- Thưa ông, ông có thể cho bạn đọc Báo Yên Bái rõ hơn về nguồn gốc của di tích đền Thác Bà?
Ông Nguyễn Xuân Trường: Đền Thác Bà là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thì Ngạn - Đạo Ngạn nói riêng, vùng hạ lưu sông Chảy nói chung. Đền khởi đầu từ một ngôi miếu nhỏ lập trên ngọn thác tại xã Đạo Ngạn, nay là thị trấn Thác Bà, thường được gọi là "miếu Thần Thác Bà” thuộc tổng Thì Ngạn, châu Thu Vật vào khoảng cuối thời Lý đến đầu thời Trần thế kỷ XIII, XIV, sau phát triển thành đền và được tu bổ, tôn tạo lần cuối vào thời Nguyễn.
Căn cứ theo nội dung 4 đạo sắc được ban dưới triều Nguyễn, hiện được lưu giữ tại đền thì đền Thác Bà thờ "Thục Diệu Minh Đạt”, một nhân vật tồn tại lâu đời trong truyền thuyết của người dân vùng sông Chảy là công chúa Minh Đạt, con gái vua Hùng thứ XVIII. Từ khi hình thành, đền tạo ra nhiều ảnh hưởng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi rộng lớn khắp vùng hạ lưu sông Chảy.
Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (năm 1285), Chiêu văn vương Trần Nhật Duật vào kính bái Thần Thác Bà che chở, phù hộ cho đội quân đánh tan quân Nguyên - Mông. Sau khi đánh tan giặc, ngài đã tặng cho nơi đây mỹ tự: "Tối linh từ”. Đền Mẫu Thác Bà có 4 lễ tri ân Thánh Mẫu, đó là mùng 9 tháng Giêng, rằm tháng 4, ngày 17/7 và rằm tháng Chạp; trong đó, mùng 9 tháng Giêng là ngày lễ hội chính để trăm họ tụ họp, mở hội rước Mẫu.
- Đã có những thay đổi về vị trí của nhà đền, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trường: Trước những năm 50 của thế kỷ XX, đền Thác Bà tọa lạc bên bờ Đông sông Chảy, thuộc địa phận xã Minh Phú (nay là thị trấn Thác Bà).
Những năm sáu mươi, Nhà máy thủy điện Thác Bà - công trình trọng điểm đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa được xây dựng. Để tiến hành xây dựng nhà máy, phải thực hiện việc chuyển di dân cư, cùng toàn bộ các công trình, thiết chế văn hóa khỏi khu vực lòng hồ để đắp đập dâng nước. Đặc biệt, nơi đền Thác Bà tọa lạc là vị trí trọng yếu được yêu cầu tập trung giải phóng để phục vụ việc dựng bờ đập chính - phần hạng mục cơ bản nhất trong toàn bộ công trình.
Để thực hiện được điều đó, tháng 4 năm 1963, nhân dân xã Minh Phú tự nguyện rước Mẫu sang phía xã Vĩnh Kiên (bên kia sông Chảy), cách vị trí đền Thác Bà cũ 5km để giải phóng mặt bằng xây dựng hồ thủy điện Thác Bà.
Lễ hội đền Thác Bà được tổ chức vào mồng 9 tháng Giêng hằng năm.
Chúng ta có thể thấy rằng, việc di dời thiết chế để nhường vị trí quan trọng về địa lý, hy sinh giá trị linh thiêng về văn hóa tinh thần, đền Thác Bà xưa đã hoàn thành sứ mệnh dân tộc và trở thành một phần quan trọng hình thành linh hồn của Nhà máy Thủy điện Thác Bà nói riêng và hồ Thác Bà nói chung.
Năm 1998, UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án xây dựng lại đền Thác Bà trên núi Hoàng Thi. Vị trí được lựa chọn nằm ngay sát bên bờ hồ Thác Bà, là cửa ngõ đi vào khu vực vùng dân cư phía Đông của hồ. Sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đền Thác Bà đã có diện mạo như ngày nay, gắn kết chặt chẽ với Nhà máy thủy điện cũng như hồ Thác Bà rộng lớn.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đã được khẳng định, ngày 28/12/2004, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định xếp hạng đền Thác Bà là di tích cấp tỉnh, trong đó có khẳng định đền Thác Bà là một phần quan trọng của di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hồ Thác Bà. Đánh giá cao những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và mối liên kết bền chặt đó, ngày 18/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đền Thác Bà là Di tích quốc gia thuộc di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia hồ Thác Bà tại Quyết định số 1905/QĐ-BVHTTDL.
Đền Thác Bà gắn kết chặt chẽ với Nhà máy thủy điện cũng như hồ Thác Bà rộng lớn.
Người dân và du khách dâng lễ vật lên mẫu Thác Bà
- Ông đánh giá thế nào khi đền Thác Bà được công nhận là Di tích quốc gia?
Ông Nguyễn Xuân Trường: Đây là một vinh dự lớn lao và là niềm tự hào đối với huyện Yên Bình, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc cư trú lâu đời ở vùng Thác Bà - sông Chảy. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là nguồn động lực to lớn có ý nghĩa động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực hiện việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nói chung trên địa bàn huyện.
Cùng với những di sản văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã được vinh danh, Di tích quốc gia đền Thác Bà thuộc di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà sẽ là nguồn bổ sung lớn cho kho tàng di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đa dạng hóa các tiềm năng và các sản phẩm về du lịch trong tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương.
Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác hợp lý và có hiệu quả các giá trị văn hóa, vừa nâng cao và làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của nhân dân, vừa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, khác biệt phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo; từng bước nâng tầm các di sản văn hóa, để văn hóa thực sự là mục tiêu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện Yên Bình trở thành điểm đến "Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Lễ rước Mẫu và cúng tế theo nghi lễ truyền thống tại sân nhà đền.
- Gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sự kiện này có ý nghĩa gì thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Trường: Vùng hồ Thác Bà rộng trên 20 ngàn ha với trên 1.000 hòn đảo lớn nhỏ còn là nơi sinh tụ của trên 10 dân tộc anh em cùng chung sống như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Phù Lá... có đời sống sinh hoạt, văn hóa vô cùng phong phú, đậm bản sắc dân gian.
Đền Mẫu Thác Bà là nơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa và đón du khách thập phương về chiêm bái nhân dịp đầu xuân và khám phá di tích lịch sử, danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư vào địa bàn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của huyện.
Năm 2022 vừa qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn song chúng tôi đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, với sự đoàn kết, đồng lòng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của nhân dân các dân tộc trong huyện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Tỉnh ủy giao theo Chương trình hành động số 56-CTr/TU, nhiều chỉ tiêu quan trọng, quyết định đến tăng trưởng kinh tế của huyện và nhiều chỉ tiêu khó đều hoàn thành và vượt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo, an sinh xã hội được đảm bảo.
Huyện Yên Bình sẽ đa dạng hóa các sản phẩm về du lịch hồ Thác Bà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội tại địa phương. Ảnh Thanh Miền
Năm 2023, chúng tôi xác định là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XXIII Đảng bộ huyện. Mục tiêu chung của Yên Bình là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đồng bộ, hài hòa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thực chất, bền vững; xây dựng con người Yên Bái, con người Yên Bình "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tất cả vì sự hài lòng và hạnh phúc của nhân dân. Đặc biệt là, chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng thành công huyện Yên Bình đạt huyện nông thôn mới trong năm 2023.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Quang Tuấn (thực hiện)
CÁC HOẠT ĐỘNG DIỄN RA TẠI LỄ HỘI
- Triển lãm ảnh nghệ thuật đất và người Yên Bình: từ ngày 28 -31/1/2023.
- Trưng bày sách báo Xuân: từ ngày 28 -30/1/2023.
- Tổ chức Giải thể thao (bóng chuyền da, cờ tướng (cờ người), ném con, kéo co, đẩy gậy): từ ngày 29 - 30/1/2023
- Giao lưu văn nghệ và dân vũ các xã khu vực Thác Bà: từ ngày 29 - 30/1/2023.
- Tổ chức tour du lịch tham quan các di tích lịch sử và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà: từ ngày 25/1 - 30/2/2023.
- Giới thiệu các sản phẩm OCOP: từ ngày 20 - 30/1/2023.
- Chương trình nghệ thuật: ngày 29/1/2023.
- Nghi lễ dâng hương và lễ cúng truyền thống: ngày 30/01/2023 (tức mùng 9 Âm lịch). |