Kết thúc năm 2017, Chương trình đã đi được nửa chặng đường với kết quả đáng ghi nhận ở một tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp như Yên Bái.
33 xã đã đạt chuẩn NTM, đã và đang tạo ra những sự đổi thay tích cực, đặc biệt trong sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, nửa hành trình còn lại được dự báo không ít khó khăn, cần có sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, nhất là người dân - một chủ thể trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có định hướng, quy hoạch không rõ ràng, không tổ chức thị trường tiêu thụ dẫn tới được mùa mất giá... là những điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhận diện rõ những tồn tại, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có sự đổi thay toàn diện.
Đặc biệt, sau hơn hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, các xã vùng nông thôn đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật, dự án phát triển sản xuất được đầu tư, không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà còn góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Cái khó khăn nhất là giao thông, nên để hỗ trợ các xã từng bước hoàn thành tiêu chí này, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn, với cơ chế thực hiện là "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Kết quả thực hiện đã hoàn thành việc kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài đạt gần 700 km và mở mới nền đường với chiều dài trên 1.300 km, vượt mục tiêu đề ra. Năm 2017 đã thực hiện được trên 50 công trình, bê tông hóa được hơn 120 km. Việc xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào, được người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia.
Bên cạnh đó, đã sửa chữa, nâng cấp, làm mới 405 công trình thủy lợi, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh có 3.403 công trình thuỷ lợi vừa, nhỏ và công trình tạm, cấp nước tưới cho hơn 17.000 ha lúa vụ đông xuân, 19.598 ha lúa vụ mùa.
Trong đó, có 2.626 công trình có diện tích tưới từ 1 ha trở lên được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần cải tạo môi trường, phát triển giao thông, ổn định sản xuất và đời sống cho nông dân.
Hiện đã có 128 xã (chiếm 81,52% số xã) đạt Tiêu chí số 3 về thủy lợi. Công trình điện thường xuyên được nâng cấp, đầu tư, đến nay có 80% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, 119/157 xã (chiếm 75,8% số xã) đạt Tiêu chí số 4 về Điện.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 63 công trình văn hóa (57 nhà văn hóa thôn, 6 nhà văn hóa xã); 62 công trình thể thao (6 khu thể thao xã và 56 khu thể thao thôn). Trong đó, năm 2017 xây mới 12 nhà văn hóa xã, 37 nhà văn hóa thôn, và 06 khu thể thao xã, xây dựng 01 trung tâm văn hóa du lịch cộng đồng tại bản Sà Rèn xã Nghĩa Lợi với tổng kinh phí là 5.500 triệu đồng. Hệ thống trường học, lớp học cơ bản được xây dựng khang trang, mạng lưới y tế xã được phủ khắp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu.
Cái được lớn hơn cả là Chương trình XDNTM đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp được thường xuyên, liên tục, đi vào kết quả thực chất; nhận thức của người dân, của cộng đồng đang có sự thay đổi và đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào XDNTM. Đã xác định được rõ phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Đặc biệt, đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường có hiệu quả như: Mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau sạch, mô hình trồng tre măng Bát độ... Nhờ vậy, đời sống nhân dân trên địa bàn cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%.
Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn NTM và 3 xã đã thẩm định xong, đưa số xã toàn tỉnh đạt chuẩn NTM lên 33 xã; 5 xã đạt 16 -18 tiêu chí, 37 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 71 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 8 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đã lựa chọn được 05 xã thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017-2019 gồm các xã: Việt Thành (Trấn Yên), Liễu Đô (Lục Yên), Đông Cuông (Văn Yên), Thượng Bằng La (Văn Chấn) và Đại Minh (Yên Bình).
Tỉnh phấn đấu trong năm 2018 có 15 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có 75 xã đạt chuẩn và huyện Trấn Yên đạt huyện NTM. Đây là mục tiêu không quá khó khi phong trào XDNTM đã và đang lan tỏa khắp các vùng quê, nhưng cũng sẽ khó hoàn thành nếu như các địa phương không có giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn tăng thu nhập cho người dân, thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Triển khai thực hiện hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, kinh tế trang trại. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện cụ thể và lợi thế sản xuất của từng nơi.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất (cây ăn quả có múi, tre măng Bát độ, Sơn tra...) cho phù hợp với thực tiễn đặt ra. Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM trong giai đoạn. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ XDNTM các cấp, nhất là cán bộ cấp xã và thôn, bản.
Ngọc Trúc