Hàng năm, trên cơ sở quy định về tỷ lệ thôn, bản, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa theo bộ tiêu chí công nhận nông thôn mới, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp đẩy mạnh triển khai lồng ghép Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong mọi hoạt động.
Trong đó quan tâm, chú trọng xây dựng các quy ước, hương ước, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới; rà soát hệ thống thiết chế nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh để báo cáo tham mưu với UBND tỉnh các chính sách, cơ chế thúc đẩy hiệu quả hoạt động của thiết chế này.
Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền lưu động được tổ chức thường xuyên, bám sát, hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.500 đội văn nghệ quần chúng với hàng chục nghìn diễn viên không chuyên.
Xã Y Can, huyện Trấn Yên là một trong những xã sớm cán đích nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ về việc triển khai các hoạt động văn hóa để hoàn thành các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Văn Trình - Bí thư Đảng ủy xã Y Can cho biết: "Để làm tốt việc này, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền. Khi người dân đã hiểu, đồng thuận thì việc gì cũng thành công. Đến nay, sau 5 năm được công nhận xã nông thôn mới, Y Can có 12/12 thôn, 94,46% hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”, 90% hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục, giai đoạn 2020 - 2022, 50% thôn được tặng giấy khen thôn văn hóa 5 năm liên tục, xã không xảy ra các vụ bạo lực gia đình có tính chất nổi cộm”.
Bên cạnh đó, góp phần hoàn thành thắng lợi tiêu chí văn hóa, nhanh chóng đưa các địa phương cán đích nông thôn mới, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Riêng nửa đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, kế hoạch quan trọng như: Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Kế hoạch về việc tham gia Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ I, năm 2023…
Không chỉ vậy, chung tay hoàn thành tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã nỗ lực xếp hạng được 132 di tích lịch sử - văn hóa, 574 di sản văn hóa phi vật thể; góp phần đưa di sản
nghệ thuật xòe Thái ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thêm 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các loại hình văn nghệ dân gian được giữ gìn cùng các sinh hoạt, tập tục, lễ hội truyền thống được lưu truyền, phục dựng.
Để văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần trong xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hóa truyền thống, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả, thời gian tới, Yên Bái tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về lĩnh vực văn hóa đến từng địa phương; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới; củng cố, nâng cao chất lượng các danh hiệu đạt chuẩn văn hóa gắn với khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…
Lê Thương