Về Mường Lò ăn cơm gạo mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/6/2012 | 3:12:10 PM

YBĐT - Nói đến trình độ thâm canh ở Văn Chấn, phải nói tới Phù Nham, người Thái, người Mường nơi đây thực sự đã rất tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Cơm gạo mới bao giờ cũng dẻo và thơm. Đã từng là con em nông dân sống dưới thời trước “Khoán 10” khi bưng bát cơm gạo mới lên nhớ lại chuyện thời ấy, sau những ngày đói tháng ba, nhà quê bước vào vụ gặt, có thóc khô là đem xay, giã ngay, để rồi cả nhà được ăn một bữa cơm không (không độn ngô, độn sắn).

Bát cơm dẻo thơm ấy mà ăn với cá trê kho mục, bắt ở đồng làng, rồi tráng miệng bằng bát canh cua bắt sau buổi gặt thì đúng là ngon hết sảy. Mang cuộc sống đã no đủ nhưng tôi vẫn thèm những bữa cơm gạo mới như thế. Mùa gặt nào tôi cũng về những vùng trọng điểm lúa để được ăn cơm mới, được chia vui cùng cô bác nông dân và sướng cùng lũ trẻ khi đàn trâu no cỏ.

Cuối tháng 5, mấy anh bạn làm nông nghiệp ở Văn Chấn thông báo: “Mường Lò đã gặt, nông dân lại được mùa, mời nhà báo vào ăn cơm mới!” Nghe thế là khoái rồi, lỉnh kỉnh đồ nghề máy tính, máy ảnh, tôi phóng xe về miền Tây. Sau trận mưa lớn, chè trên đồi tua tủa búp non, một màu xanh ngào ngạt vút tầm mắt hai bên quốc lộ 37.

Lúa dưới ruộng đương thì đỏ đuôi, trà xuân sớm lúa đã chín tới, 8  xã vùng ngoài Văn Chấn (từ đèo Ách trở ra) cấy muộn hơn vùng trong, thời gian sinh trưởng của cây lúa cũng dài hơn. Kinh nghiệm cho thấy, nếu thời tiết không quá bất thường, không có lũ lớn thì vùng ngoài Văn Chấn cũng sẽ thêm một vụ xuân thắng lợi.

Vừa đi, vừa ngắm cảnh khiến đoạn đường như ngắn lại, loáng cái đã đến dốc Thái Lão để phóng tầm mắt thu cả cánh đồng vàng rộm chẳng khác gì một nong tằm khổng lồ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn trao đổi với bà con nông dân về giống lúa mới.

Được biết vụ đông xuân năm nay toàn huyện Văn Chấn gieo cấy 3.950ha lúa với cơ cấu 65% giống lai, tập trung ở các xã vùng cao nhằm đảm bảo an ninh lương thực, 35% diện tích còn lại cấy bằng giống thuần chất lượng cao, theo chương trình sản xuất lúa hàng hóa.

Tất cả những biện pháp thâm canh tốt nhất có thể đưa vào thực tế như lựa chọn giống tốt, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, đặc biệt là áp dụng phương pháp bón phân viên nén dúi sâu (tổng diện tích trên 2000ha)… chính quyền và các ngành trong khối nông lâm nghiệp đều đã nỗ lực thực hiện.

Nhưng như người ta vẫn thường bảo “Trời chẳng khi nào là thôi bắt tội nông dân”, vụ xuân này cũng không phải là ngoại lệ. Đầu vụ cũng rét đậm, rét hại, giữa vụ hạn trên diện rộng, trong đó có 300ha tập trung ở Thượng Bằng La, Đồng Khê, Nghĩa Tâm, rồi cuối vụ là rầy nâu phá hoại.

Với tinh thần quyết tâm giành thắng lợi vụ lúa xuân, đảm bảo năng suất bình quân 57,5 tạ/ha, những khó khăn do thiên tai gây ra đã được các cấp, các ngành và bà con nông dân đẩy lùi, rét đến tê tái người mà toàn huyện không phải gieo lại mạ, cấy lại lúa nhờ tuân thủ lịch gieo cấy, tiến hành phủ ni lông cho mạ và cấp đủ nước dưỡng lúa.

Hạn hán trên diện rộng được khắc phục bằng bơm điện, bơm dầu đưa nước từ khe suối lên cứu lúa. Sâu bệnh cũng được phòng trừ hiệu quả nên không ảnh hưởng đến năng suất lúa toàn huyện.

Đến ngày 15 tháng 2 toàn, huyện Văn Chấn đã cấy xong lúa xuân, ngày 20 tháng 5 đã lác đác gặt chiêm, khoảng ngày 29 tháng 5  đến trước ngày 5 tháng 6, vùng Mường Lò bà con đã gặt rộ.

Đồng đất ngày mùa thật vui nhộn, cả làng, cả bản cùng ra đồng, người gặt lúa, người đốt rơm, những con trâu đen bóng, béo tròn không kéo cày thì ung dung nhai rơm.

Văn Chấn cũng như nhiều vùng quê khác đang có tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp rất cao, chỉ còn máy gặt là chưa thấy bà con áp dụng, còn lại các khâu như làm đất, bơm tưới, tuốt lúa, gieo hạt hay vận chuyển phân bón ra đồng, đưa thóc về bản phần lớn là phương tiện máy móc đảm nhiệm.

Cơ giới hóa đã góp phần quan trọng giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao năng suất cây trồng đúng như anh Hoàng Văn Vinh người xã Phúc Sơn nói: “Làm nhà nông bây giờ nhàn rồi, máy nóc làm hết”.

Theo đánh giá sơ bộ, vụ xuân năm nay năng suất lúa bình quân của Văn Chấn đạt 57,7 tạ/ha, nhiều địa phương vùng Mường Lò năng suất đạt trên 70 tạ. Theo đúng tinh thần chỉ đạo, nông dân Văn Chấn thu hoạch lúa xuân tới đâu triển khai làm đất gieo cấy vụ mùa ngay tới đó.

Mục tiêu của vụ lúa mùa này là gieo cấy 4.100ha lúa, 50% giống lai, 50% giống thuần, năng suất đạt từ 47 tạ/ha trở lên, riêng diện tích mùa sớm đảm bảo ít nhất là 2.000ha. Để đảm bảo khung thời vụ, từ ngày 5 đến 10 tháng 9 sẽ đưa vào gieo trồng 1.100ha ngô đông trên đất ruộng.

Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn, đến ngày 30/5 toàn huyện đã thu hoạch được trên 100ha lúa, tập trung ở vùng Mường Lò, phần lớn diện tích gặt xong đều được cày bừa đổ ải, toàn huyện cũng đã gieo xong 30 tấn giống theo đúng quy trình, kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn.

Nói đến trình độ thâm canh ở Văn Chấn, phải nói tới Phù Nham, người Thái, người Mường nơi đây thực sự đã rất tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp.

Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Tuấn Vân tự hào cho biết: “Từ Noong Ỏ, Năm Hăn, Bản Chanh, Ta Tiu… bản nào trong xã lúa cũng tốt, 295ha lúa của xã vụ này năng suất đạt ít nhất 70 tạ/ha, cái quý nhất là bà con sử dụng phần đa là giống thuần chất lượng cao nên giá trị thu được gấp 1,5 lần giống lúa lai”.

Ăn với cán bộ xã, cán bộ huyện bữa cơm chiều ngay trong bản văn hóa Năm Hăn, xã Phù Nham, ai cũng tấm tắc khen cơm ngon, dẻo, thơm, hạt tròn mà trắng tinh như ngọc, các bác nông dân bật mí: “Cơm này không chỉ nấu bằng gạo mới gặt từ vụ lúa xuân, mà đây là hạt gạo từ giống lúa ĐS1 - một loại giống thuần, năng suất, chất lượng cao mới được đưa vào sản xuất đại trà tại Văn Chấn".

Lê Phiên

Các tin khác
Ngô xanh tốt trên đất lúa nương.

YBĐT - Giữa cái nắng đầu tháng 6 như thiêu như đốt, hàng ngàn ha ngô ở Nậm Mười, Sùng Đô, Gia Hội, Suối Giàng (Văn Chấn), Cao Phạ, La Pán Tẩn, Nậm Có, Khao Mang, Lao Chải (Mù Cang Chải) vẫn vươn lên xanh tốt.

Người dân Khe Cọ rất cần được học tập kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.

YBĐT - So với nhiều địa phương Khe Cọ có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế rừng nhưng đến giờ, thôn vẫn thuộc diện nghèo khó và “đang trông chờ” hưởng lợi từ sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước.

Cán bộ khuyến nông xã Xà Hồ cùng các hộ dân tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa  ĐS1 kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

YBĐT - Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu. Con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu ngoằn nghèo uốn lượn quanh sườn núi chừng hơn 30 km nối liền với cánh đồng Mường Lò của đồng bào Tày, Thái , Khơ Mú... cây lúa đang đến kỳ trổ đòng xanh mướt một màu trên các cánh đồng và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào vùng cao.

Danh sách 48 cán bộ, công chức, viên chức của huyện Mù Cang Chải nghỉ hưu từ năm 2009 đến nay.

YBĐT - Nhiều năm nay, ở hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cứ "đến hẹn lại lên": nữ cứ đủ 50 tuổi, nam đủ 55 tuổi là được thông báo nghỉ chế độ, kể cả cán bộ diện huyện quản và diện tỉnh quản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục