Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí 11: Cần sự hợp lực từ nhiều phía
- Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2012 | 2:56:24 PM
YBĐT - Hầu hết các địa phương được tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cho rằng, việc thực hiện tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí thứ 11) là một trong những tiêu chí khó khăn hàng đầu. Dẫu vậy, nhận thức chung của lãnh đạo cơ sở cũng như người dân đều xác định đây là một trong những tiêu chí cốt lõi tạo nên bộ mặt NTM cần phải đạt được và cần có một tinh thần quyết tâm cao từ nhiều phía.
Sở dĩ tiêu chí giảm tỷ lệ hộ nghèo gặp khó khăn là do các xã được tỉnh Yên Bái cùng các địa phương chọn làm mô hình điểm XDNTM hầu hết là những xã có nhiều dân tộc cùng chung sống, dân trí không đồng đều, kinh tế thuần nông. Vì thế, đến hết năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh vẫn ở mức 32,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo cũng khá lớn.
Đặc biệt, đối với hai huyện có đông đồng bào Mông sinh sống là Mù Cang Chải, Trạm Tấu nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước thì tỷ lệ hộ nghèo hiện đang ở mức từ 60 đến trên 70%. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu giảm hộ nghèo xuống dưới 10% đối với những xã được chọn làm điểm XDNTM cũng có những thuận lợi do hầu hết những xã này vốn có truyền thống đi đầu và năng động trong phát triển kinh tế, xã hội, mặt bằng dân trí khá đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cơ bản nằm ở mức bình quân chung toàn tỉnh. Hoặc đối với các xã XDNTM thuộc địa bàn thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên thì tỷ lệ hộ nghèo phổ biến ở hai mức từ 10% đến 20%.
Điểm thuận lợi nữa là trong đề án XDNTM, các địa phương đều xây dựng được các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo rất cụ thể như: tranh thủ những lợi thế mang tính đặc thù để phát triển mô hình kinh tế mũi nhọn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quan tâm việc dạy nghề, mở mang ngành nghề, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Cùng với các giải pháp có tính đồng bộ, người dân ở các địa phương được chọn làm điểm cũng có tinh thần quyết tâm cao trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo. XDNTM mà tỷ lệ hộ nghèo không giảm xuống dưới 10% thì mục tiêu của chương trình quốc gia này coi như chưa thành công. Hơn nữa, dựa theo tiêu chí mới về hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 là những hộ có thu nhập dưới 400 nghìn đồng/người/tháng và dưới 500 nghìn đồng/người/tháng đối với hộ thành thị không phải là rào cản quá lớn không thể thực hiện được.
Chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh Yên Bái mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 4% cũng không phải là chỉ tiêu quá cao. Do đó, có những địa phương mô hình XDNTM như xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), xã Phù Nham (Văn Chấn)... đang hướng tới mức phấn đấu cao hơn. Do đó, các xã điểm XDNTM hiện đang có tỷ lệ hộ nghèo ngang mức bình quân chung toàn tỉnh chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% theo lộ trình từ nay đến 2020.
Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí này, đòi hỏi phải có sự hợp lực rất cao từ phía như hệ thống cơ chế chính sách của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp cần có quyết tâm cao trong triển khai thực hiện và nông dân phải có sự đồng thuận. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc giảm tỷ lệ hộ nghèo phải đi đôi với xóa nghèo bền vững, giảm mạnh tỷ lệ hộ cận nghèo, hộ có nguy cơ tái nghèo.
Các địa phương không nằm trong mô hình điểm XDNTM cũng cần sẵn sàng xây dựng các điều kiện và từng bước đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo để khi chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM được triển khai đại trà sẽ thuận lợi hơn và mau chóng khẳng định kết quả.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Chiều 19-6, BCĐ TƯ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết tháng 6-2012.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
YBĐT - Ngày 12/6, Báo Yên Bái tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề :" Nâng cao chất lượng tuyên truyền xây dựng nông thôn mới" trên các ấn phẩm của Báo Yên Bái.
YBĐT - Trong xây dựng nông thôn mới, có lẽ khó khăn nhất là việc huy động nguồn lực trong dân để phát triển cơ sở hạ tầng. Từ thực tế huy động sức dân tại thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái và Thoóc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên sẽ là kinh nghiệm để nhiều địa phương tham khảo.