Ông Vì Ngọc Chình - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: "Từ xuất phát điểm trong xây dựng NTM và đặc điểm tình hình thực tế ở địa phương, trong bộ 19 tiêu chí NTM thì các tiêu chí như: thu nhập, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm là khó thực hiện hơn cả. Song, với quyết tâm chính trị đạt đúng lộ trình, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã đã nỗ lực cùng nhân dân phấn đấu bằng nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu, kế hoạch từng tiêu chí”.
Năm 2011, xã Nghĩa An mới có hơn 17 km đường trục xã, đường liên thôn bản, đường nội đồng được cứng hóa. Trong 6 năm, xã đã tranh thủ các chính sách của Nhà nước, lồng ghép các nguồn vốn đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất trên 5.000 m2 đất các loại, cây trồng các loại, tự giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, đã mở mới 12 km đường, kiên cố được 10,8 km đường bê tông, 4 cầu bản với tổng kinh phí thực hiện trên 22,7 tỷ đồng; trong đó: vốn nhà nước trên 15,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng.
Nhờ đó, tiêu chí về giao thông không những đạt chuẩn mà nhiều yêu cầu còn vượt so với quy định. Đường trục xã, liên xã, liên thôn 15,6 km đã bê tông 10,6 km - đạt 68% (vượt 18% so với quy định), đảm bảo chiều rộng nền đường từ 5 m trở lên, mặt đường tối thiểu 3 m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Đường ngõ, xóm 9,57 km đã bê tông 5,23 km - đạt 54,6% (vượt 4,6% so với quy định), đảm bảo chiều rộng nền đường từ 4 m trở lên, mặt đường 3 m. 1,9 km đường trục chính nội đồng đã bê tông hoá 1,4 km đạt - 74% (vượt 24% so với quy định).
Thu nhập là một tiêu chí không dễ với nhiều địa phương trong thực hiện NTM. Đối với Nghĩa An, nhiều giải pháp đã được xã triển khai nhằm gia tăng thu nhập cho người dân. Xã đã tập trung vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường đầu ra cho sản phẩm...
Từ năm 2012 đến năm 2016, Nghĩa An đã triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp trên 3,7 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn như: vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hàng năm; hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; nguồn vốn 135... Trong đó, trên 1,2 tỷ đồng nguồn vốn NTM đã hỗ trợ nuôi trâu sinh sản 98 con, nuôi dê sinh sản 9 mô hình, nuôi thỏ 10 mô hình...
Từ các nguồn hỗ trợ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từng bước phát triển, tạo được nhiều việc làm mới và tăng thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2017 đã đạt chuẩn tiêu chí với mức trên 26 triệu đồng/người.
Đối với tiêu chí hộ nghèo, hàng năm, Ban xóa đói giảm nghèo xã phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động trên địa bàn có việc làm, các hộ nghèo được hưởng các chế độ chính sách về các nguồn hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, đào tạo nghề, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển đổi vốn vay ưu đãi.
Ngoài ra, thị xã còn phân công các cơ quan đơn vị trên địa bàn phụ trách, giúp đỡ các hộ thoát nghèo. Năm 2012 hộ nghèo trên địa bàn xã chiếm 54,56%, đến nay giảm xuống còn 11,28% - đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện tiêu chí số 17 - vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, xã thường xuyên chỉ đạo các thôn bản làm tốt công tác bảo vệ môi trường, sử dụng nước hợp vệ sinh; vận động xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, công trình nhà tắm sạch, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang đảm bảo theo phong tục tập quán và vệ sinh môi trường.
Từ năm 2011 đến nay, với nguồn kinh phí 4,1 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ, đã xây dựng công trình cấp nước tập trung tại thôn Nậm Đông 2, đầu tư đường ống, trụ và vòi đến hộ gia đình thôn Bản Vệ, nâng tổng số hộ sử dụng nước sạch từ 456 hộ năm 2011 lên 947 hộ năm 2017 - đạt 85,9%.
Đồng thời, xã cũng tranh thủ các nguồn hỗ trợ cho nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh gia đình. Từ nguồn vốn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, trong các năm từ 2012 đến năm 2015 đã hỗ trợ 266 hộ xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
Từ năm 2011-2017, Ngân hàng Chính sách xã hội cho 414 lượt hộ vay vốn để xây dựng công trình nhà tiêu và bể nước. Ngoài ra, 120 hộ được cấp téc nước theo chính sách hỗ trợ téc nước cho hộ nghèo hàng năm. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn xã đạt 99,3% (trong đó nước sạch đạt 75%). Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 73%.
100% các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Cảnh quan môi trường trên địa bàn xã đảm bảo xanh - sạch - đẹp, an toàn. Việc thực hiện mai táng đảm bảo theo quy định và theo hương ước của địa phương. Nghĩa trang được xây dựng và quản lý theo quy hoạch. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 70%. 100% hộ gia đình sản xuất và cơ sở kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Quá trình xây dựng NTM, để đảm bảo không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản, xã tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình dự án lồng ghép, sự đóng góp của các doanh nghiệp và sự tích cực của nhân dân đóng góp về kinh phí, công lao động, hiến đất, tự giải phóng mặt bằng cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ông Vì Ngọc Chình chia sẻ: "Với bước đi có lộ trình vừa đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ vừa đảm bảo tính ổn định, bền vững phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nên việc xây dựng NTM trên địa bàn xã đã đạt đúng theo lộ trình và không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản".
Trong tháng 10 vừa qua, xã Nghĩa An đã được thẩm định và đề nghị UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cùng với Nghĩa Lợi, Nghĩa An cán đích NTM mới đúng theo lộ trình không những đem lại một diện mạo mới cho xã mà còn góp phần vào những bước đi thành công trong xây dựng NTM mới ở thị xã Nghĩa Lộ.
Hạnh Quyên