Vui xuân trên những con đường mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/1/2013 | 3:04:35 PM

YBĐT - Đề án cứng hóa giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh triển khai trong năm qua được đánh giá đạt nhiều hiệu quả tích cực trong việc huy động sức dân. Cùng với đó, các dự án lồng ghép cứng hóa GTNT đã khơi rộng phong trào tới tận các thôn, xóm khắp địa bàn trong tỉnh, từng bước đưa bộ mặt nông thôn thay đổi một cách rõ rệt.

Vui đến trường trên những con đường bê tông.
Vui đến trường trên những con đường bê tông.

Đứng trên con đường bê tông dài hàng trăm mét trong thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, nhìn cảnh bà con hồ hởi kéo xe bò chất đầy ngô đông ngoài ruộng về một cách nhẹ nhàng, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng thôn cho biết: “Con đường này từ dài hơn 800m, trước đây, mỗi khi trời mưa là như thách đố người qua lại, nhất là những lúc mùa vụ, thu hoạch ngô, khoai, thóc lúa, con đường là trở ngại lớn nhất. Giờ trục đường này đã được bê tông hóa nhờ sự đầu tư của Nhà nước và công sức đóng góp của người dân”.

Hơn ai hết, chính những người dân vùng khó khăn mới thấu hiểu giá trị của việc cứng hoá GTNT đem lại. Cũng theo bà Hương, dù khó khăn nhưng với người dân nơi đây, nếu được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư xi măng, bà con trong xã sẽ hưởng ứng nhiệt tình, sẵn sàng bỏ công, bỏ sức để cứng hóa hết đường GTNT trong các ngõ xóm.

Lục Yên - một huyện nhiều năm liền có phong trào phát triển GTNT rất mạnh, năm 2012, Đề án phát triển GTNT như một đòn bẩy để huyện tiếp tục tăng tốc phong trào. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, năm 2012 thực hiện Đề án phát triển GTNT, toàn huyện đã đầu tư thực hiện 39 công trình, trong đó mở mới các tuyến đường đất thôn, bản 12 công trình với chiều dài 20km; bê tông hóa 27 công trình, chiều dài 22,8km.

Điều đáng nói, trong khi tổng kinh phí thực hiện đề án cứng hóa GTNT của Lục Yên trong năm 2012 ngoài các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, phần huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân bằng công lao động, vật liệu khai thác tại địa phương đạt giá trị 18 tỷ đồng. Đặc biệt tất cả các công trình đều không phải đền bù giải phóng mặt bằng mà người dân tự nguyện hiến đất, tự chặt cây cối, hoa mầu, dỡ bỏ các công trình nằm trên tuyến để công tác thi công thuận lợi.

Mai Sơn là xã điển hình của huyện trong công tác vận động, tuyên truyền. Hết năm 2012, xã đã vận động người dân giải phóng mặt bằng toàn bộ 18km theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới, trong đó đã kiên cố hóa được 5km. Những năm tới chỉ chờ nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ, người dân sẵn sàng đóng góp để kiên cố hóa toàn bộ các tuyến đường liên thôn.

Nói về kinh nghiệm trong công tác vận động, ông Hà Xuân Hịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi xác định năm 2012 là năm giải phóng mặt bằng các tuyến đường liên thôn, làm cơ sở để chuẩn bị nền đường tạo thuận lợi cho việc kiên cố hóa trong những năm tới. Chính vì thế, từ đầu năm, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển GTNT. Công tác giải phóng mặt bằng được giao về cho các đoàn thể thôn, bản. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, nếu vướng mắc ở đâu thì tất cả chính quyền, đoàn thể của thôn, bản cùng tập trung bàn cách giải quyết. Nhờ giải quyết dứt điểm một cách hợp tình, hợp lý, chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó lan tỏa thành phong trào hiến đất mở đường mạnh mẽ”.

Trong quá trình tiển khai cứng hóa đường GTNT tại huyện Lục Yên, nhiều hộ gia đình đã tình nguyện hiến đất ở và đất vườn tạo điều kiện cho thi công đường GTNT. Điển hình như hộ gia đình ông Hoàng Trung Kiên, thôn Sơn Đông, xã Mai Sơn, trong năm 2012 đã tình nguyện hiến 200m2 đất vườn và nhiều cây cối, hoa mầu; ông Hoàng Văn Chí thôn Sơn Nam hiến 700m2; bà Hà Thị Thu thôn Sơn Nam hiến 2 sào đất ruộng... Nhờ vậy, công trình cứng hoá GTNT đảm bảo đúng quy mô, mỹ thuật, kỹ thuật và chất lượng công trình.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, năm 2012, thực hiện Đề án cứng hóa GTNT, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 100km. Trên phạm vi cả tỉnh, hệ thống đường GTNT nội xã có khoảng gần 5.800km đường đất, cấp phối, đây vẫn còn là khó khăn nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Đặc biệt, hiện nay, theo tiêu chí nông thôn mới, mặt đường cứng hóa mở rộng hơn so với trước đây, đạt từ 3 - 3,5m; ngoài ra, một số tuyến đường quá dài, trong khi đó tỷ lệ người dân sinh sống thưa thớt, nếu đóng góp nhiều cũng là khó khăn cho người dân. Để từng bước khắc phục và đảm bảo đầu tư hạ tầng GTNT hiệu quả, vai trò lồng ghép các dự án là hết sức quan trọng.

Cùng đó, việc huy động sức dân và động viên nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, ứng mặt bằng là những yếu tố hết sức cần thiết cho công cuộc phát triển hạ tầng GTNT lâu dài trên địa bàn tỉnh.

 Anh Dũng

Các tin khác
Nhịp sống mới trên đường làng ở Lục Yên.

YBĐT - Là địa bàn có nhiều dân tộc chung sống và không phải điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội thuận lợi hơn ở các địa phương khác, song nhiều năm nay Lục Yên luôn là địa phương đi đầu trong xây dựng giao thông nông thôn.

Những cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa của Văn Yên.

YBĐT - Đoàn kết, đổi mới phương thức hoạt động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đưa vào kế hoạch hoạt động của Hội đến năm 2017. Đây là những mục tiêu chính giúp hội viên từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nông dân xã Nghĩa Lợi thâm canh tăng vụ phát triển kinh tế.
(Ảnh: Pa Ri)

YBĐT - Kết quả xã Nghĩa An có 4 tiêu chí, Nghĩa Phúc có 3 tiêu chí, Nghĩa Lợi có 2 tiêu chí đạt 100%; Nghĩa An có 3 tiêu chí, Nghĩa Phúc có 4 tiêu chí, Nghĩa Lợi có 3 tiêu chí đạt trên 70%.

Người dân xã Mai Sơn (Lục Yên) tham gia làm đường
giao thông nông thôn.

YBĐT - Tuy mới triển khai thực hiện được hơn một năm, nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nhân dân còn hạn hẹp nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới đã có sức lan toả mạnh mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục