Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 16/9 cho biết Tổng cục vừa phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện thành công chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại tỉnh Kanagawa, thành phố Tokyo, tỉnh Hokkaido và Lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawam, Hokkaido (Nhật Bản).
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Nhật Bản là một trong những thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Năm 2018, lượng khách Nhật đến Việt Nam đạt gần 830.000 lượt, tăng 3,6% so với năm 2017.
Trong những tháng qua của năm 2019, Việt Nam đã đón trên 620.000 lượt khách Nhật, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách Nhật có ấn tượng đặc biệt đối với văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa, ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ, phong cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử của Việt Nam.
Thông qua sự kiện, những nét văn hóa, du lịch nổi bật của Việt Nam đã được giới thiệu đến công chúng Nhật Bản, tạo cầu nối gắn kết, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, góp phần thắt hơn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tiếp theo Nhật Bản, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc-ASEAN 2019 diễn ra từ 18-20/10, tại Quế Lâm, Trung Quốc…
Các hoạt động xúc tiến, quảng bá là hành động tích cực của du lịch Việt Nam nhằm duy trì, tăng lượng khách quốc tế đến từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường châu Âu… để hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2019.
Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong năm 2019 là đón từ 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng. Những tháng còn lại của năm 2019 sẽ là thời gian cao điểm khách du lịch quốc tế đến nên ngành du lịch tin tưởng rằng mục tiêu đề ra sẽ đạt được.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019. Theo đó, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 lên hạng 63/140, tăng bốn bậc so với năm 2017. Xếp hạng của du lịch Việt Nam tăng đáng kể so với Thái Lan (tăng ba bậc), Campuchia (tăng ba bậc), Indonesia (tăng hai bậc), Singapore (giảm bốn bậc), Malaysia (giảm ba bậc) và Lào (giảm ba bậc).
Với tiềm năng phong phú và đa dạng, nhóm chỉ số tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và tài nguyên tự nhiên (hạng 35) của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào nhóm cao của thế giới (từ hạng 1-35). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ hai về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ; đứng thứ ba về tài nguyên tự nhiên…
Cũng theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, mức độ mở cửa quốc tế của Việt Nam tăng 15 bậc, lên hạng 58, chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam được cải thiện đáng kể, xếp hạng 53. Dù vậy, so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số về thị thực của Việt Nam mới xếp trên Philippines (hạng 65), bằng Brunei (53), dưới Indonesia (3), Campuchia (8), Malaysia (18), Lào (26), Thái Lan (29), Singapore (50).
Tuy nhiên, theo báo cáo, Việt Nam với đặc điểm tương đồng với nhiều quốc gia có ngành du lịch đang phát triển nên vẫn phải giải quyết những hạn chế liên quan đến chất lượng lao động, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng dịch vụ du lịch.
(Theo Vietnam+)