Miền Tây vẫy gọi

  • Cập nhật: Chủ nhật, 11/2/2024 | 7:40:55 AM

Ba ngày cho một chuyến đi, nhưng thực tế thời gian bạn bè đồng học của chúng tôi chỉ lưu lại Yên Bái được ngày rưỡi. Thành thử, “chủ nhà” phải lên lịch trình thật kỹ, “gạn” thời gian cho hành trình du ngoạn Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải. Gấp gáp thế sẽ rất mệt. Nhưng ngay sau khi đón khách tại thành phố Yên Bái, mà người xa nhất đến từ miền Tây xứ Nghệ; Nghi Xuân, Hà Tĩnh và người ở gần hơn thì đến từ Quảng Ninh, Lạng Sơn… chúng tôi tốc hành đi Nghĩa Lộ lúc xế chiều.

Sắc thắm thảo nguyên hoa Chi pâu và biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu.
Sắc thắm thảo nguyên hoa Chi pâu và biển mây trên đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu.

Bữa cơm đầu tiên, chúng tôi dành cho nhau một không gian thật riêng để hàn huyên sau nhiều năm gặp lại. Và không gian ấy là Homestay Mộc Dương ở xã Nghĩa An. Những mâm cỗ được các cô gái Thái xinh tươi chế biến, sắp bày khéo léo dọn ra giữa nhà sàn. Nào là xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu gác bếp, châu chấu, cá suối chiên giòn, nhộng ong xào măng chua, thịt lợn bản băm nướng trong lá chuối, thịt gà đen của người Mông, rau rừng thập cẩm đồ xôi… 

Văn Bảo - anh bạn ở Nghệ An lấy ra chiếc bi đông in-nốc và nói: 
- Mình có rượu quý mang đi mời các bạn đây! 
Rượu ngon - bạn hiền. Bao ký ức một thời cứ thế ùa về. Ấm áp, cảm động. Ai cũng một lời tấm tắc: 
- Món ăn tuyệt vời quá! 

Sau tiệc. Chúng tôi lên Khu du lịch Chuồn Chuồn để uống cà phê. Chiều nay, khi đến Mường Lò, các bạn vô cùng ngạc nhiên, sao giữa trùng trùng non ngàn Tây Bắc lại có một đồng bằng rộng lớn, đẹp tươi đến thế? Còn giờ, nhìn thị xã Nghĩa Lộ từ trên cao lại thấy như đảo kim cương lấp lánh đẹp nao lòng! Tôi gợi ý, sáng mai chúng mình đi Mù Cang Chải lúc bảy giờ. Ăn sáng ở Nghĩa Lộ cũng nhiều món ngon lắm! Nhưng nếu đi sớm hơn lên Tú Lệ để thưởng thức món xôi nếp Tan đặc sản với thịt nướng thì cũng rất tuyệt. Ăn xong là vừa lúc ngắm bay dù lượn. 

Gần như tất cả đồng thanh:

- Vậy thì, mai ta thưởng thức món xôi Tú Lệ!

Dù lượn trao nghiêng giữa tầng không. Nhìn từ đỉnh đèo Khau Phạ xuôi về Tú Lệ, ruộng bậc thang vẽ vàng tầng nấc, vặn xoắn từ dưới bằng mãi lên lưng núi. Ai ai cũng ngất ngây, hào hứng ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất giữa lưng đèo. 

Cả đoàn lại đổ đèo đi về phía trung tâm huyện Mù Cang Chải rồi dừng chân ở điểm lên ngắm đồi Mâm Xôi. Người, xe đông nghịt. Chúng tôi phải đợi khá lâu mới đến lượt xe ôm chở đến nơi ngắm cảnh. Người Yên Bái như chúng tôi mà lần nào đến đây vào mùa lúa chín còn thấy mình hào hứng như mới lạ thì người ở xa đến lần đầu sẽ mê đắm nhường nào. Các bạn gái trong đoàn tíu tít đua vai cùng bao nữ du khách khác thuê trang phục đẹp nhất của người Mông để chụp hình. 

Chị Đoàn Lý đến từ Hà Nội thốt lên:
 
- Đúng là xem trên phim, ảnh thì chỉ thấy được phần nhỏ vẻ đẹp của Mù Cang Chải!

Không chỉ mê đắm cảnh sắc thiên nhiên mà còn trân quý sự hồn hậu, chất phác và mến khách của người Mông. Cũng đông người phục vụ du khách, cũng bán hàng lưu niệm và bán những bó hoa để chụp ảnh… nhưng người Mông ở đây chẳng hề chèo kéo hay làm khó du khách. Ai mua một bó hoa rừng thì trả bao nhiêu tiền cũng được hoặc họ sẵn lòng cho mượn cả chiếc gùi đầy ắp những hoa khoác lên vai mà chụp ảnh... Vợ chồng chị Quỳnh Hương đến từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh cứ nhắc mãi khoảnh khắc bất ngờ đầy xúc cảm. Ấy là, lúc chị mặc bộ áo váy Mông, đeo trên lưng chiếc gùi hoa để chụp ảnh thì một chị người Mông bước đến vấn lên đầu Quỳnh Hương chiếc khăn len rồi nói mấy câu bằng tiếng Mông. Thảng chút, Quỳnh Hương hiểu chị ấy đội khăn là để giúp mình thêm giống người Mông. Tôi thấy, trên gương mặt những người Mông hiện hữu niềm hãnh diện. Họ hãnh diện vì thành quả đơn thuần chỉ là lao động mưu sinh của bao thế hệ cha ông mà nay trở thành kiệt tác khiến người người ở gần xa ao ước được đến đây chiêm ngưỡng. 

Giờ ăn trưa, hai bên đường thị trấn huyện xe lớn, xe nhỏ kín dài cả cây số. Hình ảnh ấy cho thấy, du lịch Mù Cang Chải đang hấp dẫn lạ thường. Mấy người bạn ở phố huyện tiếp chúng tôi trong một quán nhỏ bên dòng Nậm Kim thơ mộng và hỏi han khách quý đã đi được những đâu? Nghe khách thuật lại thì anh em mới bảo:

- Ồ! Vậy thì chẳng thấm tháp gì. Phải có thời gian thì mới đến được nhiều điểm đẹp, lạ nữa như điểm check-in Rừng Trúc ở xã Púng Luông, xã Mồ Dề; đồi võng lúa Móng Ngựa xã Mồ Dề, xã La Pán Tẩn; rừng nguyên sinh Chế Tạo; thảo nguyên hoa Nậm Khắt; bãi khắc đá cổ Lao Chải… Du lịch Mù Cang Chải mang đặc trưng bốn mùa khác biệt; trong đó, du lịch ruộng bậc thang có mùa nước đổ vào dịp hè và mùa lúa chín cuối thu; mùa đông, đất này rộ lên sắc hoa tớ dày và mùa lá phong đổ vàng; mùa xuân là mùa của hoa ban, đào, lê, mận, sơn tra. Anh em trong đoàn nghe mà thấy vừa tiếc nuối vừa háo hức.

Trở về Nghĩa Lộ khi đã xế chiều. Chúng tôi nhắc lại lịch trình đi tắm suối khoáng nóng ở Bản Hốc. Một vài người đã hơi nản vì vừa phải trải qua quãng đường đi về trên hai trăm cây số nên thấm mệt. Tuy nhiên, chỉ đi thêm chục cây số nữa là đến chỗ tắm, nên mọi người động viên nhau đi. Tắm xong, ngồi nhấm nháp chút trà gừng ở điểm tắm Hướng Kim, anh Nguyễn Xốp - chồng chị Đoàn Lý bảo rằng:
- Nếu không đi tắm suối khoáng thì quả thực sai lầm. Mệt mỏi đã tiêu tan hết!

Bữa tối, ăn cơm tại Homestay Hồng Chung ở Nghĩa Lộ. Nhiều món đặc sản đêm qua được đổi thành món mới và có cả múa xòe và hát dân ca. Chúng tôi vừa ăn uống vừa đắm mình trong những điệu khắp Thái du dương. Chị Lường Thị Hồng Chung - chủ homestay nhận ra tôi. Chị đến mời đoàn ly rượu. Tôi giới thiệu với chị ba người bạn cũng là người Thái đến từ miền Tây xứ Nghệ. Chị hồ hởi bắt tay, mời rượu những người đồng tộc một chén và trò chuyện bằng tiếng Thái. Bỗng chị cất lên giai điệu bổng trầm bằng tiếng Thái. Tôi chẳng hiểu nên nhờ chị dịch lại. Lời bài hát hay đến ngỡ ngàng: 

Anh là khách quý đến chơi nhà
Chờ em lấy con dao cùn làm chiếc lưỡi câu
Lấy con trâu để làm mồi
Câu con cá trên sông Ngân Hà mời anh, anh nhé!

Rượu ngà ngà, chúng tôi lẫn vào vòng xòe cùng những cô gái Thái ở nơi được ví là "miền gái xinh” cho mãi tới khuya.

Hôm sau, trên đường về Yên Bái, chúng tôi ngược Suối Giàng. Trời mù sương, khiến du khách cả ta, Tây, Hàn, Nhật, Trung Quốc… như lạc trong mê cung chè cổ thụ. Dạo một hồi trên núi, chụp ảnh, chiêm ngưỡng những cây chè hàng trăm năm tuổi, chúng tôi ghé vào "Không gian văn hóa trà Suối Giàng”. Cô gái Mông tuổi chừng mười tám. Má thắm trái đào - nét đẹp đặc trưng sơn nữ. Cô pha trà thoăn thoắt như pha trà đạo. Lạ lắm! Chiếc ấm nhỏ tựa trái cam mà cả chục người thưởng trà cứ vẫn mãi đượm thơm, vàng sánh như chiết chắt từ tinh túy đất trời. Xong việc, cô ngồi tựa lan can bật khe khẽ bài hát tiếng Mông từ chiếc iPhone. Tôi bảo nhạc hay quá mà mình không biết tiếng. Cô gái thoáng bẽn lẽn rồi niềm nở dịch lời:

Nơi ở của người Mông cheo leo núi cao 
Tay với đến mặt trời, mặt trăng, gần chân mây 
Nơi mà từ những kẽ đá cũng mọc ra hạt ngô căng mẩy
 Nơi mà khó khăn mọi người vẫn vui cười, vui hát…

Câu hát như có phép nhiệm màu. Trời dần hửng nắng đuổi mây bay bay. Làng bản người Mông hiện hữu lớp lớp những ngôi nhà thoáng rộng bên vườn chè cổ thụ. Tôi chỉ tay về phía xa xa ngang với Suối Giàng và giới thiệu, đó là Lau Camping Phình Hồ đang là điểm cắm trại hot ở Yên Bái được giới trẻ "săn lùng” vì có view cực đẹp, là tọa độ săn mây và dã ngoại cuối tuần hấp dẫn của du khách trong, ngoài tỉnh, nhất là du khách thủ đô. Cao ngất và thăm thẳm núi rừng phía ấy là huyện Trạm Tấu. Nơi ấy, cũng chủ yếu người Mông, cũng ruộng bậc thang, suối khoáng nóng nhưng khác biệt với Mù Cang Chải là có đỉnh Tà Xùa rực rỡ hoa Đỗ quyên mùa xuân và đỉnh Tà Chì Nhù thắm sắc thảo nguyên hoa Chi pâu vào cuối thu cao gần ba nghìn mét đang là điểm leo núi, trải nghiệm thu hút rất đông du khách. Ít lâu nữa, hai tuyến đường kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với miền Tây Yên Bái được hoàn thành, chắc chắn du khách sẽ đổ xô về đây. Nhiều bạn cùng ngỏ ý, vậy lúc đó ta lại đến đây chơi vài ngày cho bõ.

Chuyến đi dù gấp gáp, chưa đến được nhiều danh thắng, nhưng cảm nhận chung của những người bạn, đó là "chuyến đi mỹ mãn”. "Chủ nhà” lâng lâng cảm xúc tự hào. Hãy đến nữa nhé và mời nhiều người cùng đến!

Miền Tây Yên Bái luôn vẫy gọi, đón mời!   


Bút ký của Hoàng Nhâm

Các tin khác
Ảnh minh họa

Nằm hiền hòa bên dòng suối Ngòi Nhì, Bản Hốc thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn từ lâu đã được du khách trong và ngoài tỉnh biết đến là điểm du lịch văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc. Bản Hốc đã được Bảo tàng tỉnh kết hợp với ngành du lịch và UBND huyện Văn Chấn khảo sát, xây dựng thành Khu bảo tồn văn hóa với đặc trưng của người Thái đen vùng Tây Bắc. Trong đó những điểm nhấn là nhà sàn cổ, lễ hội, trang phục, nhạc cụ dân gian, nghề truyền thống và suối khoáng nóng được khôi phục, bảo tồn. Du lịch Bản Hốc đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đáng nhớ của du khách trên hành trình du lịch Tây Bắc.

Sắc hoa tớ dày mùa xuân.

Mù Cang Chải nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Không chỉ là một điểm đến du lịch thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm mà nơi đây còn là biểu tượng sống về sự kiên trì, khéo léo và tình yêu thương của con người đối với môi trường tự nhiên. Mỗi mùa ở Mù Cang Chải lại mang đến cho du khách những trải nghiệm khác nhau.

Trình diễn Khèn Mông tại Lễ công bố Quyết định và Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Khèn, Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Mạnh mẽ, sôi động và đầy ấn tượng, du lịch Yên Bái tiếp tục có một năm bứt phá, thêm nhiều thắng lợi và thành công rất tốt đẹp. Bản sắc, hình ảnh, con người, vùng đất và tên gọi Yên Bái ngày càng trở nên hấp dẫn cũng như ngày càng giống một thỏi "nam châm” thu hút, khơi gợi mong muốn trải nghiệm, khám phá, chinh phục của du khách.

Sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của vùng văn hóa sông Chảy, tỉnh Yên Bái, nằm trong tổng thể Di tích danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, Yên Bình là điểm đến nhiều bất ngờ, thú vị với du khách trong hành trình du xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục