Từ năm 2008, 8 tỉnh đã ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực.
Qua 14 năm triển khai, du lịch 8 tỉnh đã có những bước chuyển biến khả quan, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các chỉ tiêu về khách du lịch, thu nhập du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, mức đóng góp trong cơ cấu kinh tế… trong khu vực năm sau đều cao hơn năm trước.
Trong những năm qua, hoạt động trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý, phát triển du lịch và sự hợp tác chặt chẽ giữa 8 tỉnh được đánh giá cao, qua đó, góp phần liên kết phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của khu vực, dựa trên cơ sở tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Các tỉnh đã tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, xây dựng bộ thương hiệu du lịch chung của khu vực, là bộ thương hiệu du lịch liên vùng thống nhất đầu tiên tại Việt Nam.
Nội dung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, bao gồm: xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch trong đó tổ chức đón đoàn Famtrip kết nối các tuyến, điểm du lịch mới vùng Tây Bắc; tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Tổ chức đoàn học tập mô hình phát triển du lịch tại một số tỉnh trong khu vực; tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trong đó tham gia một số hội chợ, liên hoan và các sự kiện du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường du lịch; hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương, với việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam...
Là tỉnh thành viên, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, những năm qua để đa dạng hóa dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu các thị trường du khách, Yên Bái đã quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp trong đó chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Công tác xúc tiến du lịch đã được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Tỉnh đã có nhiều đoàn tham gia các hội chợ, sự kiện về du lịch trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng, các tour tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh tới du khách. Ngoài giới thiệu về du lịch, tỉnh đã lồng ghép giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát về các sản phẩm nông - lâm, thủy sản, thủ công mỹ nghệ đặc sản của tỉnh, như: bưởi Đại Minh, cam Văn Chấn, quế Văn Yên, nếp Tú Lệ…
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng gian hàng và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày tại các hội chợ, sự kiện du lịch, như: Hội chợ Du lịch quốc tế tại Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE thành phố Hồ Chí Minh; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung; Hội chợ Du lịch Tây Bắc…
Tỉnh đã tổ chức làm việc và giới thiệu hình ảnh du lịch Yên Bái với các đoàn khảo sát của du lịch 8 tỉnh, của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây Nam Bộ nhằm khai thác mở rộng thị trường khách du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch trong nước và ngoài nước của tỉnh Yên Bái nói riêng và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nói chung.
Tham gia, triển khai các hoạt động trong Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, tỉnh Yên Bái, thu hút hơn 5,4 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân đạt 9,7%, trong đó, khách nội địa hơn 5 triệu lượt khách, khách quốc tế gần 400.000 lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 14,2%.
Mặc dù du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng có những bước phát triển nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu vực, cơ sở hạ tầng giao thông; thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ.
Để thúc đẩy du lịch, thời gian tới các tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; tăng cường hoạt động đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cho các tỉnh trong khu vực.
Thu Hiền