Là trung tâm của huyện, thị trấn Mù Cang Chải nhiều năm nay đã có sự đổi mới, từng bước phát triển diện mạo của một thị trấn du lịch.
Cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các điểm vui chơi, giải trí, phương tiện đi lại: taxi, xe ôm được hình thành. Hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ phát triển mạnh với 15 nhà nghỉ và 22 cơ sở ăn uống lớn, nhỏ. 30 hộ làm du lịch cộng đồng cũng đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa tiện nghi hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đặc biệt, với sự tích cực tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức trong nhân dân phong cách ứng xử trong văn hóa du lịch, giá cả đã được niêm yết, công khai không xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá ngay cả trong mùa lễ hội.
Chị Đào Thị Hường - chủ nhà hàng Quyền Hường ở tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải chia sẻ: "Từ năm 2017, nhà hàng đã xây dựng bảng giá niêm yết các dịch vụ, món ăn của nhà hàng cũng như các số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo huyện và thị trấn. Trước mỗi mùa lễ hội, chúng tôi còn được tổ chức tập huấn về cách ứng xử, thái độ với du khách, quán triệt về giá cả... Chúng tôi cũng ký cam kết hàng năm với thị trấn về thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ...”.
Tương tự như ở thị trấn, xã Chế Cu Nha cũng đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là về việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết, là 1 trong 3 xã có ruộng bậc thang được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia, xã đã chú trọng tuyên truyền nhân dân về Luật Di sản, Luật Xây dựng để bảo vệ, tôn tạo danh thắng. Ngoài ra, các nét văn hóa truyền thống dân tộc được tạo điều kiện để khôi phục và phát triển.
"Với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, tổ phụ nữ dệt thổ cẩm tại bản Dề Thàng được thành lập; nhà trưng bày trình diễn, bày bán các sản phẩm thêu dệt thổ cẩm của người Mông được xây dựng với kinh phí 1 tỷ đồng; đội văn nghệ bản sắc được thành lập và duy trì hoạt động… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập” - ông Thắng nói.
Sau 3 năm thực hiện Đề án "Phát triển du lịch, dịch vụ gắn với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang và Di tích lịch sử quốc gia nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, huyện nghèo Mù Cang Chải không chỉ đầu tư được nhiều công trình hạ tầng giao thông, đường điện, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ mà còn hình thành được văn hóa du lịch trong mọi tầng lớp nhân dân, để du lịch Mù Cang Chải phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng.
|
Có thể khẳng định, hoạt động du lịch của huyện đang dần có chiều sâu với việc triển khai thực hiện 9 nhóm giải pháp trong 3 năm qua. Theo đó, huyện đã huy động và khai thác tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào dịch vụ, du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt.
Hàng loạt công trình, dự án phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng như: bức phù điêu, tường rào, đắp mặt bằng "Nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ” kinh phí gần 4 tỷ đồng, điểm dừng chân du lịch đèo Khau Phạ với kinh phí 1,1 tỷ đồng, nhà trưng bày sản phẩm khu vực đỉnh đèo Khau Phạ, đường lên Đồi mâm xôi, xã La Pán Tẩn… đồng thời tiếp tục khảo sát, xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại một số địa điểm có tiềm năng.
Huyện cũng tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác xây dựng sản phẩm du lịch chủ yếu của huyện được quan tâm đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gồm: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch chinh phục, khám phá, du lịch tâm linh, du lịch theo mùa… gắn với phát triển các sản vật địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu, đặc sản.
Tích cực trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tạo môi trường văn hóa ứng xử thân thiện, mến khách cũng là một trong những giải pháp huyện đã và đang thực hiện. Sơn tra, tớ dảy, phong lá đỏ, mua tím… được vận động trồng ở hầu khắp các điểm du lịch.
Huyện cũng đã ban hành quy định về giá cho các mặt hàng, các loại dịch vụ, đồng thời, tổ chức quản lý các loại dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, taxi, xe ôm chặt chẽ với việc thành lập các tổ quản lý du lịch tại các địa phương có đông khách tham quan du lịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giá cả, chèo kéo khách, các hoạt động xấu ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.
Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đối tượng là các cán bộ làm công tác quản lý về du lịch, những người hoạch định chính sách liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, những người cung ứng dịch vụ du lịch, nhân dân địa phương, khách du lịch.
Đối với từng đối tượng, huyện đã vận dụng các hình thức và nội dung khác nhau để tuyên truyền, giáo dục cho thích hợp, từ đó, các đối tượng hiểu rõ trách nhiệm, lợi ích khi tham gia kinh doanh, sử dụng các loại hình dịch vụ du lịch.
Lãnh đạo thị trấn Mù Cang Chải kiểm tra việc thực hiện niêm yết bảng giá tại các nhà hàng.
Từ tháng 6/2019, huyện còn ban hành Quy chế quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Mù Cang Chải với các nội dung về quản lý du lịch cũng như quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành trong quản lý về du lịch.
Hoạt động du lịch được quản lý chặt chẽ, diện mạo từng bước nâng tầm, văn hóa du lịch hình thành, hình ảnh du lịch được quảng bá rộng rãi…, tất cả đã đưa Mù Cang Chải đến gần hơn với du khách. Nếu như năm 2017, số lượng khách du lịch đến với Mù Cang Chải đạt 60.000 lượt, doanh thu đạt 30 tỷ đồng thì năm 2019, con số đó đã tăng lên 245.000 lượt, doanh thu đạt 92 tỷ đồng.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nhận định: với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn, sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo quần chúng nhân dân khi chung tay đồng hành, hiện thực hóa 9 giải pháp trong Đề án đã giúp du lịch Mù Cang Chải có một bước tiến dài từ chương trình, quy mô đến nội dung, hình thức tổ chức du lịch trong 3 năm qua.
"Sản phẩm du lịch của huyện đã có thương hiệu, được du khách trong và ngoài nước biết tới, thu hút doanh nghiệp đầu tư và người dân tham gia làm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân” - bà Xuyến khẳng định.
Hoài Anh