Sau 8 năm, cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2018 | 3:31:05 PM
Ngày 27/7, tại Điện Biên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị về xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Văn phòng điều phối nông thôn mới, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của gần 40 tỉnh, thành trên cả nước dự hội nghị.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hội nghị là dịp để đánh giá thực trạng xây dựng nông thôn mới, tìm giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ cho các đặc biệt khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Những kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới tại hội nghị là cơ sở quan trọng để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhất là thống nhất, lồng ghép các hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn lực khác để tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn thực hiện nông thôn mới.
Nhất trí với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng "Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020," Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý 3/2018.
Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án triển khai tại địa phương để tập trung đầu tư cho các thôn, bản thực hiện các mục tiêu của Đề án; tiếp tục triển khai hiệu và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế một cách bền vững, đồng thời phải gắn liền phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái, mô hình làng du lịch văn hóa cộng đồng; chủ động lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn vốn để hỗ trợ cho các thôn, bản, tránh đầu tư dàn trải, chồng chéo, kém hiệu quả.
Đối với các tỉnh không thuộc phạm vi Đề án, cần chủ động vận dụng các nội dung và cơ chế, chính sách của Đề án để áp dụng hỗ trợ các thôn, bản thuộc các xã dưới 10 tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, làm cơ sở để triển khai và nhân rộng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh nông thôn mới là một cuộc cách mạng to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với "tam nông,” tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc tập trung hỗ trợ cho các thôn, bản của các xã khó khăn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chính sách quan trọng, giúp nâng cao điều kiện sống của người dân vùng khó khăn và góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền.
Tại hội nghị, hơn 20 tham luận của các bộ, ngành Trung ương, địa phương đã được trình bày, nội dung trọng tâm nhằm tháo những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương do những đặc thù vùng miền, đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả, thực tế ở mỗi địa bàn.
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới, cả nước có 3.370 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn thấp khi còn 46 tỉnh với gần 2.140 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn, 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Các tiêu chí thiết yếu phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân và điều kiện hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều khó khăn, sinh kế thiếu bền vững...
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, phạm vi "Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020” sẽ hỗ trợ cho khoảng hơn 3.500 thôn, bản, ấp của hơn 360 xã khó khăn đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới của 35 tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6-1,8 lần so với năm 2015, cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3 đến 4% bình quân hàng năm...
Để thực hiện các nội dung này, giai đoạn 2016-2020 các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi Đề án sẽ được hỗ trợ trực tiếp khoảng 1.400 tỷ đồng vốn phát triển, trích trong tổng số 10% vốn dự phòng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã huy động được trên 60 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự đầu tư và đóng góp ngày công, tiền mặt với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng.
YBĐT - Xã Đại Đồng, huyện Yên Bình có 922 hộ dân, đời sống kinh tế chủ yếu là thâm canh lúa nước, kinh tế đồi rừng, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ.
YBĐT - Ra mắt xã nông thôn mới (NTM) vào 21/7 này, Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ hào hứng đón NTM sau 7 năm thực hiện từ khi được chọn làm một trong những xã điểm xây dựng NTM của tỉnh.
YBĐT - Với phương châm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hiệu quả, vững chắc, các xã đã đạt chuẩn đang nỗ lực nâng cao các tiêu chí; trong đó, trọng tâm là tiêu chí thu nhập và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đưa đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn cao hơn.