Là địa phương thường gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, vì thế công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) luôn được huyện Mù Cang Chải quan tâm đặt lên hàng đầu. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn huyện hiện có 189 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai; trong đó có 40 hộ sống trong khu vực nguy cơ ngập lụt, 73 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét và 76 hộ có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Cụ thể, 40 hộ sống trong khu vực nguy cơ ngập lụt đều ở thị trấn Mù Cang Chải; 73 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét phân bố tại khu Làng Sang xã Nậm Khắt 8 hộ, bản Tà Sung và bản Lìm Thái, xã Cao Phạ 27 hộ; bản Có Thái, xã Nậm Có 11 hộ; khu tổ 1 trường phổ thông dân tộc nội trú và tổ 2 thị trấn Mù Cang Chải 19 hộ; bản Háng Gàng, Hú Chù Lình, Đề Sủa, xã Lao Chải 19 hộ.
Toàn huyện có 76 hộ có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở các xã: Cao Phạ, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Lao Chải, Khao Mang, Mồ Dề, Kim Nọi, Chế Tạo. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, huyện chỉ đạo tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật PCTT, các nghị định và các văn bản luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức và người dân; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Theo dõi nắm chắc, kịp thời tình hình thời tiết để chủ động sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ”; tổ chức diễn tập cho các lực lượng theo kế hoạch; đảm bảo an ninh trật tự vùng bị thiên tai xảy ra; rà soát, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai sát với tình hình thực tế; sử dụng có hiệu quả 7 trạm đo mưa tự động trên địa bàn, 1 trạm đo thủy văn tại thị trấn Mù Cang Chải và 1 trạm cảnh báo sạt lở đất tại bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề để nắm bắt thông tin mưa, cảnh báo các xã, thị trấn chủ động phương án ứng phó; tổ chức rà soát những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để di dời đến nơi an toàn.
Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Địa bàn huyện phần lớn là rừng núi, độ dốc lớn, có nhiều khe sâu, vào mùa mưa hàng năm trên địa bàn huyện thường xảy ra tố lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nơi có ta-luy cao. Để chủ động ứng phó kịp thời và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tổ chức, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và tuyên truyền, vận động những hộ dân sống trong vùng nguy hiểm chủ động di dời đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ.
Các cơ quan, ban, ngành và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ngoài việc triển khai tốt công tác phòng, chống bão lũ tại đơn vị mình còn phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện thành lập các tổ, đội xung kích tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, nhất là xe ô tô và máy móc để tham gia khắc phục hậu quả theo sự điều động, trưng tập của UBND huyện.
Đồng thời phân công cán bộ phối hợp với lực lượng dân quân, du kích tuần tra, kiểm tra các công trình giao thông, thuỷ lợi, các công trình công cộng có nguy cơ bị hư hỏng khi mưa bão xảy ra và đề xuất phương án sửa chữa khắc phục; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác để tập kết hàng hóa, vật tư thiết bị...
Vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi gia đình có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho gia đình sinh hoạt từ 5 ngày trở lên; tuyên truyền cho bà con ý thức tự bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, không đi bắt cá, vớt củi khi có mưa bão xảy ra..., đảm bảo chủ động ứng phó kịp thời trước các tình huống phức tạp của thời tiết, giảm thiểu hậu quả của thiên tai.
Quang Thiều