Hành động quyết liệt
Để chủ động ứng phó với thiên tai, các cuộc họp chỉ đạo ứng phó với thiên tai của tỉnh diễn ra liên tục, kể cả trong đêm. Trung ương và tỉnh cùng sát sao. Ngày 12/9, đoàn công tác của Chính phủ do
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi thị sát các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai trên địa bàn Yên Bái. Trước đó, các Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long cùng đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã phân công đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban Chấp hành Trung Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp lên Yên Bái cùng với các đồng chí lãnh đạo địa phương chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập các đoàn công tác, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều lần trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Toàn tỉnh huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Yên Bái đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện nghiêm việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng và di dời người dân ở vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Thủ tướng biểu dương tinh thần chủ động của các bộ, ngành và tỉnh Yên Bái trong xử lý tình huống khẩn cấp tại hồ Thủy điện Thác Bà, trong đó tỉnh đã di dời kịp thời trên 11.000 nghìn dân đến nơi an toàn. Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần chủ động của người dân, tích cực hỗ trợ chính quyền trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để thực hiện mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết, trước hết, không để người dân nào bị đói, khát do thiên tai.
"Tất cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực cao nhất, nỗ lực lớn nhất tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhanh chóng tìm kiếm người mất tích, chăm sóc, chữa bệnh cho người bị thương, lo cho người dân bị ốm, tiếp tế cho những còn đang bị chia cắt và tiếp tục làm tốt công tác chống sạt lở; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho gia đình người bị thiệt mạng.
Nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, trước hết là di chuyển trở lại những gia đình đã sơ tán về nơi ở của họ khi đã an toàn; lo đất tái định cư cho những hộ dân có nhà bị sập hoặc có chỗ ở không an toàn. Tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và phải triển khai nhanh. Đảm bảo lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu cho người dân; kiểm tra lại các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế để sớm đưa học sinh trở lại trường”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.
Mở đường huyết mạch
Trong những ngày mưa bão, nước sông Hồng dâng cao, 12 xã, thị trấn gồm cả khu vực trung tâm huyện Trấn Yên là thị trấn Cổ Phúc chìm sâu trong biển nước. Trấn Yên bị cô lập với bên ngoài trong cảnh nước bao vây tứ bề, điện mất, thông tin liên lạc bị gián đoạn, không thể liên lạc ra bên ngoài. Việc tiếp cận huyện Trấn Yên bằng các tuyến đường bộ như tỉnh lộ 166, 163, đường Yên Bái – Khe Sang hay đường thủy đều không thể thực hiện được gây khó khăn, cản trở cho công tác chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục thiên tai của lãnh đạo tỉnh đối với huyện Trấn Yên.
Cùng với đó, công tác di dời, hỗ trợ người dân, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân cũng không thể thực hiện. Yêu cầu cấp bách được đặt ra trong lúc này là cần tìm ra một tuyến đường có thể tiếp cận với huyện Trấn Yên một cách nhanh nhất, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng kịp thời nhất.
Nhờ tuyến đường huyết mạch từ Km 128 – cao tốc Nội Bài – Lào Cai nối với cầu Cổ Phúc, hàng hóa cứu trợ cho bà con đã được tập kết về chân cầu Cổ Phúc. Từ đó, lực lượng chức năng dùng xuồng máy, thuyền máy để di chuyển vào trung tâm thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trực tiếp lên Yên Bái chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai ngay trong đêm 9/9. Qua nắm tình hình địa bàn, đồng chí Đỗ Đức Duy đã chỉ đạo mở lối xuống tại Km 128, cao tốc Nội Bài – Lào Cai nối với cầu Cổ Phúc (địa phận xã Y Can) để từ đó dùng xuồng máy, thuyền máy di chuyển vào trung tâm thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
Sau khi xin ý kiến chỉ đạo, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, UBND tỉnh Yên Bái, ngay trong đêm 10/10, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái đã huy động tối đa lực lượng để mở tuyến đường huyết mạch này. Chỉ trong 4 tiếng, tuyến đường đã hoàn thành, mở thông cánh cửa để các phương tiện có thể chở xuồng, hàng cứu trợ đến khu vực cầu Cổ Phúc, tiếp cận với trung tâm ngập lũ thị trấn Cổ Phúc.
Hàng chục phương tiện thủy của các lực lượng cứu hộ, của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đội xuồng cứu hộ của các tổ chức, cá nhân ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An…đã có mặt để giúp đỡ vận chuyển người và nhu yếu phẩm đến với người dân vùng ngập lụt bị cô lập.
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Anh Tuấn cho biết: Nếu không mở được tuyến đường huyết mạch này thì không thể tiếp cận được với thị trấn Cổ Phúc và các xã bị cô lập khác của huyện Trấn Yên. Từ tuyến đường này, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận được với bà con, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Nếu không, cứ chờ nước rút mới thông đường thì cũng phải mất 3 – 4 ngày mới tiếp cận được khu vực bị cô lập, lúc đó tình hình không biết sẽ diễn biến theo chiều hướng nào”.
Chẳng thế mà khi các đoàn công tác của Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiếp cận đến với các vùng bị cô lập, hỗ trợ mỳ tôm, nước uống cho người lớn, sữa cho người già, trẻ em, nhiều người đã không giấu nổi sự xúc động, cứ nắm chặt tay các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh để nói lời cảm ơn đã luôn coi tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, chăm lo cho nhân dân lúc khó khăn hoạn nạn. Có bạn đọc đến hôm nay còn nhắn tin gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện.
Bà Nguyễn Thị Liên - người dân thị trấn Cổ Phúc nói: Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ nước sông Hồng có thể dâng cao đến thế, được cấp ủy, chính quyền cử lực lượng đến giúp bà con di chuyển người và tài sản đến nơi toàn, lo cho chúng tôi từng bữa ăn như thế này, tôi rất cảm ơn. Cán bộ đã lội nước, đội mưa, đội gió dành hết sức mình đi lo cho bà con, chúng tôi rất xúc động và trân quý những tình cảm ấy”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tạ Văn Long cùng đoàn công tác vượt rừng tiếp cận hiện trường sạt lở.
Các quyết định khẩn trương, kịp thời, quyết đoán, chính xác và hiệu quả cao là những gì chúng tôi cảm nhận được trong công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái trong những ngày bão số 3 đi qua.
Phương châm "4 tại chỗ” của địa phương đã phát huy hiệu quả, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có người bị chết, mất tích và bị thương, các gia đình bị mất nhà cửa sớm ổn định lại cuộc sống; các lực lượng chức năng thường xuyên ứng trực để dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục sự cố điện, sửa chữa đường dẫn nước…; chính quyền các địa phương quan tâm đến việc di dời các hộ dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn khẳng định, tỉnh Yên Bái vừa trải qua một đợt thiên tai, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử đã gây thiệt hại rất lớn, để lại nhiều điều đau xót, tiếc nuối. Cho đến hôm nay, công tác khắc phục hậu quả sau bão và hoàn lưu bão đã để lại những kết quả tích cực.
Đó là nhờ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, đồng lòng vào cuộc của toàn thể xã hội và đặc biệt nữa là sự ủng hộ, đồng tình của người dân với tinh thần "tương thân, tương ái”. Các địa phương đã phát huy tối đa phương chậm "4 tại chỗ”, chủ động rà soát các điểm nguy hiểm, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương để khắc phục hậu quả nhất là thực hiện tốt một số nguy cơ lớn còn tiềm ẩn, đó là sạt lở đất, thu gom, xử lý vệ sinh môi trường, kiểm soát vấn đề dịch bệnh, hỗ trợ nhà ở, ổn định đời sống nhân dân… Chính từ công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động ấy cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị những thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ nhanh chóng được khắc phục, ổn định đời sống cho nhân dân.
Mạnh Cường
(Bài 3: Tổng lực chạy đua với thời gian)