụn ấy có những câu chuyện của người lính phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an tỉnh Yên Bái giờ mới được tiết lộ làm lay động lòng người, minh chứng sống động cho tinh thần vì bình yên cuộc sống, nguyện suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân.

Trồng lê tai nung theo chuỗi giá trị được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đã gần 5 năm trôi qua, huyện Mù Cang Chải đang tiến gần hơn với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Đất và người Mù Cang Chải hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, được bạn bè quốc tế và trong nước biết đến bằng sự tươi đẹp, đổi mới và ngày càng tiến bộ, thay vì sự nghèo nàn, lạc hậu của quá khứ.

UBND huyện Trạm Tấu khen thưởng 8 xã làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn.

Thực hiện Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2025, huyện Trạm Tấu đã phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục