Đà Lạt thành phố của mùa xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 2/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ thành phố Hồ Chí Minh, đi ô tô theo quốc lộ 20 chừng 300 km là đến Đà Lạt (thuộc tỉnh Lâm Đồng). Con đường sẽ đưa du khách lên cao dần và khi chạm vào Đà Lạt ở thác Pren thì trước mặt đã là ngút ngàn rừng thông hai lá, ba lá. Nếu đi theo đường 27 từ Phan Rang ngược sông Dinh lên, chúng ta đứng trên đèo Ngoạn Mục với bức tranh thiên nhiên hùng vĩ trước mắt. Từ trên đèo Ngoạn Mục nhìn xuống, thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những rặng thông là con đường ngoằn ngoèo rắn lượn.
Thung lũng Tình yêu.
|
Nơi đây còn có Nhà máy Thủy điện Đa Nhim với 2 đường ống dẫn nước trông xa như 2 vệt sơn trắng giữa nền xanh biếc của núi rừng. Đi sâu vào thành phố Đà Lạt, du khách sẽ khám phá một “bảo tàng” của các thác nước, những hồ đẹp, thung lũng hoa và đồi cỏ.
Thành phố Đà Lạt hơn 100 năm tuổi được bác sĩ Yasin phát hiện năm 1893 đang trở thành một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất đối với du khách trong và ngoài nước, một thành phố nghỉ mát lâu đời ở nước ta. Nằm trên cao nguyên Lang Biang, ở độ cao 1.475m so với mặt nước biển, Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố của mùa xuân”. Ở đây rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình cao nhất trong ngày 240C và nhiệt độ trung bình thấp nhất trong ngày 150C. Lượng mưa trung bình 1.755mm/năm, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11 và có nắng trong tất cả các mùa. Nhờ khí hậu đó, cả thành phố Đà Lạt như một vườn hoa trăm hương, ngàn sắc suốt quanh năm. Hoa Đà Lạt có hàng trăm, ngàn loại. Nhiều loại phong lan độc đáo được sản sinh riêng trên mảnh đất này hoặc lấy giống từ nước ngoài như: Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Italy… Rồi hoa hồng, hoa bất tử, hoa đỗ quyên, hoa trà mi, mi - mô - za, mai anh đào, thủy tiên trắng... Và ai đến Đà Lạt đều không thể quên ngồi nhâm nhi tách cà phê trong quán ven hồ, để mà thưởng thức ca khúc “Mimôza”. Hàng năm, thành phố vẫn tổ chức “Lễ hội hoa Đà Lạt” thu hút nhiều nhà trồng hoa trong nước và quốc tế đến dự. Những ngày này, khắp các công viên, đường phố rực rỡ sắc màu của các loại hoa, đẹp không kém các thủ đô hoa của Hà Lan, Trung Quốc. Cuối năm 2006, nơi đây còn diễn ra “Lễ hội văn hóa trà”. Đây cũng là dịp để tỉnh Lâm Đồng quảng bá cho các loại trà đặc sản của vùng trồng chè lớn nhất Việt Nam.
Đà Lạt nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông. Những hồ đẹp ở Đà Lạt là hồ Xuân Hương, Than Thở, Đa Thiện, Vạn Kiếp, Mê Linh. Những hồ này nằm ngay trong thành phố, tên thơ mộng như cảnh hồ thơ mộng, mỗi hồ gắn với một truyền thuyết xa xưa. Hồ Xuân Hương là hồ lớn ở Đà Lạt, rộng chừng 5 km². Hồ có hình mảnh trăng lưỡi liềm, là nơi thơ mộng, cuốn hút khách nhàn du và cũng là nơi hò hẹn của những đôi bạn tâm tình. Mặt hồ phẳng lặng như tấm kính pha lê, soi bóng những hàng thông reo hát suốt ngày đêm. Những con đường quanh hồ rợp bóng cây tùng, tạo thêm cho hồ vẻ thơ mộng. Du khách có thể ngồi dưới gốc tùng buông lưỡi câu, hoặc đi chơi trên mặt hồ bằng những chiếc xe đạp nước mang dáng con thiên nga, hoặc dừng chân ở nhà thủy tạ với phong cách kiến trúc đặc biệt để thưởng thức ly nước ngọt đậm đà hương vị Đà Lạt. Những buổi tối, khí trời se lạnh còn có thêm bắp ngô nướng của gánh hàng rong từ các làng quê ngoại thành phố mang đến. Còn hồ Than Thở từ lâu đã trở nên nổi tiếng với hai câu thơ: “Đà Lạt có thác Cam Ly/Có hồ Than Thở người đi sao đành”. Hồ nằm trên đồi cao, giữa một rừng thông tĩnh mịch. Cảnh vật quanh hồ nên thơ, mặt nước hồ luôn phẳng lặng trầm ngâm. Tại đây, dường như chỉ còn nghe vi vút tiếng gió nhẹ, tiếng thông reo như thở than, như nức nở. Ở phía bắc của hồ có đôi cây thông mọc sát bên nhau rất lạ, tạo thành một đôi “tình nhân” thông quấn quýt không rời và du khách có thể đến đó chụp hình lưu niệm. Đồi thông ở hồ Than Thở dường như cũng đẹp hơn các nơi khác vì thông thưa hơn, cao đều hơn nên khi ánh nắng mặt trời rọi xuống ngả bóng trên thảm cỏ rất đẹp.
Ở Đà Lạt, khách sạn du lịch đầu tiên ở được xây dựng vào năm 1907, đó là ngôi nhà gỗ mang tên Khách sạn Hồ (Hotel du Lac). Bây giờ, đến Đà Lạt, du khách sẽ cảm nhận có một nét kiến trúc rất nên thơ, lộng lẫy mà kín đáo qua ngôi biệt thự ẩn mình trong cây lá. Và bao công trình kiến trúc như: ga Đà Lạt, dinh Bảo Đại.. đã khiến Đà Lạt giống như một thành phố Châu Âu những thế kỷ trước. Trong quy hoạch mở rộng thành phố, tỉnh Lâm Đồng luôn chú ý bảo tồn và tôn tạo những công trình này bên cạnh các công trình kiến trúc hiện đại, tôn trọng tự nhiên như biệt thự, Thiền viện Trúc Lâm, cáp treo.
Cùng nằm trên dải đất cao nguyên Lâm Viên - Di Linh, Đà Lạt còn mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Cộng đồng dân cư Đà Lạt là một sự hòa nhập hết sức độc đáo của dân tộc từ các vùng bắc, trung, nam: Việt, M’Nông, Cơ Ho, Mạ. Họ là những người dân hiền lành, sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc. Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá. Thiên nhiên tươi đẹp đã tạo nên những mẫu người Đà Lạt có phong cách đáng yêu, hiền hòa, thanh lịch và mến khách.
Thế Quynh