Với văn hóa truyền thống đa dạng, đậm đà bản sắc như: Lễ hội Gầu Tào, múa khèn, dân ca, dân vũ, hát giao duyên, hát đối, các nghề truyền thống về rèn đúc nông cụ, đồ trang sức, đan lát các đồ dùng sinh hoạt, thêu thùa thổ cẩm, dệt vải lanh, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải... Trạm Tấu có điều kiện xây dựng các sản phẩm du lịch riêng có. Nghệ nhân Giàng A Dao ở xã Bản Mù có hơn 25 năm làm nghề chế tác và thổi múa khèn.
Ông Dao cho biết: "Từ bé, tôi đã rất yêu thích tiếng khèn. Nhờ tiếng khèn, tôi có được vợ. Tiếng khèn còn giúp cho mỗi dịp lễ hội, tết cổ truyền của bản làng thêm vui tươi, phấn khởi. Bởi vậy, tôi đã được bố truyền dạy cho cách làm khèn và học thổi, múa khèn ngay từ khi còn thiếu niên. Cây khèn gắn bó như một phần cuộc sống của tôi. Được mời về Hà Nội biểu diễn, tôi rất tự hào vì tiếng khèn, các vũ điệu múa khèn của người Mông nói chung và của cá nhân tôi nói riêng đã được nhiều du khách nước ngoài quan tâm và yêu thích".
"Ở huyện, các mùa Lễ hội Gầu Tào hàng năm và tết cổ truyền của người Mông, tôi đều tham gia biểu diễn khèn để góp thêm khí thế, động lực cho bản làng thêm vui tươi, phấn khởi. Ngoài ra, tôi cũng đi biểu diễn khi có các đoàn khách du lịch đến với huyện có yêu cầu và tích cực truyền dạy lại cách chế tác, thổi múa khèn Mông cho mọi người và thế hệ trẻ để cùng nhau gìn giữ, phát huy báu vật của dân tộc Mông và nhất là có thể phục vụ tốt hơn cho du khách khi đến với Trạm Tấu” - ông Dao chia sẻ.
Ngoài múa khèn, văn hóa người Mông còn được biết đến với các đồ dùng tự rèn đúc rất sắc bén hay các loại thổ cẩm bằng sợi lanh được thêu thùa thủ công, chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao...
Bà Hờ Thị Nu ở xã Xà Hồ cho biết: "Có một thời gian, chúng tôi đã ít làm vải lanh truyền thống vì làm thủ công rất vất vả, trong khi đó nhu cầu may mặc thì đã có vải ngoài chợ vừa rẻ lại vừa tiện lợi. Mấy năm gần đây, khi du lịch phát triển, nhiều du khách nước ngoài rất thích các đồ thổ cẩm làm từ vải lanh, nhiều du khách thích trải nghiệm các quy trình, thao tác từ tước sợi lanh, nối sợi lanh, tẩy trắng sợi lanh, dệt vải lanh... bằng phương pháp thủ công truyền thống nên chúng tôi cũng có động lực để tiếp tục duy trì, phát huy nghề truyền thống”.
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại chỗ, Trạm Tấu đã có những đổi thay, chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo động lực lớn về vật chất, tinh thần cho địa phương, nhất là người dân thêm mạnh dạn hơn trong đầu tư gìn giữ các nét văn hóa truyền thống để bảo tồn và phát triển du lịch, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: "Để phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch, huyện đã khôi phục lại nhiều lễ hội, các nét văn hóa truyền thống về múa khèn, thổi lá, kèn môi, sáo trúc dân tộc, nhất là đưa các nhạc cụ dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để cho các cháu học sinh tìm hiểu, làm quen, học tập gìn giữ. Đặc biệt, huyện có kế hoạch gắn những nét đẹp văn hóa dân tộc độc đáo mang tính bản sắc với việc phát triển du lịch, vừa để giữ gìn văn hóa vừa thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Với mục tiêu phát triển văn hóa bản địa gắn với du lịch, ngoài các nghề truyền thống, lễ hội, đến nay, toàn huyện xây dựng được gần 40 đội văn nghệ quần chúng. Trong đó, có hàng chục đội chuyên phục vụ khách du lịch với đủ các sắc màu từ văn hóa Mông, Thái, Khơ Mú như: múa, hát, độc tấu nhạc cụ dân tộc, đậm đà bản sắc riêng có. Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng tích cực sáng tác, sưu tầm, khôi phục và gìn giữ các phong tục, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc vừa phục vụ nhu cầu văn hóa, văn nghệ phát triển du lịch.
Châu Á