Từ nhiều năm nay, đều đặn 1 tháng 2 lần, mỗi khi làm cỏ cho vườn bưởi thì bà Trần Thị Loan, thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình lại dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cho tuyến đường hoa đi qua khuôn viên của gia đình. Đây là việc làm thường xuyên của gia đình bà cũng như hàng trăm hộ dân nơi đây để xây dựng và duy trì tuyến đường hoa.
"Năm 2015, sau khi Nhà nước có chủ trương kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã đồng thuận hiến trên 200 m2 đất và đóng góp thêm ngày công, tiền mặt để thi công tuyến đường này. Thông qua XDNTM, tôi thấy người dân ai cũng trách nhiệm hơn, tham gia nhiệt tình các phần việc từ hiến đất làm đường đến vệ sinh đường làng, ngõ xóm và tích cực phát triển kinh tế gia đình” - bà Loan chia sẻ.
Theo Trưởng thôn Cầu Mơ Trần Thị Nguyên, không chỉ có gia đình bà Loan mà gần 170 hộ dân trong thôn đều tích cực tham gia vệ sinh, làm cỏ và trồng hoa cho các tuyến đường giao thông nông thôn. Nhờ sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động từ làm đường, nhà văn hóa đến phát triển kinh tế nên năm 2016, Cầu Mơ đã cán đích thôn NTM và đến năm 2021 là thôn NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, 100% hộ dân đã có nhà xây kiên cố; trong đó, có khoảng 50% nhà xây kiểu biệt thự.
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh khẳng định: "Nếu không có người dân thì địa phương không có thành quả NTM như hiện nay. Vai trò chủ thể, trung tâm của người dân trong XDNTM được thể hiện ở chỗ mọi công việc đều triển khai đến người dân, dân được biết, được bàn, hưởng ứng và thực hiện góp công, góp của để triển khai.
Nhờ đó, từ XDNTM, đời sống của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa được củng cố; 100% các tuyến đường liên thôn được kiên cố hóa, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/người/năm”. Sự vào cuộc, chung tay, chung sức trong mọi hoạt động XDNTM của người dân huyện Yên Bình đã tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn nơi đây. Kết thúc năm 2021, toàn huyện có 18/22 xã về đích NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14%, cận nghèo 8,54% (theo tiêu chí mới).
Cùng với huyện Yên Bình, phong trào XDNTM đã lan tỏa rộng khắp tới các địa phương; trong đó, vai trò chủ thể của người dân được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: là nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và các hoạt động dịch vụ; nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; trực tiếp xây dựng, bảo vệ và hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa phong phú…, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Ghi nhận tại huyện Văn Yên, kết thúc năm 2021, có 15/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21 thôn đạt chuẩn NTM và 10 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã. Để có được kết quả đó, trong quá trình triển khai, các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để phát huy vai trò chủ thể của người dân như: phong trào "Ngày thứ Bảy cùng dân”; "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”; phong trào dịch rào, hiến đất mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông gắn với phong trào lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống...
Tính riêng từ đầu năm đến nay, qua triển khai đã vận động nhân dân dịch rào, hiến đất, toàn huyện mở rộng được 28,5 km đường giao thông nông thôn (đường ngõ, xóm) với tổng diện tích 73.459 m2 đất, phá bỏ 4.647 m2 tường rào và 29.285 cây trồng các loại.
Trong đó, tiêu biểu như xã Đại Sơn thực hiện 8 km chiều dài, 16.000 m2 đất; xã Tân Hợp thực hiện 5,5 km chiều dài, 28.218 m2 đất; xã Lang Thíp thực hiện 2,6 km chiều dài, 6.320 m2 đất; xã Đông Cuông thực hiện 2,0 km chiều dài, 4.800 m2 đất.
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Huyện luôn xác định người dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM, vì vậy, việc triển khai các dự án, phần việc trong xây dựng NTM luôn đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Ở các thôn, bản đều thành lập ban phát triển thôn, bản để phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Văn Yên sớm trở thành huyện NTM vào năm 2024”.
Nông dân huyện Trấn Yên đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Lấy người dân làm chủ thể XDNTM, các địa phương đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho người dân thi đua sản xuất, kinh doanh và làm giàu ngay tại quê hương. Nhờ đó, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng chục nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Tính riêng năm 2021, có 39.622 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có nhiều mô hình nông dân tiêu biểu trong liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 150 triệu đồng đến trên 300 triệu đồng/năm.
Qua phong trào này, người dân đã có bước chuyển biến rõ nét trong phương thức sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, người dân từ vùng thấp đến vùng cao có điều kiện đóng góp và tích cực tham gia trong XDNTM.
Có thể thấy, vai trò chủ thể của mỗi người dân Yên Bái trong XDNTM được thể hiện đầy đủ trong phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Điều đó có nghĩa là người dân được hiểu đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình, được cung cấp đầy đủ thông tin về XDNTM; được tham gia ý kiến liên quan các công việc, phần việc XDNTM. Đi liền với đó, người dân còn tham gia lao động trực tiếp và đóng góp bằng trí tuệ, vật chất, tiền bạc, đồng thời tham gia giám sát và đánh giá để nâng cao hiệu quả, chất lượng công trình trong XDNTM.
Theo thống kê, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có trên 6.000 lượt hộ hội viên nông dân hiến 500.000 m2 đất, đóng góp ủng hộ gần 1 triệu ngày công lao động, trên 350 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa, rải cấp phối, bê tông hóa trên 700 km đường giao thông liên thôn bản, đường làng, ngõ xóm, hơn 100 công trình kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, sân chơi sinh hoạt văn hóa thể thao của thôn, bản; đóng góp vật liệu, ngày công giúp trên 520 hộ nghèo làm nhà ở; xây dựng trên 60 tuyến đường tự quản, 65 tuyến đường thắp sáng đường quê...
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: "Chính sự tham gia của người dân và cộng đồng đã đưa chương trình XDNTM của tỉnh đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân địa phương. Phát huy nội lực, tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương và người dân trong XDNTM chính là yếu tố đảm bảo tính bền vững, lâu dài của chương trình”.
Hùng Cường - Hồng Duyên
(Bài cuối: Hành trình không có điểm kết thúc)