Báo Đáp duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/12/2016 | 8:01:47 AM
YBĐT - Xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên là một trong những xã đầu tiên của tỉnh sớm hoàn thành các tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã tiếp tục tập trung chỉ đạo để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới, góp phần từng bước cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Phát triển chăn nuôi gia súc đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân xã Báo Đáp.
|
Bài học kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới
Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Trấn Yên, xã Báo Đáp khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn do điểm xuất phát thấp, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp là chính, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư... Ban đầu, xã chỉ có 6/19 tiêu chí đạt chuẩn, một số tiêu chí chưa đạt phải thực hiện như: quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông nông thôn, trường học, chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí về môi trường... cũng gặp muôn vàn khó khăn. Sau 4 năm kiên trì tổ chức thực hiện, cùng với những quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng lòng của người dân, tháng 3/2015 xã Báo Đáp đã hoàn thành cả 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhân là xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.
Nói về những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương tình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trần Đức Học chia sẻ: "Ngay từ khi mới triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền xã luôn nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là đem lại lợi ích thiết thực cho người dân; trong quá trình triển khai, xã đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", phát huy vai trò chủ thể của người dân; địa bàn xây dựng nông thôn mới là ở các thôn và muốn xây dựng thành công nông thôn mới, trước hết, cần có con người nông thôn mới".
Từ nhận thức trên, cấp ủy, chính quyền xã Báo Đáp đã tập trung lãnh đạo huy động mọi nguồn lực, phát huy tốt yếu tố nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, của huyện và của Nhà nước đầu tư cho xây dựng nông thôn mới; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến từ nhận thức của cấp ủy cho đến mỗi người dân, tạo nên phong trào khí thế thi đua sổi nổi, rộng khắp trong xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng các nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 80 tỷ đồng, trong đó vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 22,7 tỷ đồng; vốn lồng ghép 44 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 12,5 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ khác từ các các nhân, tổ chức xã hội 800 triệu đồng.
Xã đã vận động nhân dân hiến trên 2,2 ha đất, phá dỡ trên 3 km tường rào, nhiều cây cối, hoa màu và các tài sản khác trên đất để phục vụ mở rộng kiên cố hoá đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội khác. Vận động nhân dân trong thôn tự phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại gia đình và dọc các tuyến đường chính đảm bảo mỹ quan, hợp vệ sinh môi trường; xây dựng bể đựng các vỏ bao bì thuốc trừ sâu, phế thải qua sử dụng tại các khu sản xuất.
Nhờ có những cách làm sáng tạo, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, sự đồng lòng của nhân dân nên sau khi "cán đích" nông thôn mới, xã Báo Đáp không có nợ đọng về xây dựng cơ bản, trong khi các công trình hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, công trình thuỷ lợi... đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chí nông thôn mới. Việc huy động nhân dân đóng góp chủ yếu là ngày công lao động, nguyên vật liệu xây dựng, hiến đất đai, tài sản trên đất... nên không xảy ra tình trạng nợ đọng hoặc huy động quá sức của nhân dân.
Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Báo Đáp đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới
Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Học cho biết thêm: "Xác định rõ việc phấn đấu đạt được tiêu chí nông thôn mới đã khó những việc duy trì giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó hơn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung xác định rõ những việc phải làm một cách cụ thể để làm sao vừa duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng của các tiêu chí, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tranh thủ khai thác tối đa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới".
Đảng bộ tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế là trọng tâm; trong đó, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 40%; công nghiệp, xây dựng chiếm 26%; thương mại, dịch vụ chiếm 34%. Trong phát triển kinh tế giữ vững ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, tăng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã hiện có 173 ha lúa nước, trong đó, có trên 70% diện tích lúa chất lượng cao, năng suất lúa bình quân đạt 52,2 tạ/ha; diện tích ngô gieo trồng trên đất 2 vụ lúa đạt 82 ha; phát triển chăn nuôi gia súc trên 4.400 con, gia cầm trên 30.000 con, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,92% và phấn đấu mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới hiện nay.
Nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đặc biệt quan tâm khuyến khích tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp và hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển. Xã đang có 4 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã; 7 tổ hợp tác xã sản xuất và hơn 300 hộ sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Hiện, Công ty Ngọc Viễn Đông đang đầu tư xây dựng nhà máy tuyển Grafit ở trên địa bàn xã, với số vốn trên 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào sản xuất, nhà máy sẽ thu hút khoảng trên 500 lao động ở địa phương. Lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm chăm lo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Để giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới, trong thời gian tới, xã Báo Đáp tiếp tục tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực trong nhân dân, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng của địa phương nhằm phát triển sản xuất, hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân; thường xuyên rà soát đánh giá các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dưng nông thôn mới, nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn nảy sinh để kịp thời điều chỉnh, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những tiêu chí mới cập chuẩn và khó duy trì như: tiêu chí về môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, tiêu chí về an ninh trật tự...
Với truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã, cùng với những kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Báo Đáp chắc chắn sẽ duy trì giữ vững và là điểm sáng trong phong trào xây dưng nông thôn mới.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Những buổi họp bản, người dân được tiếp thu, bàn bạc, thống nhất việc thực hiện các công trình như mở đường giao thông nông thôn, kiên cố kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thống nhất phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, đến tháng 11 năm 2016, xã Púng Luông đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới.
YBĐT - Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã có những đổi thay rõ rệt. Kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm được đầu tư nâng cấp và xây mới; các vùng chuyên canh tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
YBĐT - Sáng 29/11, UBND huyện Văn Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định của UBND tỉnh công nhận xã Xuân Ái đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.
YBĐT - Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí và phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2017.