Tiếp bước cha anh
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/8/2013 | 9:38:01 AM
YBĐT- Chiến khu Vần - địa danh đã đi vào lịch sử cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nơi có biết bao người con đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh góp phần giải phóng chiến khu, giải phóng quê hương Yên Bái, cùng cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945...
Đảng viên trẻ Bồ Xuân Tân bước đầu thành công trong mô hình kinh tế trang trại.
|
Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, hôm nay, lớp lớp các thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất chiến khu lịch sử cũng đang từng ngày cần cù, hăng say lao động, tập trung phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Gặp đảng viên trẻ Bồ Xuân Tân (33 tuổi) ở thôn 3b, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên khi anh đang ướt đẫm mô hồi vì phát cỏ rừng, chỉ tay về phía cánh rừng trồng các loại keo, mỡ, bạch đàn, anh vui vẻ cho biết: “Đây là toàn bộ diện tích rừng rộng 27ha của gia đình.
Trung bình hàng năm cho khai thác từ 150- 200 khối gỗ trị giá khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, vận chuyển, còn lãi 100 - 120 triệu đồng”. Cùng với trồng rừng, tận dụng diện tích đất rộng quanh nhà, anh Tân trồng thêm 200 gốc thanh long, 200 gốc cam và chanh, 100 gốc sấu siêu quả, phát triển chăn nuôi lợn thịt trung bình mỗi lứa 50 con.
Tổng doanh thu cả năm của gia đình trung bình đạt 300 triệu đồng, trừ chi phí còn 130 - 150 triệu đồng/năm. Với việc phát triển mô hình kinh tế trang trại, hàng năm, gia đình anh Tân cũng đã giúp tạo việc làm thường xuyên thêm cho 3 lao động tại địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng và 15 - 20 nhân công làm việc thời vụ.
Để có được thành quả bước đầu như đã nêu, Bồ Xuân Tân đã phải vượt qua không ít những khó khăn, thử thách. Anh chia sẻ: “Học hết phổ thông, tôi đã theo học ngành sư phạm và lên làm thầy giáo được một năm ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Tuy nhiên lúc đó, cha thì bệnh nặng, mẹ thì sức yếu, các anh chị đều đã có gia đình và ra ở riêng, là con út nên tôi đã quyết định xin nghỉ dạy về nhà để chăm sóc cha mẹ. Và chính khoảng thời gian ở nhà đã giúp tôi có quyết tâm ở lại quê hương, bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế trang trại.
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu lao động, chỉ có một mình nên ban đầu đã có lúc tôi nghĩ mình phải bỏ cuộc. Song đất đã không phụ công người và tôi tin con đường mình đã chọn là đúng đắn”. Hiện tại, Bồ Xuân Tân đang giữ chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Trang trại trẻ” của 11 tỉnh miền núi phía Bắc. Đảm đương thêm công việc mới tuy có bận rộn nhưng với Tân đó là niềm vui vì giúp anh có cơ hội được đi tham quan nhiều mô hình kinh tế trang trại, đúc rút được nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn và giúp đỡ được các bạn trẻ đoàn viên thanh niên khác.
Chia tay Bồ Xuân Tân, tới thăm mô hình chăn nuôi của một đoàn viên thanh niên khác ở thôn 1, xã Việt Cường, tôi được anh Phạm Quốc Dân - Bí thư Đoàn xã Việt Cường cho biết, cậu thanh niên này là Vũ Văn Khải, sinh năm 1986, tuy còn trẻ nhưng đã có những suy nghĩ khá chín chắn và có chí làm giàu. Trong khi có không ít những thanh niên lựa chọn con đường ra thành phố tìm việc làm hoặc chấp nhận đi làm ăn xa cả đời thì Khải sau một vài năm “trải nghiệm” với cuộc sống bên ngoài đã sớm trở về nhà cùng với bố mẹ tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Khải tâm sự: “Không đâu bằng nhà mình. Em đã từng đi làm ở nhiều nơi với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng nhưng thời gian luôn bị gò bó, không được ở gần người thân nên lúc nào cũng thấy nhớ nhà, nhất là khi ốm đau bệnh tật càng thấy tủi thân nên em đã suy nghĩ lại và quyết định trở về”. Từ một chàng thanh niên không có chút kinh nghiệm gì trong chăn nuôi, Khải đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn khoa học – kỹ thuật do Đoàn thanh niên tổ chức và tìm hiểu thêm các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó mà khi bắt tay vào công việc vốn hay gặp rủi ro này, Khải đã tránh được nhiều tổn thất.
Kết hợp với chăn nuôi lợn bán công nghiệp, tận dụng nguồn phân phế thải từ lợn, Khải nuôi giun để làm thức ăn thêm cho gà và vịt. Với số lượng nuôi 40 - 50 con lợn thịt/lứa và gần 300 con gà, vịt nuôi thường xuyên lấy thịt và đẻ trứng, trung bình mỗi năm, sau khi trừ các loại chi phí, mô hình chăn nuôi của Khải cho thu nhập 30- 40 triệu đồng.
Hiện tại, cùng với Khải và Tân, ở Việt Cường, các mô hình kinh tế trang trại vừa và nhỏ do chính những người trẻ tuổi đứng ra làm chủ đang xuất hiện ngày một nhiều, đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, qua đó giúp Việt Cường có nhiều khởi sắc. Số hộ nghèo đã giảm, tỷ lệ hộ khá giàu tăng theo hàng năm. Điển hình như các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt của các đoàn viên thanh niên: Vũ Ngọc Sơn (thôn 1), Đỗ Thanh Hồng (thôn 9), Dương Trung Lịch (thôn 8a), Dương Kim Sơn (thôn 8b), Hoàng Văn Hào (thôn 7a), Đỗ Công Hiếu (thôn 9)…
Thủ lĩnh Đoàn Phạm Quốc Dân cho biết thêm: Để động viên, khuyến khích và ngày càng thu hút được nhiều đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Từ nay đến cuối năm, xã Việt Cường sẽ cho ra mắt Câu lạc bộ “Mô hình trang trại trẻ”, đồng thời hàng năm sẽ cố gắng phối hợp mở thêm các lớp tập huấn chuyển giao khoa kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên.
Dám nghĩ dám làm, song bước cản lớn nhất mà hiện nay không ít đoàn viên thanh niên đang gặp phải là thiếu vốn. Rất mong các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa giúp các đoàn viên thanh niên không chỉ ở Việt Cường mà ở cả các địa phương khác có cơ hội được tiếp cận với các nguồn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Có như vậy sẽ giúp cho nhiều bạn trẻ có thêm niềm tin, động lực ở lại phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
H.O
Các tin khác
YBĐT- Ngày 28/8, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Lễ khai trương Diễn đàn dành cho thanh niên trang web:“ngonnenyenbai.vn” đã được tổ chức với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn, Sở Thông tin và Truyền thông, đại biểu đại diện các chi đoàn, liên chi đoàn trong Khối...
Cô gái Việt này phải rất khó khăn để từ chối đến 6 trường ĐH, nhằm bước vào trường ĐH danh giá nhất thế giới – Harvard. Liên tục trong 6 năm, Tường Vân đều nhận được bằng khen của 2 tổng thống Mỹ.
YBĐT - 10 ngày tình nguyện trên bản Trống Tầu là quảng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng ý nghĩa để những bạn trẻ trong đội tri thức trẻ tình nguyện số 3 trải nghiệm bản thân, xác định đúng đắn trách nhiệm và lý tưởng sống với khát khao được cống hiến sức trẻ cho cuộc sống cộng đồng.
Thủ khoa ĐH Bách Khoa Hà Nội 30 điểm chia sẻ rằng đã phải thuyết phục bố mẹ để ủng hộ quyết định thi lại của chàng trai này.