Tết Ét Đông của người Jơ Lâng ở bắc Tây Nguyên

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2013 | 2:35:27 PM

Trong hai ngày 14 và 15-10, hàng trăm người dân ở làng Kon Brap Du, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã tưng bừng vui Tết Et Đông (Tết ăn con Dúi) theo phong tục của người Jơ Lâng - một nhánh của dân tộc Ba na.

Tết Ét Đông được người Jơ Lâng tổ chức vào đầu tháng 10 dương lịch hằng năm. Đây là thời điểm sau khi đã gieo hạt lúa, làm cỏ đợt 1, cây lúa trên nương rẫy bắt đầu bén rễ phát triển, cũng là lúc dân làng làm lễ “báo cáo” với Giàng kết thúc năm cũ (được tính theo mùa rẫy) và xin Giàng phù hộ cho một năm mới mùa màng tốt tươi dân làng đoàn kết và no ấm trong năm sau.

Tết Ét Đông được bà con Jơ Lâng tổ chức tại nhà rông của làng vào lúc bắt đầu mặt trời mọc.

Trước khi được tổ chức tại nhà rông, từ tinh mơ, các gia đình tự tổ chức cúng Tết tại gia của mình.

Lễ vật cúng ít nhất phải có một con dúi và một ghè rượu.

Theo quan niệm của người Jơ Lâng: Dúi là con vật hiền lành, không phá hoại mùa màng. Là con vật chỉ ăn rễ cây le và một số rễ cây rừng khác nên thức ăn của loài dúi dồi dào không bao giờ hết. Vì vậy chọn con Dúi làm vật hiến sinh, người Jơ Lâng muốn gửi mong ước của mình được luôn luôn đầy đủ, sung túc.

Theo ông A Jing Đeng (thôn trưởng thôn Kon BRap Du), hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ còn khoảng sáu làng giữ được phong tục Tết Ét Đông theo đúng truyền thống của người Jơ Lâng (Ba Nar). Trước đây, Tết Ét Đoong thường được tổ chức trong thời gian bảy ngày (thời gian làm đường vào nương, rẫy, trang hoàng nhà rông) nhưng hiện nay dân làng chỉ tổ chức trong khoảng 2-3 ngày (vì đường vào rẫy bây giờ không cần thiết phải làm). Tùy thuộc và từng làng, mà già làng họp dân để chọn ngày làm lễ. Tuy nhiên bắt buộc phải được tổ chức trong tháng 10 dương lịch.

Khi bắt đầu mặt trời mọc, già làng ra nhà rông đánh một hồi trống báo hiệu cho dân làng biết đã đến giờ hành lễ.

Khi có hiệu lệnh, các gia đình trong làng lũ lượt mang lễ vật gồm một ghè rượu và một con dúi đã được luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu. Trên đầu que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong, trên cây que còn có biểu tượng của cây cung “để xua đuổi những điều không may mắn”, một ít bông gòn “cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ” ngoài ra còn có những biểu tượng của bông lúa... Bên cạnh đó, họ cũng chuẩn bị một cây cỏ tranh bỏ vào ống tre, một ít lá chuối tươi và một ghè rượu ngon nhất, đựng trong chiếc ghè quý nhất.

Già làng là người đến sớm nhất, ché rượu của già làng được đặt ở chính giữa nhà rông. Sau đó các hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông.

Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, già làng lại đánh lên một hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu.

Ét Đông là một trong những lễ hội quan trong đối với người Jơ Lâng ở Tây Nguyên. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ sau khi tổ chức lễ Ét Đông người Ba Na Jơ Lưng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò.v.v


Già làng A Jing Đeng - thôn trưởng thôn Kon BRap Du với mâm cỗ cúng tết Ét Đông tại gia đình


Ché rượu của già làng được đặt ở trung tâm của nhà rông, sau đó là các ché rượu của các gia đình khác

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Cung điện mang vẻ đẹp mê hoặc trong thời khắc cuối thu.

Nắm tay “nửa kia” dạo bước qua con suối Cheonggyecheon lung linh hay lên tháp Namsan ghi vào ổ khóa thông điệp tình yêu sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm ngọt ngào không thể quên.

Món ăn là một bức tranh ẩm thực đẹp mắt với màu xanh của hẹ, màu vàng của chả cá chiên, màu trắng của sợi bánh, của trứng cút...

Vị thơm nồng của hẹ đem lại sự hấp dẫn riêng cho món bánh canh chả cá tưởng chừng rất quen thuộc của đất miền Trung

Nhà thờ đổ Ba Vì là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ.

Chìm trong không gian trầm lắng là những dấu tích Pháp còn sót lại ở Ba Vì như dinh thự đại tá, nhà thờ đổ và nhà tù chính trị.

Nhà đày Buôn Ma Thuột từng là nơi giam giữ tù chính trị của các tỉnh Trung Kỳ.

Những di tích nhà tù dưới đây được cho là địa chỉ "hút" khách tham quan ở Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục