Vẫn biết thiên tai thường diễn biến bất ngờ và khó lường. Nhưng thực tế cho thấy, nếu chính quyền và người dân nâng cao hơn nữa ý thức, nhận thức phòng tránh, nhất là chủ động và sáng tạo trong ứng phó thì thiệt hại sẽ giảm đi rất nhiều.
5 người cùng họ hàng gồm bà và các cháu bị dòng nước dữ cuốn trôi mất tích khi lật thuyền trên sông Chảy; 3 ngày sau, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của cả 5 nạn nhân. Đây là câu chuyện buồn ở tỉnh Lào Cai do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 2 mới đây gây ra. Điều đáng nói, chiếc thuyền bị nạn không phải thuyền chở khách; trên thuyền cũng không trang bị áo phao.
Mùa mưa năm nào, tại Tây Bắc cũng xảy ra sạt lở trên các tuyến đường.
Theo ông Hoàng Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, vụ việc xảy ra một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho chính quyền và cho chính người dân về khả năng lường trước thiên tai, cũng như kỹ năng ứng phó để hạn chế thiệt hại.
"Phải tiếp tục tuyên truyền và thường xuyên nhắc nhở nhân dân phải thận trọng khi đi qua các khu vực thác ghềnh trên sông Chảy. Bên cạnh đó, kể cả thuyền người dân đi làm ăn thì chính quyền cũng phải quản lý; về lâu dài phải trang bị cho họ những kỹ năng nhất định về lái thuyền trên sông nước, trước nay ta mới chỉ chú trọng các thuyền chở khách"- ông Hoàng Văn Dương cho biết.
Ngành chức năng tỉnh Lai Châu khắc phục sạt lở để thông đường,
Ngập úng nhà ở và hoa màu của người dân ở Điện Biên.
Tại tỉnh Yên Bái, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 cũng gây ra các đợt mưa lớn ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, với lượng mưa có nơi đến gần 200mm. Tuy nhiên, thiệt hại không đáng kể. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh chỉ có 4 nhà dân ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bị hư hỏng nhẹ do đất đá từ taluy dương sạt lở vào nhà; 0,8 ha lúa, ngô và cây quế bị ảnh hưởng; sạt lở nhỏ tại một vài vị trí trên các tuyến giao thông... Ước giá trị thiệt hại vào khoảng 110 triệu đồng.
Nước ngập sâu trên một tuyến đường ở TP Sơn La sau cơn mưa lớn.
Ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái cho biết: Ưu tiên hàng đầu của địa phương trong công tác phòng chống thiên tai là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền ngay từ khâu dự báo, cảnh báo. Trước đây, việc này được thực hiện chủ yếu qua truyền miệng, hay các phương tiện truyền thông như báo chí, loa đài... Từ 2-3 năm nay, khi nhận thấy việc đăng tải thông tin trên các mạng xã hội đảm bảo được tính nhanh nhạy, kịp thời hơn, đơn vị đã tận dụng môi trường này để lan tỏa thông tin dự báo, cảnh báo đến người dân một cách nhanh nhất. Theo tính toán, mỗi bản tin chỉ cần có 300 người theo dõi, thì sau đó sẽ lan tỏa đến hàng chục ngàn người khác… Qua đó, giúp người dân có thể nhận biết được nơi mình sinh sống có bị ảnh hưởng hay không để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
"Khi nhận được những thông tin cảnh báo về diễn biến thời tiết phức tạp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh, ngay sau đó huyện, xã đã tiếp cận được thông qua nhóm zalo để truyền tải toàn bộ thông tin xuống xã, thôn. Đồng thời đưa những thông tin, hình ảnh về thiệt hại tại thôn, bản ngược lên xã, lên huyện, lên tỉnh để nắm bắt kịp thời…"- ông Trần Anh Văn cho biết.
Tại tỉnh Sơn La, tốc độ đô thị hóa cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân mỗi khi mưa lớn. Riêng tại thành phố Sơn La, những năm gần đây, tình trạng ngập úng tại các khu đô thị trở thành mối lưu tâm lớn với người dân, khi xảy ra ngập úng cục bộ tại nhiều vị trí; có những điểm nước ngập ngang thân người, khiến giao thông ách tắc, lực lượng chức năng ứng cứu rất vất vả…
Thực hiện phương châm "phòng hơn chống”, chính quyền TP Sơn La đã chỉ đạo UBND các xã, phường chủ động rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ ngập úng; thường xuyên nạo vét và cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn; chú trọng thực hiện dự án nạo vét, cứng hóa hai bên bờ suối Nậm La đảm bảo lưu thông dòng chảy, đủ lưu vực thoát nước trong những tháng mưa nhiều…
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho biết, nhờ chủ động "phòng”, nên những trận mưa lớn gần đây, ngay cả mưa kéo dài do hoàn lưu bão số 2 vừa qua gây ra, tình trạng ngập lớn đã cơ bản không còn diễn ra.
Không ít người dân Tây Bắc vẫn chủ quan khi liều mình xúc cá, vớt củi giữa dòng nước lũ.
"Đường đón nước xuống rãnh nhiều hộ dân kêu có mùi hôi nên đã tự lấp lại. Chúng tôi đã tuyên truyền không để người dân lấp các đường thoát nước này. Tới đây, thành phố chỉnh trang lại đô thị cũng sẽ thiết kế lại hệ thống đón nước xuống cống; sẽ không làm kiểu đón hàm ếch mà sẽ đón nước đứng, để nước không chảy trên bề mặt đường, đón nước xuống tất cả các khe, rãnh, đảm bảo dòng chảy ổn định"- ông Nguyễn Thế Phương cho biết.
Thiên tai ở địa bàn miền núi Tây Bắc thường diễn biến cực đoan, dị thường. Chính vì vậy, việc các cấp chính quyền và mỗi người dân chủ động cảnh báo, lường trước và không chủ quan; cũng như chủ động, sáng tạo trong ứng phó là rất quan trọng. Nếu làm tốt những điều này thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.
(Theo VOV)