Ổi Đông Dư ngọt ngon phù sa sông Hồng
- Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 2:08:38 PM
Nói đến Bát Tràng, người ta thường nói đến thương hiệu gốm tồn tại từ bao đời nay, nhưng ít ai biết bên cạnh làng gốm truyền thống còn có thứ sản vật quý không đâu sánh bằng, đó là trái ổi Đông Dư.
Những trái ổi găng thơm ngon trong nắng.
|
Có dịp đi ven đê sông Hồng, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự xanh tốt của những cây ổi được trồng bằng đất phù sa sông Hồng. Ở trong làng nhà nào cũng có một vườn ổi, ít thì 5-10 cây, nhiều thì có tới vài chục cây.
Có cơ hội được vào hẳn trong vườn ổi, bạn có thể thỏa thích hái ăn tùy thích mà không sợ chủ vườn mắng. Với họ, có được trái ổi ngon và trĩu quả như thế là do thiên nhiên ưu ái ban tặng, do may mắn mang lại và ai cũng muốn chia sẻ món quà tặng đó tới những ai biết quan tâm và trân trọng nó.
Ổi Đông Dư quả to vừa phải, ăn giòn và ngọt, hạt ổi thì mềm, vỏ ổi lại không chát. Đây là loại ổi găng, được trồng ngoài bãi phù sa màu mỡ do thường xuyên được sông Hồng bồi đắp mỗi năm. Bởi ổi ngon có tiếng nên hầu như ai đi qua địa phận này như đường đê sông Hồng hay quốc lộ 1B đều dừng chân ghé mua về làm quà. |
Trên đoạn đường đê xã Đông Dư (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi ổi nhiều và ngon hơn cả, bạn sẽ thấy các quán cóc bán ổi, chỗ thì chỉ 1-2 người bán, chỗ thì cả dãy tới chục người bán. Ổi bán ở đây thường là ổi mới được trẩy ở nhà mang ra nên rất ngon khi ăn.
Ổi Đông Dư được chia thành hai vụ chính. Vụ mùa thường từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch. Còn lại gọi là ổi chiêm. Ổi mùa khác ổi chiêm ở chỗ quả có khía như chia thành múi. Còn lại mùi vị và độ ngon hầu như ít có sự khác biệt giữa hai vụ. Cây ổi từ lúc trồng cho đến khi được hái quả chừng mười năm phải đốn đi để trồng cây mới thì mới cho ổi ngon và năng suất cao.
Ổi ít khi mất mùa, ngược lại có năm được mùa bội thu. Năm nào thời tiết lạnh kéo dài, khi ấm trở lại ổi đơm trái đồng loạt nên cùng một lúc toàn bộ vườn ổi ở làng đều chín quả.
Nếu chỉ nhìn thoáng qua những lều quán lúp xúp trên triền đê sông Hồng với những thúng mủng bày biện ổi theo hình chóp nón hay những cọc ổi trên quốc lộ 1B (đoạn qua huyện Gia Lâm) ai cũng nhầm tưởng họ là những người nông dân vất vả mưu sinh. Nhưng tìm hiểu sâu mới biết phần lớn đều là những triệu phú chân đất theo đúng nghĩa.
Dẫn chúng tôi tới thăm vườn ổi với những chùm quả tròn căng, sai trĩu cành, chị Lan cho biết một sào ổi, khoảng 30-50 gốc, mỗi năm thu hoạch 1-1,2 tấn quả. Đầu vụ, ổi có giá 13.000-15.000 đồng/kg, chính vụ trung bình 7.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí mỗi năm, gia đình chị thu lãi 30-40 triệu đồng.
Không kể nắng mưa, những trái ổi găng được người dân nơi đây mang đi khắp nơi để đáp ứng nhu cầu của người mua - Ảnh: P.T.T. |
Cụ Sinh thường hay bán ổi ven triền đê sông Hồng nhà có tới vài ba trăm gốc ổi ngoài bãi sông và cánh đồng làng. Ngày ngày con cháu cụ đi trẩy ổi rồi đem ra cho cụ bán ở triền đê. Mỗi ngày cụ bán được 50-60kg ổi găng với giá 20.000 đồng/kg, cả gia đình thu nhập trên 1 triệu đồng.
Biết được đặc sản của vùng đất này, nhiều người ở nơi khác cũng tới đây mang giống ổi găng về địa phương mình trồng, nhưng dù có chăm sóc đến mức nào cũng không thể cho trái ổi ngon như trồng trên mảnh đất này. Có lẽ thiên nhiên đã ưu ái để không phải tình cờ trái ổi Đông Dư chỉ ngon khi được nuôi dưỡng từ đất mẹ phù sa sông Hồng.
Đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách, người Đông Dư ngày ngày chịu khó, không kể nắng mưa, đem thứ sản vật ngon, bổ mà thiên nhiên ban tặng đến cho mọi người.
Ổi Đông Dư chính thức có từ năm 1961. Hồi đó có ông Tẻo, một người dân ở đây, mang cây ổi giống về trồng. Cây ổi hợp đất nên quả ăn rất ngon. Dần dà lan rộng, đến nay thương hiệu ổi Đông Dư đã được nhiều người biết đến và lan tỏa khắp các tỉnh miền Bắc. |
Các tin khác
Những vệt nắng cuối thu còn sót lại cùng sắc tím của những cánh đồng hoa tam giác mạch như lời mời gọi du khách lên đường, về vùng đất nơi địa đầu tổ quốc.
Bước vào chùa Từ Vân nằm ở trung tâm TP Cam Ranh, Khánh Hòa, bạn như bước vào thế giới đại dương bởi chùa được làm chủ yếu từ vỏ ốc và san hô.
Festival hoa Đà Lạt 2013 lần thứ V được tổ chức vào tuần lễ 26 - 31/12/2013. Chương trình được kết hợp với Festival Di sản UNESCO Việt Nam - Asean lần thứ I và Kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt và Năm du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014.
Với độ cao 2.427 m, Tây Côn Lĩnh là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nóc nhà của núi rừng Đông Bắc.