Ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng quyết định di dời 5.400 hộ dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão.
Theo kế hoạch của UBND TP Hải Phòng, khoảng 4.600 hộ dân sống tại khu chung cư cũ ở các quận Ngô Quyền (3.800), Hồng Bàng (400) và Lê Chân (400) sẽ được di dời từ 12h đến 18h ngày 6/9. Số hộ dân cần di dời tại quận Ngô Quyền có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Tất cả các hộ dân sẽ được bố trí đến các trường học, UBND phường và các căn hộ tạm cư do Nhà nước quản lý, đảm bảo đầy đủ đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.
Di dời hơn 7.000 người trước 20h tối nay
Ghi nhận của PV VTC News tại khu chung cư Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền), trưa nay, nhiều người dân bắt đầu chuẩn bị đồ đạc để di dời tới nơi an toàn.
Khu chung cư này gồm 10 lô (A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9, A17) được xây dựng từ những năm 1970 - 1980, với khoảng 1.300 hộ dân sinh sống. Trong đó, các lô chung cư A1, A2, A3, A4, A5, A6, A7, A8, A9 đều ở mức nguy hiểm cấp D - cấp cao nhất, không đảm bảo an toàn, đang trong tình trạng hư hỏng tổng thể, rất nguy hiểm, có thể sập đổ bất kỳ lúc nào, không đảm bảo an toàn cho người và tài sản, cần phải di dời khẩn cấp…
Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Khởi – Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, địa bàn quận có số lượng người dân phải di dời nhiều nhất thành phố. Cụ thể, trước 20h ngày 6/9, quận di dời hơn 7.000 người dân ở các chung cư cũ, chưa kể các hộ dân ở nhà cấp 4, nguy cơ mất an toàn trước bão.
Tại phường Đồng Quốc Bình, 254 hộ dân ở các chung cư cũ thuộc diện phải di dời trước bão số 3 với tổng số 751 nhân khẩu (người già, trẻ em chiếm hơn 30%). Phường bố trí 6 điểm tránh trú cho người dân từ 12h hôm nay gồm trường Tiểu học Lê Hồng Phong, trường THCS Lê Hồng Phong, trường Mầm non 20/10, trường Mẫu giáo Sao Sáng 4, sảnh tầng 1 các tòa nhà HH4 và HH3.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của bão, Hải Phòng cũng quyết định cho học sinh nghỉ học từ 7/9. Đối với các trường được sử dụng làm nơi di dời sẽ nghỉ học từ chiều 6/9. Thành phố đã xác định các khu vực trọng điểm cần tăng cường phòng chống bão, đặc biệt là bán đảo Đình Vũ, đảo Cát Hải và khu du lịch Đồ Sơn do các khu vực này chưa có hệ thống đê, đập chắn sóng và rất dễ bị ngập lụt.
Đồ Sơn, Cát Bà khẩn trương chống bão
Tại huyện Cát Hải, hiện tổng số phương tiện tàu, thuyền tránh trú bão số 3 trên địa bàn huyện là 846 phương tiện với 2.387 lao động. Trong đó, tổng số phương tiện, tàu thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản, phương tiện vận tải chở khách và du lịch của huyện là 669 phương tiện với 1.596 lao động, đã được sắp xếp neo đậu tại các vị trí tránh trú an toàn, đạt tỷ lệ 100%. 177 phương tiện với 791 lao động từ các địa phương khác cũng đang neo đậu trên địa bàn tránh trú bão số 3.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải đã tổ chức thông tin cho các doanh nghiệp, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và du khách lưu trú trên địa bàn về diễn biến của bão số 3. Tính đến 10h ngày 6/9, còn 181 khách (104 khách du lịch quốc tế và 77 khách du lịch trong nước) lưu trú tại Cát Bà.
Địa phương này cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện xây dựng phương án đảm bảo an toàn, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các chương trình cho khách tham quan du lịch.
Các đơn vị không tổ chức cho khách lưu trú tại các khu vực, địa điểm có ảnh hưởng của bão, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá…
Bên cạnh đó, chính quyền huyện Cát Hải đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 3.
Địa phương cũng chuẩn bị nhu yếu phẩm, dọn dẹp vệ sinh các khu vực trường học, nhà văn hóa, trụ sở UBND các xã đảm bảo an toàn cho nhân dân sơ tán đến.
UBND huyện Cát Hải thực hiện công tác sơ tán nhân dân tại các vị trí xung yếu về nhà người thân, nơi tránh trú an toàn, tổng 3 hộ/4 người gồm 3 người già, 1 phụ nữ.
Ghi nhận của PV tại quận Đồ Sơn, lực lượng chức năng hỗ trợ người dân chuyển bàn ghế, ô dù kinh doanh từ các bãi tắm đến nơi an toàn.
Còn tại cảng cá Mắt Rồng (huyện Thủy Nguyên), đến 9h30 hôm nay, 549 tàu cá về nơi tránh trú an toàn. Huyện Thủy Nguyên cũng lên phương án di dời 377 hộ với 1.339 nhân khẩu do có nguy cơ sạt lở núi, ngập lụt do bão.
Lúc 12h ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão Yagi ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 70km, cách Quảng Ninh khoảng 510km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão trên đất liền phía Bắc đảo Hải Nam, cách Quảng Ninh khoảng 350km về phía Đông Đông Nam, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Bão giảm khoảng 1 cấp, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp cấp 17.
Trong 12 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h và đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ. Vị trí tâm bão trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Khoảng 10h ngày 8/9, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20km/h, đi vào đất liền và suy yếu rồi tan dần. Vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. |
(Theo VTC News)