Đền Tuần Quán nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Trước thế kỷ 19, dân gian thường gọi là "Miếu Quán Tuần". Từ cuối thế kỷ 19 cho đến nay, đền chính thức có tên là "Đền Tuần Quán". Đền thờ mẫu Liễu Hạnh, tương truyền bà chính là Quỳnh Hoa công chúa giáng trần đã có công "Hộ quốc tỷ dân”. Vì vậy, vua Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng 44 đã ban cho sắc phong là "Đức chúa Quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung” và được nhân dân tôn là Thánh Ân thờ tại đền Tuần Quán.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và du khách mà còn trở thành nơi ghi dấu những sự kiện, những mốc lịch sử quan trọng của đất nước gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc, các chí sĩ yêu nước, là địa điểm tập hợp lực lượng, ủng hộ quyên góp phục vụ kháng chiến.
Theo thời gian, do chiến tranh và những biến cố thăng trầm của lịch sử đã khiến ngôi đền bị tàn phá và hư hại nhiều. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, năm 1992, đền Tuần Quán đã được UBND tỉnh cho phép trùng tu, tôn tạo trên nền đất cũ, có tổng diện tích khuôn viên 1.660m2.
Nghi thức dân hương tại đền Tuần Quán.
Năm 2005, đền Tuần Quán đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đa số nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đền Tuần Quán là nơi lưu giữ nhiều di tích vật thể và phi vật thể có giá trị văn hóa, góp phần làm phong phú thêm văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đền Tuần Quán được tổ chức thường niên vào ngày mồng 3/3 âm lịch hàng năm vào mỗi độ "Thanh minh trong tiết tháng 3” theo truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của dân tộc ta, được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan chiêm bái. Ngoài ra, đền còn tiệc cha được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Đây là hoạt động sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng đầy chất nhân văn trong đời sống xã hội, là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, hướng về tổ tông, cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc mà cha ông đã tạo dựng nên trong suốt quá trình lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước.
Dóng chuông khai hội giỗ Mẫu đền Tuần Quán.
Sau phần lễ chính, đền còn tổ chức các trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, bóng chuyền hơi, trò chơi bịt mắt bắt vịt hay thi bày mâm lễ dâng Mẫu… nhằm tái hiện lại cuộc sống, giá trị văn hoá truyền thống trong dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Các tổ dân phố phường Yên Ninh thi bày mâm lễ dâng Mẫu.
Các trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách.
Việc tổ chức Lễ hội không chỉ khẳng định việc tiếp nối, bảo tồn phát huy nét văn hóa đặc sắc "tín ngưỡng thờ Mẫu” của dân tộc mà còn là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Yên Ninh quyết tâm hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Minh Huyền - Bùi Minh