Để du lịch miền Tây “cất cánh”

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/3/2015 | 3:52:23 PM

YBĐT - Miền tây Yên Bái bao gồm huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu... Nơi đây có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, với 13 dân tộc anh em chung sống từ lâu đời, có một nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Nơi đây còn có cánh đồng rộng thứ hai Tây Bắc, nổi tiếng với “Gạo trắng nước trong”. Những người dân nơi đây sống nhân hậu, trung thực và hiếu khách. Vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa ấy từ lâu đã là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.

Xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói, có tác dụng như đòn bẩy để phát triển kinh tế, góp phần tạo nên một phương thức sản xuất mới cho bà con các dân tộc, đặc biệt với các dân tộc ít người, ngành du lịch Yên Bái đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, dần dần tạo nên cảnh quan môi trường du lịch, thu hút được du khách ngày một nhiều hơn, đặc biệt trong các tua “Du lịch về cội nguồn” phối hợp giữa các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, gần đây là du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ -thị xã đầu tiên trong cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn làm điểm xây dựng đơn vị văn hóa cấp huyện khu vực miền núi đồng bào dân tộc thiểu số.

Đến với miền tây Yên Bái, du khách được tìm tòi khám phá thiên nhiên kỳ thú, các di tích lịch sử văn hóa, các sinh hoạt văn hóa độc đáo đa dạng và phong phú của các dân tộc ít người, khiến cho mỗi du khách không chỉ đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, mà còn như tìm thấy bóng dáng của cội nguồn từ thuở nguyên sơ.

Tại Suối Giàng, một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nằm ở độ cao trên 1.400m so với mặt biển, du khách được tận hưởng không khí trong lành như ở Sa Pa, Tam Đảo…, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của thác nước Tập Lăng 1, vẻ nguyên sơ của rừng nguyên sinh, sự huyền bí của hang Cua Đỏ, hang HzanSan, được thăm các bản Mông, được thưởng thức các món ăn dân tộc như thắng cố, thịt lợn hun khói… đắm mình trong ngày hội “Sài Sán”, tức hội chơi núi đầu xuân. Tất cả mọi người trong các bản xa gần, đặc biệt là nam, nữ thanh thiếu niên cùng vui và trổ tài trong các điệu khèn, sáo, đàn môi, kèn lá, các điệu hát trữ tình và sôi nổi trong các trò chơi dân gian như: nẩy pao, đẩy gậy, đánh quay…

Cùng đó là những điệu hát trữ tình, những âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc làm say đắm lòng người. Những nếp váy thổ cẩm đong đưa xao xuyến với bóng ô hồng nghiêng chao tình tứ… Những sinh hoạt văn hóa ấy làm du khách vô cùng thích thú. Khi chia tay du khách có thể mua những đồ lưu niệm độc đáo như: thổ cẩm, khèn, sáo… chè Shan được hái từ những cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm tuổi.

Đến với thị xã Nghĩa Lộ - Trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực miền tây, nơi được coi là đất tổ của người Thái Đen Tây Bắc, du khách được đi thăm Khu di tích căng đồn Nghĩa Lộ với các hạng mục công trình đã được xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”: Khu di tích căng đồn, tượng đài chiến thắng, nhà tưởng niệm 408 các liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh cách mạng. Lịch sử được tái hiện một cách có hệ thống giúp du khách hiểu thêm về chiến công vĩ đại của nhân dân các dân tộc Mường Lò.

Du khách được thăm viếng nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo nguyên mẫu nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Bắc. Những người yêu văn hóa Thái - dân tộc có tới 44% dân số của thị xã Nghĩa Lộ, có một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc sẽ vô cùng thích thú khi được đến thăm các bản Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ; thăm thác “Nậm tốc tát” tức thác nước rơi và bãi đá cổ ở xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn. Thác nước được coi là đường lên trời của những linh hồn người Thái Đen khi qua đời, còn bãi đá hàng ngàn tảng được coi là hóa thân của những con trâu trong các tang lễ khắp vùng Tây Bắc và khu vực. Mường Lò còn có rất nhiều hang động với nhiều nhũ đá muôn sắc mầu, hình dáng khiến du khách như được sống trong sự chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại, tương lai với bao liên tưởng.

Du khách được tham dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo như: Lễ hội “Xên bản xên mường” - tức cúng bản cúng mường, nhằm tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò; dự sinh hoạt “Hạn khuống”, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên; dự hội “Lồng tồng”, tức hội xuống đồng - một sinh hoạt độc đáo của những cư dân lúa nước; được ngâm mình thư giãn trong các nguồn suối khoáng có độ nóng trên 40oC; được thưởng thức các món ăn dân tộc như: xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối…

Trong tiếng “Khắp mơi lảu”, tức hát mời rượu, trong men rượu cần ngọt dịu, trong chan chứa tình người, du khách cảm nhận được tinh túy của suối ngàn Tây Bắc được các cô gái Thái thổi hồn, bao nỗi ưu tư đời thường tan biến, chỉ còn lại một cảm giác trong sáng yêu đời và một ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một vùng người lịch sử và huyền thoại.

Những nhà nghiên cứu, những du khách ham tìm tòi khám phá còn rất thích thú khi cảm nhận trong phiên chợ vùng cao những sắc mầu  đặc trưng với muôn sắc mầu của văn hóa các dân tộc trong kiến trúc nhà sàn, trong mỗi điệu xòe và ngay trong mỗi món ăn chuyên chở thật tinh tế quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc… Gần đây, thị xã Nghĩa Lộ đã đầu tư xây dựng loại hình du lịch cộng đồng và đã bước đầu thu được những kết quả nhất định.

Du khách còn được tìm tòi khám phá văn hóa của dân tộc Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn còn lưu giữ được nét huyền bí độc đáo không pha trộn mà hiện nay rất ít nơi còn giữ được, tìm hiểu văn hóa dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu… Có thể khẳng định rằng, du lịch miền tây Yên Bái đã và đang thu được những thắng lợi khả quan và đang đứng trước vận hội và thách thức mới.

Bên cạnh những thành công ban đầu đáng khích lệ ấy, du lịch miền tây Yên Bái cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là việc tổ chức cơ sở hạ tầng với các loại hình và sản phẩm du lịch còn hạn chế; chưa tạo nên sự khác biệt với vùng miền khác về đặc thù cảnh quan văn hóa. Việc khôi phục và đưa những sinh hoạt văn hóa dân tộc vào khai thác du lịch có lúc đã sân khấu hóa, làm sai lệch văn hóa truyền thống... Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên tại cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, chưa có tính chuyên nghiệp cao. Sau mỗi kỳ hội chợ thương mại du lịch, hoặc các tour “du lịch về nguồn”, lượng khách đến và trở lại chưa nhiều…

Muốn cho du lịch miền tây Yên Bái khởi sắc và cất cánh, ngày càng thu hút được du khách tìm đến không chỉ một lần, theo chúng tôi, cần có một kế hoạch mang tính chiến lược toàn diện và dài hơi hơn nữa. Cụ thể là khôi phục những giá trị văn hóa đã mai một hoặc bị pha trộn, biến tướng, trước hết là văn hóa Thái như: xây dựng các ngôi nhà sàn theo kiến trúc cổ, tức là phải có hai đầu hồi khum khum như mai rùa mà người Thái gọi là “tụp cống” với biểu tượng “khau cút” trên hai hồi nhà. Giờ đây, cả Mường Lò không có một ngôi nhà sàn Thái nào đúng với nguyên mẫu cổ, du khách thật khó phân biệt đâu là nhà sàn người Thái, đâu là nhà sàn người Tày, Mường…; có kế hoạch bảo tồn và quảng bá khu “Nặm tốc tát” và bãi đá cổ. Các điệu xòe cổ và các điệu xòe Thái phải được các đội văn nghệ của các xã, phường luyện tập thành thục và chuẩn mực.

Ngày nay, đôi khi các điệu xòe Thái đã mất dần đi sự duyên dáng, uyển chuyển và tinh tế truyền thống. Các lễ hội cần được phục hồi nguyên gốc. Nhiều hoạt động du lịch khác cũng cần được tổ chức thêm như: tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa dân tộc như phong tục tập quán, tiếng nói và chữ viết… đua thuyền, du lịch mạo hiểm, tắm suối khoáng thư giãn và chữa bệnh…

Cùng đó cũng cần phải tổ chức trồng và gây lại những rừng đào, rừng ban ở Suối Giàng, ở khu hang Thẳm Lé, ở đồi Pú Lo, Pú Chạng, ở khu căng đồn Nghĩa Lộ…; đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa thổ cẩm, đồ đan lát…; tổ chức lại hệ thống nhà hàng, khách sạn, nâng cấp chất lượng phục vụ, từ khâu lưu trú, các dịch vụ phục vụ; tổ chức các tua du lịch khép kín, du lịch trực tuyến, tạo điều kiện cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài tìm hiểu, đăng ký tua, chuyển khoản qua mạng một cách thuận tiện…, có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng như lập trang website, in tập giới thiệu các sản phẩm du lịch miền tây, qua các đài báo trung ương và địa phương; có những cán bộ chuyên trách tại các trung tâm văn hóa, thể dục và thể thao từ huyện, thị, đến các xã, phường giỏi về tổ chức hoạt động du lịch và văn hóa dân tộc...

Tin rằng, du lịch miền tây Yên Bái ngày một thu hút được nhiều du khách, đem lại lợi nhuận không nhỏ, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, văn hóa… của tỉnh.

 Trần Vân Hạc

Các tin khác

“Cướp” ở lễ hội Gióng là một nét văn hóa có từ lâu đời và nó cũng nằm trong hồ sơ trình để UNESCO công nhận lễ hội Gióng là văn hóa phi vật thể, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí chiều 3/3.

Đồng chí Lưu Văn Đoàn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên nổi trống Khai hội Đền Đông Cuông.

YBĐT - Tối ngày 3/3, Huyện Văn Yên đã tưng bừng tổ chức Khai hội Đền Đông Cuông năm Ất Mùi 2015 tại khu quần thể Di tích lịch sử quốc gia Đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

YBĐT – Trong không khí của những ngày đầu Xuân mới, “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, quê hương đổi mới”, đã thành thông lệ, cứ mỗi độ Xuân về tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) lại tổ chức Lễ hội đền Đông Cuông, thu hút đông đảo du khách bốn phương đến chiêm bái, cầu cho quốc thái dân an, một năm mưa thuận, gió hòa…

Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành không khói thuốc treo trên khắp các tuyến đường của 29 quận, huyện Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch của cả nước và nguồn thu từ du lịch đóng góp một phần rất lớn cho ngân sách Thủ đô. Vì vậy, Hà Nội luôn coi trọng xây dựng hình ảnh đẹp, văn minh nơi công cộng, các điểm du lịch, gây ấn tượng mạnh cho du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục