Ông Mùa A Sùng - Chủ tịch UBND xã Pá Hu cho biết: Xã có 492 hộ với 2.432 nhân khẩu, trên 93% hộ dân tộc Mông, tất cả 4 thôn đều khó khăn. Song, bằng việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, xã lựa chọn thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế, trọng tâm là ổn định an ninh lương thực và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung đào tạo nghề để trang bị kiến thức cho người dân phát triển kinh tế; giải quyết việc làm tại chỗ, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Cùng Chủ tịch UBND xã Mùa A Sùng, chúng tôi đến thôn Tà Tàu - thôn được chọn làm điểm để triển khai mô hình trồng ngô đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao từ những năm 2013. Chỉ tay về phía những nương ngô xanh tốt, Chủ tịch Sùng cho biết: Trước đây, không chỉ thôn Tà Tàu mà hầu hết các thôn khác trong xã chỉ canh tác 1 vụ lúa mùa, vụ đông xuân hầu như ruộng đồng bỏ không, nên chuyện thiếu lương thực luôn là điều trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã.
Năm 2013, với sự hỗ trợ của cán bộ Trung tâm Khuyến nông (nay là Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ và phát triển nông nghiệp huyện), sự trợ giúp phân bón, giống của Nhà nước, gần 19 ha ngô đồi được triển khai thí điểm tại thôn đã thành công ngoài mong đợi; giống ngô lai chịu hạn cho năng suất đạt trên 35 tạ/ha. Từ thành công này, mô hình ngô đồi được triển khai rộng ra các thôn khác. Cây ngô đã được trồng 2 vụ với diện tích duy trì bình quân hàng năm 335 ha”.
Cùng với cây ngô, lúa cũng là cây trồng quan trọng. Xã chỉ đạo sát sao từ chuẩn bị, cơ cấu giống, phân bón đến công tác chống hạn, huy động các nguồn lực đảm bảo gieo cấy hết diện tích. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hàng năm đạt 674 ha, trong đó, lúa nước 2 vụ 192 ha; rau màu đều đạt diện tích gieo trồng theo kế hoạch, cho năng suất cao.
Ngoài cây ngô, thời gian qua, xã cũng đã thực hiện mô hình trồng dưa bở tại thôn Cang Dông với diện tích gần 2 ha đã cho hiệu quả kinh tế cao. Phát huy tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp, xã ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các dự án trồng rừng kinh tế; vận động nhân dân tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh để nâng cao thu nhập; khảo sát, phân loại hộ nghèo để tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình.
Là một trong những hộ dân tiêu biểu thực hiện mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, năm 2021, anh Mùa A Dao, thôn Háng Gàng được hỗ trợ 15 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi 3 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Sau 3 năm, A Dao đã phát triển mô hình khá thành công, bình quân mỗi năm, anh xuất bán 2 lứa lợn, thu nhập mỗi năm gần 70 triệu đồng.
Mùa A Dao cho biết: "Con giống tôi chủ động được, lương thực thì trồng trên đồi trên nương, chỉ bỏ công chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt là có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trước đây, không có chính sách hỗ trợ, gia đình tôi chỉ nuôi tầm 3 - 5 con lợn đen bản địa nên hiệu quả kinh tế không cao. Chăn nuôi theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước hiệu quả kinh tế hơn hẳn”.
Sẵn có bãi chăn thả để phát triển chăn nuôi, năm 2020, anh Sùng A Lâu, thôn Cang Dông cùng 2 hộ trong thôn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua dê giống, thành lập tổ hợp tác nuôi dê núi. Theo đó, từ 19 con dê ban đầu của tổ hợp tác, đến nay, 3 thành viên luôn duy trì đàn dê trên dưới 50 con; mỗi thành viên một năm bán khoảng 10 con dê thịt, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Chăn nuôi nhỏ lẻ đã chuyển dần sang chăn nuôi hàng hóa. Nhờ đó, tổng đàn gia súc chính của xã năm 2023 đạt 2.140 con, gần 20 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 90 tấn/năm.
Những chủ trương đúng, trúng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững đã được xã Pá Hu thực hiện thành công. Qua đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của xã, đã có 10/26 chỉ tiêu vượt kế hoạch, các chỉ tiêu còn lại đều đạt kế hoạch, không có chỉ tiêu nào không đạt.
Trong đó, một số chỉ tiêu đạt khá như: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.090 tấn, đạt 100,8% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2022 là 8,06%; thực hiện thoát nghèo cho 42/42 hộ đạt 100% kế hoạch năm; tổng đàn gia súc gia cầm tăng so với năm trước 1,2%, lương thực bình quân đầu người đạt trên 964 kg/năm. Kết quả này sẽ là điều kiện quan trọng để xã Pá Hu tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hướng tới xây dựng thành công xã nông thôn mới trong thời gian tới.
Thanh Tân