Yên Bái: Không để ách tắc giao thông mùa mưa bão

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2025 | 8:36:56 AM

YênBái - Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ có nhiều diễn biến khó lường và phức tạp. Điều đó có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông trên địa bàn như sạt lở, gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Sở Xây dựng tỉnh đã yêu cầu các đơn vị được giao quản lý đường xây dựng phương án chi tiết và có kế hoạch cụ thể huy động nhân lực, vật lực, thiết bị máy móc triển khai ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 1 Yên Bái khơi thông cống rãnh, bảo đảm giao thông mùa mưa bão.
Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 1 Yên Bái khơi thông cống rãnh, bảo đảm giao thông mùa mưa bão.


Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, mưa dông kéo dài và ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm giao thông. 

Năm 2024, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt là mưa lũ do cơn bão số 3 đã gây ra sạt lở ta luy dương, ta luy âm nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ: 2D, 32, 37; các tuyến đường tỉnh: ĐT.163, ĐT.164; ĐT.165, ĐT.170, ĐT.171; đường Nguyễn Tất Thành, đường Âu Cơ… gây hư hỏng nặng nề về kết cấu hạ tầng giao thông. Ngay khi tình huống xảy ra, lực lượng chức năng đã tích cực triển khai công tác đảm bảo giao thông trên các tuyến đường bị sạt lở, ách tắc giao thông, nhanh chóng thông đường, giúp công tác ứng cứu của các địa phương đối với các vùng bị ảnh hưởng thuận lợi. 

Theo thống kê, năm 2024, mưa lũ làm sạt lở taluy dương, đất sụt, bùn: 28.654m3/526 vị trí; sạt lở taluy âm 487 mét dài/24 vị trí. Công trình cầu Yên Bái lý trình Km280+500, quốc lộ 37 bị xói trụ, gây nguy hiểm cho công trình đã phân luồng cho phép người đi bộ, xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô và xe ô tô con loại từ 7 chỗ ngồi trở xuống được lưu thông. 

Bà Nguyễn Thị Lâm Tuyết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết: "Trên cơ sở những kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm trước, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay từ đầu năm, ngành xây dựng đã chuẩn bị phương án cụ thể, đề ra các biện pháp thực hiện bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng cao theo phương châm "4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, hậu cần tại chỗ; thiết bị tại chỗ). 

Sở đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuẩn bị tốt các phương án về nhân lực, thiết bị, các vật tư dự phòng để ứng phó kịp thời, không để xảy ra tắc đường quá 3 giờ, bảo đảm thông xe liên tục khi mưa bão xảy ra. 

Các phòng chức năng của Sở cũng chủ động tiến hành rà soát xác định rõ những vị trí thường xuyên xảy ra sự cố sạt lở trên tất cả các tuyến đường để chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống và đề ra phương án khắc phục các vị trí xung yếu trên các tuyến đường; đặc biệt chú ý các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm, những tuyến nằm trong vùng thấp và đầu mối giao thông có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. 

Các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện; rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn”. Đối với các dự án đang triển khai, Sở chỉ đạo các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công nền dứt điểm từng đoạn; đồng thời, có trách nhiệm khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công. 

Các công trình cầu vượt sông, suối đang thi công, phải lập phương án thi công cụ thể, chi tiết để bảo đảm thi công vượt lũ trước mùa mưa bão, kịp thời thanh thải các vật cản, khơi thông dòng chảy và có phương án bảo vệ chống va trôi. Ngoài ra, các đơn vị đang thi công các công trình giao thông có phương án chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, xe, máy cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Bắt đầu bước vào mùa mưa bão, các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đang được ngành tích cực triển khai. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường của thời tiết, các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng cần sẵn sàng ứng phó, thực hiện mọi biện pháp xử lý tình huống một cách hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản xuống mức thấp nhất.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 tuyến cao tốc (cao tốc Nội Bài - Lào Cai) chạy qua với chiều dài 80,5km; 5 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài gần 400km; 11 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 434,5km và gần 8.500km đường đô thị, đường giao thông nông thôn, đường thôn, bản, đường chuyên dùng.

Quang Thiều

Tags Yên Bái đường giao thông mưa lũ mưa bão

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Trạm Tấu kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa lũ năm 2025.

Hàng năm, huyện Trạm Tấu phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như mưa, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm rét, hại… làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất và an toàn của người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng năng lực phòng chống thiên tai (PCTT) là vấn đề được Trạm Tấu xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện thường xuyên, liên tục.

Hiện trường vụ sạt lở tại công trường thủy điện Tả Páo Hồ 1A.

Bộ Xây dựng vừa gửi Công điện số 17/CĐ-BXD tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty, doanh nghiệp, Ban Quản lý dự án thuộc Bộ đề nghị bảo đảm an toàn thi công xây dựng và phòng chống sạt lở trong mùa mưa lũ.

Quốc lộ 4D nối Lào Cai với Lai Châu xuất hiện hố sụt lớn do mưa sáng 20-5.

Trước dự báo về đợt mưa lớn diện rộng thứ hai có khả năng đạt trên 250mm trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương miền Bắc và Bắc Trung bộ chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại.

Người dân chờ xem hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 922/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục