Lần đầu tiên đến Yên Bái, anh Phùng Hiếu ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã quyết định lên Trạm Tấu nghỉ dưỡng tại khu suối khoáng nóng Trạm Tấu. Tuy đã tìm hiểu qua các phương tiện thông tin nhưng khi đến trải nghiệm gia đình anh Hiếu không khỏi ngỡ ngàng với vẻ đẹp của khu du lịch này.
Anh Hiếu cho biết: "Khu nghỉ dưỡng này thực sự đã kết hợp, khai thác tốt điều kiện tự nhiên, văn hóa để giúp du khách có được kỳ nghỉ đúng nghĩa. Khu phòng nghỉ dạng bungalow gần gũi với thiên nhiên, khu nhà hàng ẩm thực và khu bể bơi suối khoáng nóng thật đẹp, hài hòa với phong cảnh núi rừng, ruộng bậc thang”.
Khu suối khoáng nóng Trạm Tấu chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm du lịch được Yên Bái đưa vào khai thác trong những năm gần đây. Phải kể đến là: Khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ (Văn Chấn), khu Dragonfly Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ, khu Mù Cang Chải Ecolodge ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải… Phía Đông hồ Thác Bà, từ lâu, du khách đã biết đến những cơ sở du lịch sinh thái Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình.
Trên đường đi, anh Hà Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: "Chúng ta sẽ đến thăm Ngòi Tu. Đây là một trong những nơi có rất nhiều thành công trong phát huy bản sắc văn hóa tộc người để phát triển du lịch xanh”.
Phát triển du lịch sinh thái homestay đầu tiên ở làng này là ông Tướng Văn Bội. Thấy có hiệu quả kinh tế, đến nay, Ngòi Tu đã có 5 ông "Tướng” là anh em trong nhà đều làm du lịch. Đó là các ông: Tướng Văn Bội, Tướng Văn Tâm, Tướng Văn Thương, Tướng Văn Giang và Tướng Văn Ba.
Ông Tướng Văn Tâm cho biết: "Chúng tôi đầu tư không lớn nhưng đến với chúng tôi, du khách sẽ được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực của người Dao. Ngược lại, du khách đến nghỉ tại gia đình chúng tôi sẽ có thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn cả là góp phần để văn hóa truyền thống trong kiến trúc nhà ở, những điệu múa, bài hát được bảo tồn, truyền dạy”.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, đa dân tộc, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa hết sức phong phú, có sức cuốn hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là một trong những yếu tố vô cùng thuận lợi để Yên Bái khai thác và phát huy những giá trị truyền thống của quê hương, phát triển du lịch xanh, bản sắc.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra khoảng từ 20 đến 22 lễ hội. Trong đó, có 4 lễ hội thường niên được tổ chức tại các di tích văn hóa, di tích danh thắng và khoảng 18 lễ hội tổ chức 2 - 3 năm một lần. Các lễ hội ở Yên Bái đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 30 dân tộc anh em trên địa bàn; đồng thời, giúp cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn có điều kiện phát triển.
Cùng với đó, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Yên Bái đã xúc tiến và thực hiện một số đề án như: "Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc 4 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái", "Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010", Chiến lược "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các DTTS tỉnh Yên Bái đến năm 2020"; "Tổng điều tra và kiểm kê di sản văn hóa các DTTS tỉnh Yên Bái”...; khôi phục thành công một số lễ hội và ngành nghề thủ công truyền thống; thực hiện các đề tài khoa học như: "Nghiên cứu xây dựng đội văn nghệ quần chúng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái", "Giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội tiêu biểu của tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương"…
Cùng đó, Yên Bái đã thực hiện tốt chính sách giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với việc bảo quản, giữ gìn, bảo tồn di tích cách mạng, di tích văn hóa, cảnh quan và môi trường văn hóa ở từng vùng, từng địa phương, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục và các tệ nạn xã hội.
Mặt khác, các cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cũng được thực hiện như: tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường du lịch; chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng; tuyên truyền, quảng bá, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Qua đó, các sản phẩm du lịch được tạo ra ngày càng nhiều, các hình thức du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng được đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, hệ thống các nhà hàng khách sạn ngày càng được đầu tư xây dựng nhiều hơn, phong phú hơn..., tài nguyên về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và văn hóa - lễ hội của tỉnh bước đầu đã được du lịch Yên Bái khai thác, đem về lợi ích kinh tế.
Đơn cử như Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nhiều năm nay đã trở thành hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động phát triển du lịch khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương, thời gian qua, Yên Bái đã xây dựng và triển khai các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đặc biệt là các đề án, dự án nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa các DTTS trên cơ sở gắn với phát triển du lịch địa phương với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát huy tiềm năng lợi thế mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thành Trung