Qua đó, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, từng bước khẳng định vị thế của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2022 là một năm đánh dấu sự trở lại của toàn ngành du lịch sau một thời gian dài đóng băng vì dịch Covid-19.
Để kích cầu, thu hút du khách, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều giải pháp mở cửa du lịch phù hợp: đẩy mạnh tuyên truyền các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng phục vụ sẵn sàng đón tiếp khách du lịch đi đôi với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch tham gia chương trình kích cầu giảm giá từ 10 - 50% các dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng; tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá cả, chất lượng dịch vụ, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh liên quan... Nhờ đó, du lịch Mù Cang Chải dần phục hồi, phát triển.
Ngoài ra, để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, Mù Cang Chải đã chủ động xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng như: phát triển sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP chè Shan tuyết Púng Luông, mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, các sản phẩm du lịch cộng đồng; phát triển sản phẩm du lịch bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng; phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc phục vụ phát triển du lịch cộng đồng vừa đem lại nguồn thu vừa góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc; phát triển sản phẩm du lịch dù lượn tại đèo Khau Phạ theo hướng chuyên nghiệp với trên 100 phi công trong nước, quốc tế tham gia, tổ chức thành công Giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” với trên 760 vận động viên tham gia…
Anh Phạm Hoàng Tùng - vận động viên Giải chạy Marathon "MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” năm 2022 chia sẻ: "Tham gia Giải chạy cũng là lần đầu tiên tôi đến với mảnh đất Mù Cang Chải. Được chạy giữa dập dờn sóng lúa là một trải nghiệm không thể quên, đến giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng. Dịp cuối năm nghe nói huyện sẽ tổ chức Lễ hội hoa tớ dày, tôi đã lên kế hoạch rủ người thân, bạn bè trở lại Mù Cang Chải để được tìm hiểu mảnh đất miền sơn cước này nhiều hơn nữa”.
Cùng với xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Mù Cang Chải cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Năm 2022, huyện có 20 học viên tham gia 2 lớp truyền dạy biểu diễn khèn Mông; cử 36 lượt học viên tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng cho các hộ kinh doanh du lịch do tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức; mở 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về du lịch.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết, khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, quốc tế, xây dựng các hạng mục hỗ trợ phát triển du lịch, tour du lịch được huyện chú trọng.
Đồng chí Trần Trung Kiên - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: "Xác định hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của mọi hoạt động du lịch. Vì vậy, Mù Cang Chải tích cực xây dựng các điểm thiết chế văn hóa gắn với du lịch. Trong năm, huyện đã thực hiện mô hình "Chợ phiên vùng cao” tại khu vực trung tâm huyện; khai thác 9 tuyến du lịch nội huyện, triển khai 4 tuyến du lịch nội tỉnh, 5 tour liên tỉnh kết nối với các tỉnh trong khu vực và đầu mối Hà Nội; duy trì, phát triển 93 tổ hợp tác trong đó có 5 tổ hợp tác chuyên về du lịch”.
Với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, du lịch huyện Mù Cang Chải ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đến hết 31/10/2022, huyện Mù Cang Chải đón, phục vụ gần 313.400 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 242,16 tỷ đồng. Dự ước đến hết năm 2022, huyện sẽ đón và phục vụ 350.000 lượt khách, doanh thu đạt 270 tỷ đồng.
Lê Thương