UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 1658/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trong lĩnh vực đường bộ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Theo đó, cơn bão số 3 (từ ngày 6/9/2024 - 11/9/2024) đã gây thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm ách tắc giao thông một số vị trí trên các tuyến đường (đường cao tốc, quốc lộ 1, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, đường đô thị, đường huyện, đường xã) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến đường.
Tình huống thiên tai đã gây sạt lở taluy dương, taluy âm, lấp rãnh dọc, trồi lún nền mặt đường, xuất hiện cung trượt taluy dương, taluy âm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ..., làm ách tắc giao thông một số vị trí trên các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 1 và các tuyến đường địa phương do Sở GTVT và UBND các huyện, thành phố quản lý .
Các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra là xây dựng phương án ứng phó các tình huống khẩn cấp khi xảy ra sự cố về thiên tai; duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố bố trí nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư dự phòng tại các vị trí hư hỏng do thiên tai gây ra để tiến hành khắc phục trong thời gian sớm nhất; thực hiện khơi thông cống, rãnh thoát nước, vá ổ gà, xử lý khắc phục các vị trí có nguy cơ gây ngập úng; tổng hợp kiểm tra đánh giá, đề xuất biện pháp ứng phó tình huống khẩn cấp về thiên tai và báo cáo tình hình diễn biến sạt lở, tham mưu ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định.
UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở GTVT chỉ đạo khẩn trương tổ chức các biện pháp ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường tuần tra biên giới do ảnh hưởng của cơn bão số 3; tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên chủ động triển khai các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc, bảo đảm giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ GTVT.
Duy trì thực hiện việc cảnh báo tại các vị trí cung trượt lớn; chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến hiện trạng cung trượt và tổ chức phân luồng giao thông; san sửa ngay tối thiểu một làn xe và thực hiện các biện pháp an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các đoạn tuyến bị sạt lở trong phạm vi quản lý;
Thực hiện khơi thông cống, rãnh thoát nước, vá ổ gà, xử lý khắc phục các vị trí có nguy cơ gây ngập úng; tổng hợp kiểm tra đánh giá, đề xuất biện pháp ứng phó tình huống khẩn cấp về thiên tai, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan, duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia giao thông; phối hợp cùng với đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; trường hợp phát hiện tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông báo cáo ngay về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh.
Tổng hợp kiểm tra đánh giá, đề xuất biện pháp ứng phó tình huống khẩn cấp về thiên tai và ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo thẩm quyền. Khi kết thúc thi công xây dựng công trình khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông theo tình huống khẩn cấp về thiên tai nêu trên, UBND các huyện, thành phố báo cáo Sở GTVT để tổng hợp, làm cơ sở công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai…
(Theo VTV)