Hôm nay, đến các xã NTM của huyện Trấn Yên từ Tân Đồng, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp đến vùng đất Chiến khu Vần, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo thôn quê. Nhớ lại, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Trấn Yên có xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã chỉ có 4- 5 tiêu chí, toàn huyện có 22 xã thì có 6 xã, 46 thôn bản đặc biệt khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%...
Với quyết tâm cao và bằng nhiều cách làm sáng tạo, Trấn Yên đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái cũng như của Tây Bắc đạt chuẩn NTM.
Giữ vững quan điểm "không dừng lại, không kết thúc”, huyện Trấn Yên đã tập trung củng cố, nâng cao các tiêu chí. Trong đó, xác định tập trung xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là cơ sở tiền đề vững chắc để Trấn Yên thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí bền vững; xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Đến nay, Trấn Yên đã xây dựng được 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao gồm: Việt Thành, Minh Quán, Nga Quán, Bảo Hưng, Tân Đồng và 73 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn Trấn Yên đã thay đổi căn bản, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, với quan điểm xây dựng NTM không chỉ là nâng cấp về cơ sở hạ tầng "điện, đường, trường, trạm” ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết phải là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện chỉ đạo mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết bền vững trong sản xuất như vùng tre Bát độ, vùng quế, vùng chè chất lượng cao, vùng trồng dâu, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả có múi 1.135 ha tại các xã phía Tây của huyện. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với NTM tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực”.
Với hướng đi đó, đến nay, Trấn Yên là địa phương dẫn đầu của tỉnh về xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm như: chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà Minh Dư thương phẩm; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát độ Trấn Yên; chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm; chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ Trấn Yên.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” - (OCOP), huyện đã có 24 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu như: sản phẩm măng tre Bát độ Hồng Ca, chè Bát tiên Hưng Khánh, nước tinh khiết Việt Hồng...
Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã góp phần nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn Trấn Yên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong huyện đạt 43,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 97%. Kết quả trong xây dựng NTM đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn huyện Trấn Yên.
Năm 2022, huyện Trấn Yên thực hiện duy trì 100% số xã NTM; phấn đấu thực hiện hoàn thành 4 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao và công nhận 25 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là tiền đề để năm 2025, Trấn Yên hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu và được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hóa.
Văn Thông