Khai thác bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/4/2024 | 8:52:38 AM

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu; đồng thời, triển khai các giải pháp bảo tồn, khai thác bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch.

Công viên địa chất Lạng Sơn có vẻ đẹp hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống con người
Công viên địa chất Lạng Sơn có vẻ đẹp hài hoà giữa thiên nhiên và cuộc sống con người

Với diện tích lên tới 4.842km2, trải rộng khắp 8 huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn, Công viên địa chất Lạng Sơn là một trong những công viên địa chất lớn nhất tại Việt Nam.

Hiện nay, nước ta đã có một số công viên địa chất được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, song, Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều giá trị khác biệt.

Trước hết là giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan. Công viên chính là nơi có hệ thống hóa thạch cổ sinh phong phú, cho thấy lịch sử sự sống trong hàng trăm triệu năm, với thời điểm xa nhất là 500 triệu năm trước. Có những hóa thạch cho thấy trước đây Lạng Sơn từng là vùng biển.

Công viên địa chất có những cảnh quan nổi tiếng như: Những dãy núi đá thấp trùng điệp bao quanh những thung lũng, bản làng ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); hang động là nơi cư trú người tiền sử như hang Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia)…

Về mặt văn hóa, Công viên có nhiều điểm thờ các vị trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ, nổi bật nhất là đền Bắc Lệ; những bản làng đồng bào Tày, Nùng... với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, ẩm thực, trang phục…


Công viên địa chất Lạng Sơn có những cảnh quan thiên nhiên làm say lòng người.

Phó trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn Phạm Thị Hương cho biết: "Từ những nét đặc sắc của công viên, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 11/2023. Việc đề nghị UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu nhằm mục đích bảo tồn, phát huy giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa của công viên một cách bền vững.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai hàng loạt giải pháp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của công viên; các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị thông qua phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang chuẩn bị các điều kiện để đón đoàn chuyên gia của UNESCO sang thẩm định Công viên vào khoảng tháng 7/2024”.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn và Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn xây dựng 4 tuyến du lịch, với 38 điểm đến được triển khai dọc theo các trục đường quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279.

Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan.

Tuyến "Khám phá thế giới Thượng ngàn” khởi nguồn từ đền Bắc Lệ, nơi thờ Mẫu Thượng ngàn, kết hợp giữa tham quan di sản địa chất đặc trưng thung lũng núi đá vôi, di sản tín ngưỡng thờ Mẫu, các làng bản homestay yên bình của người Tày, khu di tích lịch sử ải Chi Lăng…

Tuyến Hành trình về miền biên giới mở đầu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, qua đền Mẫu Đồng Đăng đến các điểm dọc quốc lộ 1B về miền quê hương cách mạng Bắc Sơn anh hùng. Những địa danh nổi tiếng mà khách sẽ trải nghiệm như rừng hồi Xứ Lạng, hang Thẩm Khuyên-Thẩm Hai, Dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn…

Cuộc sống dân dã nơi trần thế là tuyến du lịch số 3. Du khách sẽ được đón bình mình trên làng bản người Tày, trải nghiệm nghề làm ngói âm dương thủ công truyền thống, những cánh rừng hồi xanh ngút mắt, cảnh quan thung lũng đá vôi trên địa bàn huyện Bắc Sơn, thăm đền Chầu Mười giữa núi rừng, trải nghiệm nghề làm cao khô Vạn Linh với đồng bào dân tộc Nùng…

Tuyến số 4 có chủ đề Khám phá Thủy cung gồm có 10 điểm tham quan trên quãng đường khoảng 80km. Điểm nhấn trong hành trình này là vùng núi Mẫu Sơn quanh năm trong lành mát mẻ và vùng trũng Na Dương, nơi phát hiện hàng loạt hóa thạch khoảng 40 triệu năm trước.

Hiện nay, một số điểm du lịch trong 4 tuyến trên đã đi vào vận hành, một số đang được hoàn thiện về cơ sở hạ tầng để đưa vào khai thác.

Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Ninh Văn Gia cho biết, hiện nay, hạ tầng du lịch Lạng Sơn đang được cải thiện rõ rệt. Toàn tỉnh có 298 cơ sở đạt tiêu chí với hơn 3.900 buồng. Có hơn 60 homestay, 320 nhà hàng cơ sở ăn uống. Có những nhà hàng có thể đáp ứng 3.000 lượt khách/ngày đêm. Đây là những nền tảng để Lạng Sơn có thể khai thác phát triển du lịch nói chung, du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng.

Để tìm hướng khai thác, phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, chiều 2/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, Công ty TNHH Viện Phát triển Du lịch bền vững Việt Nam tổ chức Tọa đàm, ký kết phát triển bền vững du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn.

Toạ đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện 30 doanh nghiệp du lịch của Hà Nội và Lạng Sơn, đại diện một số doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lưu niệm, chế biến nông sản Lạng Sơn.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch đã "hiến kế” để Công viên địa chất Lạng Sơn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng: "Công viên địa chất Lạng Sơn rất rộng lớn, có nhiều cảnh đẹp, đặc biệt như khu vực núi đá ở huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, Lạng Sơn cần quảng bá, giới thiệu tốt hơn nữa những địa danh, điểm đến để các doanh nghiệp lữ hành có thể lựa chọn. Nhiều nét hoang sơ là một lợi thế nhưng cần sự quan tâm, tác động một cách hợp lý để giữ nét đẹp đó và tôn vinh hợp lý để thu hút khách du lịch”.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác điểm đến của Hà Nội và Lạng Sơn đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn. Việc ký kết thỏa thuận mở ra cơ hội tăng cường quảng bá, khai thác, phát triển hiệu quả các tuyến, điểm du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn nói riêng, tăng cường liên kết giữa du lịch Lạng Sơn với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Hà Nội.

(Theo NDO)

Các tin khác
Phát huy lợi thế mùa hoa sơn tra, người dân Mù Cang Chải phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Trong ảnh: Các hộ dân nuôi ong dưới tán cây sơn tra.

Mùa xuân ấm áp, đánh thức muôn hoa khoe sắc. Trong bức tranh thiên nhiên rực rỡ ấy, tại các huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh lại nổi bật vẻ đẹp tinh khôi, dịu dàng của hoa sơn tra (táo mèo).

Du khách nước ngoài thích thú khi được khám phá bản làng, nét văn hóa của người Thái ở Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Trong quý I, lượng du khách đến Yên Bái đạt trên 693.000 lượt, tăng 66% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế đến Yên Bái đạt 82.621 lượt, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2023.

Huyện Lục Yên đã hỗ trợ 45 triệu đồng cho lớp truyền dạy hát Khắp cọi của dân tộc Tày xã Mường Lai. (Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Quang Nhạn (xã Mường Lai) với bộ sưu tầm khoảng 350 bài khắp cọi, trên 300 bài hát ví quan làng của mình.)

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, sau 3 năm thực hiện, đến nay, huyện Lục Yên đã có 3/11 chính sách được triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ 771.000.000 đồng.

Các học viên tham gia Lớp tập huấn.

Ngày 29/3, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức Lớp tập huấn kỹ năng sử dụng công cụ số phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu về hình ảnh đất và người Yên Bái, về du lịch trên môi trường mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục