Cô nữ sinh với ước mơ làm Thủ tướng
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2008 | 12:00:00 AM
Đọc những trang viết thấm đẫm chất nhân văn, sâu sắc và thuyết phục của lá thư gửi trùm khủng bố Osama Binlađen, ít ai ngờ rằng tác giả của nó là nữ sinh tuổi 15.
Hồ Thị Quế Chi.
|
Em là Hồ Thị Quế Chi, học sinh lớp 10 chuyên Văn THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Không ai quay lưng với những lời chân thành!
“Không có gì to tát đâu chị ạ!”
Hồ Thị Quế Chi nhoẻn cười bẽn lẽn khi chúng tôi bày tỏ niềm thích thú với bức thư em viết. Chi hồn nhiên: “Bức thư chỉ đơn giản là một thông điệp nho nhỏ của riêng em”.
Ham mê văn chương từ bé, Quế Chi rất thích tìm hiểu những vấn đề nhạy cảm, hướng ngòi bút đi vào chiều sâu đời sống con người, nhất là đời sống nội tâm. Chủ đề Cuộc thi viết UPU năm 2008: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói tại sao thế giới cần sự khoan dung” bởi thế đã hấp dẫn em ngay khi vừa đọc.
Một người bạn thân của Chi chọn viết thư cho tổng thống Mỹ Bush, còn Chi thì quyết định viết thư gửi Binlađen. Lý giải về sự lựa chọn này, Quế Chi kể:
“Vụ thảm sát 11/9 xảy ra khi em mới 9 tuổi. Hồi đó chưa có ấn tượng sâu sắc lắm. Sau này lớn hơn, xem thông tin trên báo đài, nghe mọi người trong gia đình và thầy cô nói lại, em thực sự thấy phẫn nộ. Những hình ảnh kinh hoàng và đau xót trở thành một nỗi ám ảnh đối với em”.
Bằng tất cả tiếng nói lý trí và xúc cảm từ trái tim, cô nữ sinh THPT đã viết thư cho trùm khủng bố.
Hỏi Quế Chi: Có thấy “run” không khi đụng chạm đến một nhân vật khét tiếng, em thẳng thắn: “Trùm khủng bố cũng là con người, và đã là con người thì không ai quay lưng với những lời chân thành cả”.
Và Chi đã mở đầu bài viết của mình đầy tự tin:
Hẳn ông sẽ cười nhạo khi biết rằng tôi - một nữ sinh trung học bình thường ở một đất nước nhỏ bé - lại dám cả gan viết thư cho một trùm khủng bố khét tiếng?
Một trong những lý do khiến tôi cầm bút là muốn giúp ông tìm thấy sự thanh thản và lối thoát cho riêng mình. Đừng vội khinh thường lời nói của một cô gái 15 tuổi, tôi có đủ đức tin để hy vọng ông sẽ phải thay đổi suy nghĩ!
Bức thư được Ban giám khảo đánh giá “có ngôn ngữ hiện đại, cách lập luận khúc triết, giàu ý tưởng”. Ở đó, người ta tìm thấy một tiếng nói lên án tội ác diệt vong:
“Ông mâu thuẫn với Chính phủ Mỹ nhưng không có nghĩa là ông có quyền kéo theo bao người dân vô tội vào trò chơi bạo lực của mình. Ông có biết bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu doanh nhân giỏi, bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu người dân thường vô tội đã phải chết một cách oan uổng dưới chân tòa tháp đôi kia?”.
Thấy cả những triết lý giản dị về tình yêu, đức khoan dung, lòng nhân ái: Tôi đã nhận ra là trong cuộc sống, con người luôn luôn lựa chọn và đôi khi đó là một thái độ. Tại sao ông lại chọn sự tức giận và trả thù mà không phải sự khoan dung? Đã sáu năm trôi qua, ông nghĩ điều gì sẽ xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân của vụ 11 tháng 9? Tôi nghĩ đó là sự khoan dung. Chúng tôi nuối tiếc, chúng tôi tổn thương nhưng không có nghĩa chúng tôi cũng sẽ trả thù giống ông. Chúng tôi sẵn sàng tha thứ nếu ông nhận ra sai lầm để thay đổi. Nhưng liệu ông có thể khoan dung cho chính mình không? Điều quan trọng với mỗi con người không phải là những gì ta nhận được mà chính là những gì ta đã cho đi.
Bức thư dài hơn một nghìn từ được Chi hoàn thành trong vòng chưa đầy một tiếng rưỡi đồng hồ. Viết một mạch theo dòng cảm xúc và chỉ chỉnh sửa rất ít.
Đứa con tinh thần ra đời, được gửi dự thi song bản thân Quế Chi “không hi vọng nhiều lắm” vì “suốt năm - sáu năm qua, năm nào em cũng dự thi UPU mà chưa bén giải”.
Biết tác phẩm của mình vượt qua gần 2 triệu bài dự thi trên toàn quốc giành vị trí cao nhất, cô bé không khỏi bất ngờ. “Thật hạnh phúc vì tâm huyết của mình được mọi người ghi nhận và chia sẻ” - Quế Chi tâm sự.
Và ước mơ trở thành thủ tướng
Hồ Thị Quế Chi nhận giải nhất cuộc thi UPU lần thứ 37 |
Quế Chi hiện là học sinh lớp 10 chuyên Văn THPT chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ thời cấp hai, cô lớp trưởng năng nổ hoạt bát đã mang không biết bao nhiêu giải thưởng lớn nhỏ: Hai giải nhất, một giải nhì, hai giải ba Văn thành phố…
Với Quế Chi, văn chương là một phần máu thịt không thể thiếu. Em tự nhận đã được thừa hưởng gen di truyền từ bố và ông nội.
Cả gia đình Quế Chi phục vụ trong quân đội, ông nội Chi đã cống hiến máu xương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Truyền thống gia đình cùng phương châm sống ông nội răn dạy: Thật thà-Khiêm tốn-Khắc kỷ-Vị tha, là hành trang quý báu giúp em vươn lên.
Gặp Quế Chi ngoài đời: thông minh, hoạt bát với đôi mắt sáng và khuôn mặt dễ thương, khác hẳn những tưởng tượng của chúng tôi về một cô bé “già trước tuổi”. Chi cười giòn tan, hồn nhiên nói về mình: “Lúc thực tế, khi lãng mạn, lúc hiền lành, khi ghê gớm, nhìn chung là luôn mâu thuẫn và mâu thuẫn”.
Em tâm niệm: “Mỗi con người phải sống có lập trường riêng, kiên trì bước đến cùng trên con đường mình lựa chọn”.
Quế Chi ước mơ sau này sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Việt Nam. Một hoài bão lớn song không hề là “ảo vọng”. Chi nháy mắt: “Em đang lên kế hoạch cho tương lai và từng bước thực hiện mơ ước của mình”.
Hẳn những ai đã từng một lần gặp mặt hay chỉ đọc qua những dòng thư nhiệt tâm em viết cũng sẽ không ngần ngại đặt niềm tin nơi em.
(Theo TPO)
Các tin khác
YBĐT - Theo lời giới thiệu của anh Hoàng Xuân Dương - Bí thư Đoàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi đến thăm một trong những khu trang trại giàu có bậc nhất của địa phương. Đó là mô hình của anh Trần Minh Quyền ở Chi đoàn 5.
YBĐT - Vừa qua, Huyện đoàn Văn Chấn (Yên Bái) đã tổ chức ra quân chiến dịch thanh niên HS-SV tình nguyện và khai mạc các hoạt động hè năm 2008. Các hoạt động của chiến dịch thanh niên tình nguyện năm 2008 bám sát vào các chương trình hành động cụ thể của địa phương như: làm đường giao thông nông thôn; lao động tổng vệ sinh môi trường; hướng dẫn nhân dân làm hố tiêu hợp vệ sinh...
Với mong muốn phát huy mạnh mẽ thanh niên trong các phong trào thi đua ái quốc, Bác Hồ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để định hướng, cổ vũ thanh niên thi đua.
Công ty nơi bạn làm việc là cả một tập thể với nhiều người mang những tính cách khác nhau. Có người dễ hòa đồng và trở thành bạn bè, có người chỉ đơn thuần là đồng nghiệp, và thậm chí có những cá nhân mà bạn “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.