Vài năm trở lại đây, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện dần khôi phục lại các làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, thông qua các lễ hội đầu xuân, các lễ hội gắn liền với lịch sử, văn hóa vùng miền để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Tháng Giêng xuân Quý Mão 2023, miền "đất Ngọc” Lục Yên tổ chức nhiều lễ hội thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân và du khách gần xa như: Lễ hội đền Đại Cại, đền Suối Tiên, xã Tô Mậu; khai xuân chợ đá quý - thị trấn Yên Thế; Lễ hội Xo may, xã Mường Lai.
Điều đặc biệt là việc tổ chức các lễ hội là hoàn toàn xã hội hóa với sự tự nguyện tham gia của chính người dân và các tổ chức xã hội. Năm nay là năm thứ 2 xã Mường Lai tổ chức lễ hội đầu xuân với Lễ hội Xo may gắn với Lễ cầu đình Nà Ngàm. Lễ hội đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhân dân và du khách.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 4/2 - 6/2/2023 (ngày 14 - 16 tháng Giêng 2023) tại sân vận động trung tâm xã Mường Lai. Hàng nghìn người dân và du khách đã tới du xuân, tham gia hoặc xem biểu diễn văn nghệ, thể thao.
Theo người dân địa phương, từ xa xưa, trong đời sống văn hóa tâm linh người Tày, xã Mường Lai đã tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Theo đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình người Tày là quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ thần cũng rất phổ biến trong mỗi bản làng và được dân làng thực hành tín ngưỡng trong mỗi dịp lễ hội. Lễ hội Xo may được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng giêng âm lịch gắn với lễ cầu đình Nà Ngàm, nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá tốt đẹp; đồng thời, để quảng bá, giới thiệu những bản sắc nhân văn riêng có của người Tày tới bạn bè và du khách gần xa.
Lễ hội Xo may là một trong những điểm nhấn của đồng bào dân tộc Tày ở Mường Lai trong mùa xuân. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, khơi dậy các nét văn hóa của đồng bào các dân tộc, đồng thời đề cao nét văn hóa truyền thống nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên vùng đất Ngọc Lục Yên.
Nghệ nhân Hoàng Quang Nhạn - xã Mường Lai chia sẻ: "Lễ hội được tổ chức làm hai phần chính phần lễ và phần hội. Phần Lễ rước tại đình Nà Ngàm, đây là một nội dung được nhiều người dân trong xã quan tâm. Đình Nà Ngàm thờ ba vị thần Núi là Pú Đán Khao (thần núi Đá Trắng), Pú Đán Đeng (thần núi Đá Đỏ), Pú Đán Đăm (thần núi Đá Đen). Ban thờ được lập thành ba cấp là ban Thượng, ban Trung, ban Hạ, được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đình làng xưa kia được dân làng dựng lên với kiến trúc ba gian nằm trong khe núi Roong Đeng (Khe Đỏ)".
"Đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, đình được chuyển ra xóm Nà Chao (thôn Nà Ngàm hiện nay), dựng lại với quy mô rộng lớn hơn với kiến trúc năm gian hai chái để thuận tiện cho dân làng thờ phụng. Đây chính là ngôi đình cổ của người Tày còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của tộc người Tày trong những giai đoạn sơ khai”, ông Nhạn nói.
Ông Triệu Văn Thuộc - Chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: "Xo may tiếng Tày dịch ra nghĩa là cầu may. Lễ hội được tổ chức nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên vui no ấm. Còn cầu đình là nghi thức thể hiện lối sống cộng đồng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt bội thu. Đây cũng là dịp để người dân gặp gỡ, giao lưu, kể cho nhau nghe những câu chuyện hay, tốt đẹp của năm cũ và mong muốn cho một năm mới mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc”.
Điều đặc biệt ở Lễ hội Xo may là công tác tổ chức hoàn toàn xã hội hóa và người dân đứng ra thực hiện. Các thôn, bản, trường học tự thiết kế một gian hàng tham gia để trưng bày, giới thiệu đến du khách những sản phẩm đặc trưng được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Ngọt ở thôn 4 cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị trong gần 1 tháng các sản phẩm đan lát, rèn dao, các loại bánh. Trong thôn, có hộ biết rèn dao, có hộ giỏi nghề đan lát, có chị em khéo léo làm các loại bánh. Trước đây, các sản phẩm này làm để sử dụng trong hộ gia đình, hai năm nay, nhờ có Lễ hội mà chúng tôi có cơ hội để "khoe” với mọi người những sản phẩm độc đáo”.
Bà Triệu Thị Thanh Mai ở thôn 10 chia sẻ: "Qua những ngày lao động mệt nhọc, chúng tôi được vui chơi lấy lại năng lượng cho một năm lao động mới”. Lễ hội Xo may diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn giàu truyền thống, bản sắc văn hóa như: thi không gian trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng do chính người dân làm ra; thi giã bánh dày, gói bánh chưng của người Tày, thi đan lát; tổ chức các trò chơi dân gian như: đánh quay, vá yến, đi cà kheo…
Điều ấn tượng nhất tại lễ hội, người dân và du khách còn được gặp gỡ, giao lưu và thưởng thức diễn xướng văn hóa đặc trưng thông qua điệu múa dậm thuông - điệu múa truyền thống mang tính cộng đồng của đồng bào dân tộc Tày với sự tham gia của hơn 200 diễn viên quần chúng, đã mang đến ngày hội niềm vui, sự háo hức và không khí đông vui náo nhiệt.
Theo quan niệm người dân địa phương, điệu múa dậm thuông như một hình thức mời thần linh chứng giám vừa để cảm tạ, vừa để cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, trâu bò đầy chuồng...
Lễ hội Xo may đầu năm là hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo, có ý nghĩa thiết thực với đồng bào Tày ở xã Mường Lai. Ngoài tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thông qua lễ hội còn giúp người dân phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau quyết tâm bước vào một năm lao động, sản xuất với mùa màng bội thu.
Lễ hội còn là nơi vun đắp khối đoàn kết dân tộc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng là dịp quảng bá hình ảnh về văn hóa, miền đất, con người nơi mảnh đất Mường Lai đến với bạn bè và du khách thập phương, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên vùng đất Ngọc Lục Yên.
Anh Dũng