Thay đổi hình thức du lịch
Thay vì đi cùng cả công ty như những năm trước dịch, năm nay anh Hà Trường Giang, làm việc tại một doanh nghiệp của Nhật Bản ở Hà Nội cùng các thành viên trong phòng tự tổ chức chương trình đi du lịch lên Mù Cang Chải (Yên Bái) để trải nghiệm ruộng bậc thang và văn hoá đồng bào dân tộc vùng cao. "Trước đây, công ty thường tổ chức cho toàn bộ nhân viên lên tới vài trăm người đi nghỉ một lúc. Nhưng năm nay, công ty phát kinh phí để từng phòng, ban tự tổ chức đi theo nhóm”, anh Giang cho biết.
Sau khi tham khảo, nhóm của anh Giang chỉ thuê một phần dịch vụ của đơn vị lữ hành đặt xe và chỗ ở, còn lại các dịch vụ ăn uống, tham quan trải nghiệm nhóm tự tổ chức. Trước khi đi, trên group nhóm cũng trao đổi với nhau rất nhiều về tiêu chí lựa chọn điểm đến, seach kiểm tra thông tin trên mạng…
Bà Lê Thu Trang, Giám đốc điều hành YourWould Travel sau khi thống kê về các dịch vụ và đoàn khách thực hiện trong năm qua cũng kết luận đa phần khách gọi điện tư vấn, đặt một phần dịch vụ. Khách đi theo nhóm rất đông. Đặc biệt, khách hàng trẻ, sử dụng thành thạo trang mạng xã hội sẽ tự đặt dịch vụ. Để thích ứng, các doanh nghiệp cũng vừa làm vừa tạo dựng sản phẩm mới, thay đổi các dịch vụ theo yêu cầu của khách.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Từ năm 2021, trước áp lực của dịch, các khảo sát từ thực tế cho thấy dần hình thành xu hướng đi du lịch nhóm, hướng tới điểm du lịch xanh, sinh thái và khai thác trải nghiệm giá trị văn hoá. Đến năm 2022, khi mở cửa hoạt động du lịch trở lại, xu hướng này càng định hình rõ nét.
Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã tiến hành khảo sát diện rộng kết hợp nghiên cứu từ các doanh nghiệp, điểm đến cho thấy gần 80% du khách chọn hình thức đi du lịch độc lập, tự tổ chức, số còn lại lựa chọn phương thức mua tour du lịch trọn gói. Đáng chú ý, hơn 21% du khách muốn chọn mua các combo du lịch (chỉ gồm lưu trú và vé tàu xe) thông qua công ty lữ hành hoặc qua các nền tảng trực tuyến. "Xu thế lựa chọn dịch vụ qua sàn thương mại điện tử, thanh toán online sẽ gia tăng. Xu hướng này sẽ tác động đến quá trình chuyển đổi số từ các điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ mạnh mẽ hơn”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận xét.
Gia tăng trải nghiệm
Từ tổng hợp các lựa chọn của khách hàng, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) nhận xét, sau đại dịch COVID-19, xu hướng du lịch an toàn, du lịch xanh, thiên nhiều về trải nghiệm được yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi đơn vị làm chương trình phải đổi mới, sáng tạo hơn trong cách tiếp cận điểm đến, di chuyển và dịch vụ.
Khách quốc tế tham quan điểm du lịch nghỉ dưỡng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực..., PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng: "Các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới cần được chú trọng phát triển nhiều hơn dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách. Đó là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, thể thao, du lịch thông minh kết hợp tính vùng miền địa phương để tạo ra bản sắc giúp du khách trải nghiệm”.
Trong khi đó, theo ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, dịch COVID- 19 đã gây ra sự gián đoạn với ngành du lịch trên quy mô toàn cầu với 90% di sản thiên nhiên thế giới phải đóng cửa.
"Giờ đây, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, suy nghĩ, cân nhắc về những mô hình mới. Chúng ta không thể quay trở lại trạng thái bình thường trước đây nữa mà phải phát triển các mô hình bền vững hơn, quan tâm hơn tới bảo tồn thiên nhiên, các di sản và cộng đồng. Du lịch chất lượng, đảm bảo tính bền vững là lời giải cho du lịch hậu đại dịch và cũng mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến, là cách xanh hóa điểm đến, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi, họ muốn nhiều trải nghiệm hơn. Họ quan tâm tới những câu chuyện của điểm đến. Xu hướng du lịch đại trà giờ đây cũng không còn được ưa chuộng nữa. Thay vào đó, du lịch bền vững và việc xanh hóa các điểm đến đang là cách tiếp cận mới cho ngành du lịch”, ông Christian Manhart khuyến nghị.
(Theo Tin tức)