Trước thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị xả lũ đập thủy điện Ma Lù Thàng (thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, thượng nguồn sông Lô), Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Vân Nam.
|
Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cùng lãnh đạo huyện Sơn Dương đi kiểm tra tình hình đê sông Lô. Ảnh minh họa
|
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc, để hỗ trợ công tác phòng chống lũ lụt, cứu hộ cứu nạn ở hạ nguồn của Trung Quốc và Việt Nam, đập thủy điện Ma Lù Thàng đã không tiến hành xả đập.
Tuy nhiên, vừa qua do xảy ra mưa lớn liên tục nhiều ngày, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Trong trường hợp vỡ đập sẽ gây tổn thất rất lớn cho các địa phương hai nước.
Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, Trung Quốc đã thông báo cho tỉnh Hà Giang về việc dự kiến xả đập Ma Lù Thàng vào lúc 15 giờ ngày 11/9/2024 đến 14 giờ ngày 12/9/2024 với khối lượng xả tối đa là 250m3/giây.
Sau các trao đổi của Việt Nam, cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ giảm khối lượng xả tối đa từ 250m3/giây thành 200m3/giây và lùi thời gian xả lũ thành 16 giờ 30 phút ngày 11/9/2024.
Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan của Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích giữ an toàn cho đập nước.
Đối với thượng nguồn sông Nguyên/sông Hồng, phía Trung Quốc khẳng định tất cả các nhà máy thủy điện và đập nước của Trung Quốc không xả lũ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại cập nhật kịp thời, thường xuyên thông tin về tình hình lũ lụt tai các địa phương ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến các địa phương của Việt Nam; phối hợp trao đổi thường xuyên với sở tại nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu tối đa lượng nước thượng nguồn của Trung Quốc đổ xuống hạ nguồn các địa phương của Việt Nam, qua đó giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại lưu vực các con sông khu vực miền Bắc.
Liên quan đến việc Trung Quốc xả lũ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, lưu lượng xả của Trung Quốc không gây tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam. Hồ Thủy điện Hòa Bình xả 1 cửa là 1 nghìn 800 mét khối/giây. Như vậy lượng xả của Trung Quốc là thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lưu lượng nước tăng có thể gây ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố, trong sáng nay (11/9), Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành Công điện chủ động ứng phó khi Trung Quốc xả lũ thủy điện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Giang chỉ đạo các xã, phường gồm: Ngọc Đường, Phương Độ, Phương Thiện, Quang Trung, Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú theo dõi chặt chẽ các bản tin về tình hình xả lũ để chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
(Theo VOV)
Chiều 11/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố Yên Bái. Cũng như với Trấn Yên, đây là lần thứ 2 liên tiếp trong 2 ngày qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại thiên tai tại thành phố.
Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Yên Bái trong hôm nay tuy cơ bản giảm tình trạng ngập úng song lại gia tăng các vị trí sạt lở. Điển hình như: quốc lộ 32 sạt lở taluy dương tới 165 vị trí, quốc lộ 37 là 10 vị trí...
Sáng nay - 11/9, Thiếu tướng Trần Văn Bắc - Phó Tư lệnh Quân khu 2 đã đến kiểm tra thực địa và chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích do sạt taluy tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Hiện đã tìm được 1 trong 2 nạn nhân bị vùi lấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết hồi 13h ngày 11/9, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,63m, lưu lượng đến hồ 2.643 m3/s, lưu lượng xả 3.708 m3/s.