Nghĩa Lộ làm du lịch
- Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2013 | 9:09:19 AM
YBĐT - Sau 10 năm thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa, Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã không ngừng phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó rõ nét nhất là việc hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, các tour, tuyến du lịch.
Khách du lịch sinh hoạt tại nhà chị Lường Thị Hồng Chung, xã Nghĩa Lợi.
|
Việc phát triển du lịch đã tạo ra những đột phá trong nhận thức của người dân, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và trong bảo tồn, giữ gìn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra cơ sở tiền đề để Nghĩa Lộ triển khai Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2013 -2020.
Trong tuần văn hóa, thể thao và du lịch Nghĩa Lộ năm 2013, gia đình Chị Lường Thị Hồng Chung - Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi đã đón 400 lượt du khách trong và ngoài nước, đặt trọn gói từ ngủ, nghỉ đến ăn uống và đi du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa của Nghĩa Lộ, tìm hiểu nét sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Anh Khổng Tuấn Minh ở Vĩnh Phúc là khách du lịch lần đầu tiên đến Nghĩa Lộ cho biết bản thân anh cũng như khách du lịch thích nhất là được nghỉ trên nhà sàn với những chiếc đệm bông lau, chăn thổ cẩm; được trực tiếp xem, thậm chí cùng gia đình chế biến các món ăn của dân tộc Thái như làm xôi ngũ sắc, nướng cá, nướng thịt; khi ăn cơm có các cô gái Thái mời rượu và được xem các điệu múa đặc sắc rồi hòa mình vào điệu xòe - một điệu dân vũ mà du khách nào cũng có thể tham gia và cảm nhận được nét văn hóa riêng có của người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Vào ngày thường, bình quân mỗi tháng gia đình chị Chung đón trên 250 lượt khách, phần lớn là khách nước ngoài. Chị đã trực tiếp liên hệ và là thành viên của Công ty Du lịch Á Châu. Nhờ đó khi có khách tuyến Tây Bắc chọn Nghĩa Lộ - Mường Lò là Công ty đặt khách nghỉ tại gia đình chị. Nhờ sự chu đáo và biết khai thác các bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình trong văn hóa, văn nghệ, trong ẩm thực, mô hình dịch vụ du lịch của gia đình chị ngày càng có uy tín.
Chị Chung, dự định tiếp tục mở rộng mô hình dịch vụ du lịch, đầu tư làm thêm nhà cửa, nâng cao chất lượng phục vụ để ngày càng thu hút nhiều hơn khách du lịch, tạo việc làm cho nhiều chị em trong thôn bản, đội văn nghệ cũng có thêm nguồn thu nhập, đồng thời tuyên truyền vận động để các hộ làm theo.
Nghĩa Lộ đã khôi phục và bảo tồn thành công 6 điệu xòe cổ. Ảnh: 6 điệu xòe cổ được trình diễn trong màn đại xòe giành Kỷ lục Guiness mới đây.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có khoảng 20 hộ gia đình ở xã Nghĩa Lợi, phường Tân An, xã Nghĩa An mạnh dạn đầu tư làm du lịch đã thu hút nhiều du khách. Điều đó cho thấy những đột phá trong nhận thức của người dân: các hộ đã chủ động phát huy nội lực đầu tư làm nhà cửa, các công trình phụ để làm du lịch. Và một điều dễ nhận thấy từ khi làm du lịch, các bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn nhờ xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng các công trình hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tạo cho du khách cảm nhận được sự thanh bình, trong lành và thân tình khi đi tham quan các bản làng.
Đặc biệt các hộ dân nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc mình để khai thác các giá trị văn hóa đó làm du lịch. Thị xã cũng như các xã, phường quan tâm khôi phục các lễ hội của dân tộc Thái như: Hạn khuống, Xên bản, xên mường..., phát triển các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tại mỗi thôn bản đều thành lập một đội văn nghệ, trong đó truyền dạy các điệu múa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, các bài khắp, cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Người dân có ý thức hơn trong việc học chữ Thái cổ, giữ gìn những nét văn hóa trong sinh hoạt đời thường, phong tục, tập quán và những nét văn hóa ẩm thực của dân tộc mình.
Nghĩa An là địa phương đi đầu và có nhiều kinh nghiệm trong làm du lịch. Xã có nhà văn hóa du lịch cộng đồng, có làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và khu du lịch sinh Thái Nậm Đông. Do đó bình quân mỗi năm Nghĩa An đón trên 3.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Để phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng, xã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và tập huấn cho các hộ dân nghiệp vụ làm du lịch.
Từ năm 2004, xã đã triển khai dự án làng nghề, trong đó có 42 hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để bó và láng hè, đầu tư khung dệt nhằm phát triển làng nghề dệt truyền thống, thu hút khách tham quan và tiêu thụ sản phẩm đem lại lợi nhuận trực tiếp cho người dân. Ngoài ra, xã còn triển khai chương trình hỗ trợ 10nhà xây dựng công trình vệ sinh tự hoại đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường phục vụ khách nghỉ, nhờ đó Nghĩa An vẫn luôn là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn và hiệu quả.
Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Từ phát triển mô hình du lịch cộng đồng mà Nghĩa An đã có những đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ một xã có đến 96% người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp thì đến nay ngành dịch vụ du lịch của xã đã chiếm gần 10% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập của người dân từ 3 triệu đồng/năm 2004 đến năm 2012 đạt 18 triệu đồng/người/năm”.
Với lợi thế trung tâm thương mại - dịch vụ phía Tây của tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ có 12 khách sạn, nhà nghỉ và 280 cửa hàng, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bình quân mỗi năm thị xã đón trên 30 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế bình quân của thị xã trong 10 năm qua đạt gần 15%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, trong đó ngành thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2012, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 59%, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng, gấp 4,3 lần so với năm 2004. Đây chính là cơ sở tiền đề để Nghĩa Lộ thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch giai đoạn 2013 - 2020.
Nghĩa Lộ thu hút du khách bằng các nghề dệt truyền thống.
Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tập trung nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 đạt bộ tiêu chí thị xã văn hóa - du lịch, xây dựng thị xã trở thành trung tâm văn hóa - thương mại - dịch vụ - du lịch, hướng tới xây dựng Nghĩa Lộ trở thành đô thị loại 3 vào năm 2030.
Hướng phát triển du lịch của thị xã là du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa và du lịch sinh thái, khuyến khích phát triển hình thức du lịch cộng đồng, du lịch hội nghị, hội thảo, phấn đấu đến năm 2020 đón và phục vụ 60 nghìn lượt khách du lịch, thị xã có 40 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn; xây dựng, bảo tồn 5 làng, bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; 100% thôn, bản có đội văn nghệ quần chúng.
Để Nghĩa Lộ thực sự là điểm đến hấp dẫn du khách, ông Đỗ Quang Minh - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Trong thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tập trung định hướng, hỗ trợ các hộ dân làm du lịch cộng đồng; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư xây dựng các mô hình du lịch sinh thái như đồi Pú Lo, Nghĩa Lộ đồi, rừng Nậm Đông...; tôn tạo nâng cấp các khu di tích lịch sử như Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ; liên kết với các huyện thành lập các tour, tuyến du lịch; điều đặc biệt quan trọng là giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây như 6 điệu xòe cổ...”.
Nghĩa Lộ hôm nay đang chuyển mình đi lên nhờ khai thác tiềm năng du lịch, giá trị văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc nơi đây, tạo ra thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao nhận thức về mọi mặt của người dân, đưa Nghĩa Lộ thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thu Hằng
Các tin khác
Sau cơn mưa chiều lành lạnh, không gì thích hợp và ngon miệng bằng khi được quây quần bên bạn bè, cùng thưởng thức hương vị nóng ấm của những nồi lẩu bốc khói.
Nằm cạnh hồ Tuyền Lâm, Thiền viện là điểm tham quan yêu thích khi du khách đến với thành phố mộng mơ, là nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy những phút giây lắng đọng trong tâm hồn như ở chốn hư không, thanh khiết.
Namibia là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu vẻ đẹp thiên nhiên, thích chiêm ngưỡng cảnh tượng hùng vĩ của những cồn cát cao ngất trời, của thế giới động vật hoang dã vô cùng quý hiếm.
Gắn liền với câu hát về chú voi con, Bản Đôn là vùng đất nổi tiếng với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Bởi vậy, ngoài thăm thú cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đừng bỏ lỡ cơ hội cưỡi voi thong dong khắp các buôn làng.