Yên Bái quyết tâm lấy vụ đông bù thiệt hại do bão lũ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/9/2024 | 7:20:02 AM

YênBái - Để bù đắp thiệt hại sản xuất nông nghiệp (SXNN) do bão số 3, vụ đông năm 2024, các địa phương quyết tập trung mở rộng diện tích gieo trồng, bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân, nhất là các vùng bị thiệt hại do mưa lũ…

Nông dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cấy lại rau muống trên diện tích vừa bị ngập lũ.
Nông dân xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cấy lại rau muống trên diện tích vừa bị ngập lũ.

Hiệu quả đã được khẳng định

Sản xuất vụ đông (SXVĐ) có vai trò quan trọng, tận dụng diện tích sản xuất để góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm nhu cầu thực phẩm tại chỗ, phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt, cây vụ đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại có thể đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu như: khoai tây, cà chua, dưa bao tử, ớt, ngô ngọt, đậu tương, rau. Vì vậy, nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng SXVĐ. 

Tính riêng vụ đông 2023, toàn tỉnh trồng trên 10.550 ha, đạt 108,32% kế hoạch; sản lượng đạt 70.493 tấn, tăng 652 tấn so với vụ đông năm trước. Dù chưa có thống kê chính thức giá trị SXVĐ nhưng nhiều địa phương có truyền thống, trình độ thâm canh cao, chỉ cần làm vụ đông trên dưới 3 tháng đã có khoản thu nhập gấp 3 - 5 lần cả năm trồng lúa. 

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng nấm hương tại Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải do Công ty TNHH Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu Mù Cang Chải thực hiện, quy mô 1,5 ha.  Năm 2023, sản lượng nấm hương tươi đạt hơn 80 tấn, giá bán trung bình từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, thu về hơn 5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 20 lao động với thu nhập ổn định khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. 

Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng được các mô hình liên kết tổ chức SXVĐ theo chuỗi giá trị để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng an toàn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng bí xanh, bí ngô mật tại xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hoàng Long triển khai. 

HTX này đã thực hiện liên kết chuỗi với sự tham gia của 11 hộ dân để phát triển diện tích trồng hơn 6,6 ha bí xanh, bí ngô mật với sản lượng đạt hơn 50 tấn quả, giá bán trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg, đã đem về cho HTX doanh thu khoảng 300 triệu đồng/vụ. Việc thực hiện chuỗi liên kết 2 loại cây trồng ngắn ngày này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, việc hình thành chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng thời, giúp HTX từng bước xây dựng được thương hiệu nông sản của mình, tăng khả năng chủ động ký hợp đồng với khách hàng nhờ quy mô và chất lượng sản phẩm đều đảm bảo. Kết quả trên cho thấy, SXVĐ đã khẳng định được hiệu quả, đạt giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập lớn và ổn định cho nông dân.


Lấy vụ đông bù thiệt hại do bão lũ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu trồng 10.030 ha cây trồng các loại, sản lượng đạt 67.630 tấn; trong đó, ngô 5.500 ha; khoai lang 1.000 ha và 3.500 ha rau màu các loại; trong đó, nhiều địa phương đã có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng để bù lại thiệt hại sản xuất do bão số 3. 

Ông Trần Đình Trọng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Bão số 3 gây thiệt hại hơn 847 ha lúa và 523,4 ha hoa màu… Để bảo đảm an ninh lương thực, bù đắp sản lượng bị thiệt hại, huyện chỉ đạo và giao các xã mở rộng thêm gần 1.000 ha ngô đông. Đồng thời, chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân khẩn trương thu hoạch lúa sau khi nước rút; hướng dẫn, đôn đốc nông dân khẩn trương cải tạo đất ruộng để trồng ngô, hoa màu vụ đông; cương quyết chỉ đạo hoàn thành 100% diện tích trồng ngô trên đất 2 vụ lúa với phương châm không để đất trống”. 

Tại huyện Lục Yên, vụ đông này cũng sẽ đưa vào gieo trồng 850 ha ngô, 300 ha khoai lang và 560 ha rau, đậu. Để SXVĐ giành thắng lợi, UBND huyện đã yêu cầu các xã thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo SXVĐ; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách các thôn, bản. Tại các xã bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, diện tích lúa mùa bị mất trắng lớn như các xã: Lâm Thượng, Mường Lai, Vĩnh Lạc, Liễu Đô, Tân Lĩnh, Minh Chuẩn, Yên Thắng, Mai Sơn... đang khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu bỏ, tận dụng lúa úng ngập làm thức ăn cho gia súc, kết hợp khơi rãnh phơi khô ruộng, cày bừa đất để chuyển đổi sang trồng ngô và một số cây rau màu khác. 

Quyết tâm SXVĐ bù lại thiệt hại sản xuất sau lũ của các địa phương là rất cao. Tuy nhiên, bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho SXNN, đặc biệt đối với các vùng có diện tích, truyền thống SXVĐ như: Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên, thành phố Yên Bái. Hiện tại, các địa phương đang dồn sức khắc phục hậu quả chung nên việc chuẩn bị đất trồng: dọn dẹp cắt bỏ lúa, ngô bị gẫy đổ, vệ sinh, san gạt bùn đất... trong điều kiện đất còn ướt, nhân lực thiếu, nên gặp nhiều khó khăn, nhất là bảo đảm tiến độ theo thời vụ cây trồng, đặc biệt diện tích ngô đông trên đất 2 vụ lúa. 

Để SXVĐ hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp; trong đó, yêu cầu các địa phương huy động tối đa phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó để triển khai SXVĐ càng sớm càng tốt. 

Đồng thời, rà roát, bổ sung thêm diện tích cho các vùng ảnh hưởng nhẹ hoặc không bị ảnh hưởng trên địa bàn. Đối với các vùng bị thiệt hại, khẩn trương khắc phục, khôi phục diện tích tối đa đưa vào SXVĐ kịp thời vụ; trong đó, ưu tiên cây trồng ngắn ngày, sớm cho thu hoạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và thu nhập trước mắt cho người dân và kéo dài thời vụ gieo trồng. 

Cùng đó, tăng cường kết nối, thu hút hỗ trợ vật tư nông nghiệp, nhất là nguồn giống ngô, rau đậu các loại hỗ trợ kịp thời cho các vùng trọng điểm SXVĐ bị ảnh hưởng do bão số 3; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, bổ sung các giống mới nhằm nâng cao năng suất, giá trị trong SXVĐ; xây dựng mô hình liên kết tổ chức SXVĐ theo chuỗi giá trị để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng an toàn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Để nâng cao giá trị sản xuất, giành thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng vụ đông, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các cấp chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cho nông hộ và ổn định đầu ra sản phẩm.

Văn Thông

Các tin khác
Khoảng 60.000m3 đất đá tràn xuống tỉnh lộ 162.

Khối lượng lớn đất đá sạt xuống tỉnh lộ 162 thuộc địa bàn bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, khiến giao thông tại đây bị tê liệt.

Bảo tàng Quảng Ninh bị thiệt hại nặng trong bão số 3.

UBND tỉnh Quảng Ninh công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp với một loạt trụ sở, công trình do bị bão số 3 gây thiệt hại nặng, để có biện pháp khắc phục nhanh.

Lực lượng DQTV huyện MÙ Cang Chải tham gia giúp dân hót dọn bùn đất tại khu vực phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái

Sau khi lực lượng công an, bộ đội rút đi, trong những ngày qua, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) tại các địa phương ít bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã nối tiếp giúp người dân thành phố Yên Bái hót dọn bùn đất, bất kể thời gian.

Điểm sạt lở nghiêm trọng sau bão tại Km 2, đường Điện Biên, thành phố Yên Bái.

Hàng chục vạn mét khối đất đã ập xuống sau bão số 3 tại tỉnh Yên Bái đã khiến nhiều nhà sập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà khác đã hư hỏng hoặc có nguy cơ hư hỏng. Thành phố Yên Bái là nơi ảnh hưởng nặng nhất từ sạt đất. Ứng cứu kịp thời, cụ thể là đào, vận chuyển đất tại những nơi đã sạt và nguy cơ tiếp tục sạt lở đang rất bức thiết, cần có cơ chế thông thoáng và đa dạng nguồn lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục